12 năm trước, Hà Lan chơi một kỳ EURO hay bậc nhất lịch sử khi đè bẹp cả ĐKVĐ World Cup (Italy) lẫn Á quân (Pháp) ở vòng bảng. Những nhà cái sau 2 lượt trận đã đồng loạt điều chỉnh lại tỷ lệ cược cho đội vô địch. Hà Lan lên vị thế ứng cử viên số một, vượt cả Đức và Tây Ban Nha.
Song bất chấp sức mạnh gần như không thể cản lại, đi kèm với kỳ vọng ngút trời, "Cơn lốc màu da cam" dưới tay Marco van Basten đã vụn vỡ trước ĐT Nga bị đánh giá yếu hơn tại tứ kết.
12 năm sau kỷ niệm buồn ấy với những CĐV xứ sở hoa tulip, bí mật quan trọng nhất cuối cùng cũng được tiết lộ.
Hà Lan thất bại tại tứ kết EURO 2008 trước Nga sau khi bùng nổ ở vòng bảng. Ảnh: Getty. |
Định mệnh
Kees Janma là nhà báo kỳ cựu tại Hà Lan. Trong hơn 5 thập kỷ làm việc dưới góc nhìn của một người quan sát, Janma có riêng 10 năm gắn bó với ĐT Hà Lan với vai trò của người phụ trách báo chí (từ 2004-2014).
Với Janma, bi kịch của hậu vệ Khalid Boulahrouz đã giáng đòn quyết định tới những cầu thủ Hà Lan. Vợ của Boulahrouz khi ấy đẻ sớm hơn rất nhiều so với dự tính. Hậu vệ này khi ấy được cho phép rời trại tập trung của ĐT Hà Lan.
"Cảnh sát đã sẵn sàng, cậu ấy cũng di chuyển rất nhanh để tới bệnh viện. Nhưng chỉ chưa đầy một tiếng sau, những tin đồn lan truyền trên mạng rằng Boulahrouz dương tính với doping và được đưa đi xét nghiệm", Janma nhớ lại với Voetbalzone.
Bi kịch đến với Khalid Bouhlarouz (giữa) và ảnh hưởng tới toàn bộ ĐT Hà Lan. Ảnh: Getty. |
"Tôi liên lạc với tất cả những phóng viên Hà Lan và khẳng định đang có chuyện không hay diễn ra, và xin đừng viết gì cả. Thế đấy".
Mọi chuyện diễn ra bình thường sau đó. Tuy nhiên, khi toàn đội Hà Lan chuẩn bị theo dõi trận đấu quyết định đối thủ của mình tại tứ kết (Thụy Điển gặp Nga tại bảng D), tin dữ ập tới.
Đứa con sinh non của Boulahrouz đã không qua khỏi.
"Van Persie muốn tới bệnh viện ngay lập tức. De Jong và Van Nistelrooy đi cùng cậu ấy. Van der Sar khi đó đã ở trong taxi. Cậu ấy muốn HLV Van Basten đi cùng và ông ấy đồng ý. Gần như toàn đội đã tới bệnh viện và ở trong phòng bệnh viện cùng Boulahrouz và vợ", Janma nhớ lại.
"Đó là khoảnh khắc thật sự kinh ngạc và đầy xúc động. Nhưng cũng trong chính lúc ấy, các bác sỹ và y tá lại van xin đòi chụp hình. Tôi không bao giờ thấy cảnh tượng nào như thế nữa".
Sau cùng, Janma khẳng định đó là thất bại của mình trên tư cách trưởng bộ phận báo chí của ĐT Hà Lan khi ông cảm thấy hoàn toàn bất lực. "Chúng tôi ở đó, buồn bã, với sự thật là bóng đá chẳng còn quan trọng trong những tình huống như thế. Nỗi đau có ý nghĩa hơn rất nhiều", ông nói.
Nỗi nuối tiếc Hà Lan
Trận đấu toàn đội Hà Lan đã bỏ lỡ để tới chia buồn với Khalid Boulahrouz là thời điểm Andrei Arshavin bùng nổ với ĐT Nga khi đấu với Thụy Điển. Anh ghi 1 bàn, kiến tạo 1 bàn giúp Nga thắng 2-0 và giành quyền vào tứ kết.
Trước đó, tiền đạo này nhận thẻ đỏ ở vòng loại và bị treo giò trong 2 lượt trận đầu tiên. Không Arshavin, Nga thua Tây Ban Nha 1-4 và chỉ thắng Hy Lạp sát nút 1-0.
Hoàn toàn sung sức, Arshavin đưa Nga đối đầu với ứng cử viên số một Hà Lan tại tứ kết. Những gì diễn ra trong trận đấu này chưa bao giờ khiến các CĐV Hà Lan thôi đau đớn. Hình ảnh "Cơn lốc màu da cam" bùng nổ và hiệu quả tại vòng bảng đột ngột biến mất. Hà Lan của Van Basten bị Nga cô lập, thậm chí đội bóng áo cam hoàn toàn kiệt sức và thua thiệt trong các cuộc đấu tay đôi dù được nghỉ nhiều hơn 1 ngày.
Arshavin sung sức hoàn toàn hủy diệt Hà Lan mệt mỏi về tâm lý ở trận tứ kết. Ảnh: Getty. |
Sự sáng suốt của Van Basten trên ghế chỉ đạo cũng biến mất. Ông để hậu vệ vừa mất con, Bouhlarouz, đá chính từ đầu và thay anh này sau 54 phút. Toàn bộ 3 quyền thay người được Hà Lan sử dụng cả sau 62 phút. Hệ quả là tới hiệp phụ, "Cơn lốc màu da cam" bất lực trong việc ngăn cản tốc độ của Arshavin và để thua 2 bàn nhờ dấu giày trực tiếp của tiền đạo này.
Không chuyên gia nào thực sự lý giải được điều gì đã tới với Hà Lan khi ấy. Nhiều bên cho rằng Van Basten đã tính toán điểm rơi phong độ của Hà Lan ở vòng bảng, và toàn đội mất động lực và phong độ khi tới tứ kết.
Dẫu vậy, tiết lộ của Janma đã làm sáng tỏ câu chuyện sau thất bại của Hà Lan tại EURO 2008. Cái chết của con Boulahrouz đã giáng một đòn mạnh vào tâm lý của những cầu thủ áo cam. Điều này trái ngược so với ĐT Nga, những người đón chào sự trở lại của thủ lĩnh Arshavin, cùng với Guus Hiddink cao tay trên ghế chỉ đạo.
Van Nistelrooy kiệt sức khi chơi sang hiệp phụ, và chia tay sự nghiệp thi đấu quốc tế trong giải đấu chơi hay bậc nhất sự nghiệp cùng ĐT Hà Lan. Ảnh: Getty. |
Ở phần còn lại của giải đấu trên đất Áo và Thụy Sĩ, Nga đã thua Tây Ban Nha 0-3 ở bán kết. "Bò tót" sau đó thắng Đức và lên ngôi vô địch, trực tiếp mở ra thời kỳ thống trị bóng đá thế giới sau đó. Tới nay, những người theo dõi trực tiếp mùa hè sống động năm đó vẫn tin rằng nếu Hà Lan vào bán kết đấu với Tây Ban Nha thay vì Nga, mọi chuyện có thể đã khác.
Song bóng đá không bao giờ có chữ "nếu". Sự thật là Hà Lan vùi dập Italy 3-0, Pháp 4-1 ở vòng bảng đã biến mất, ngay từ thời điểm Boulahrouz mất con.