Zing lược dịch và gửi tới độc giả giai thoại về quyết định giã từ đội tuyển Hà Lan của Dennis Bergkamp, ở chương 16 trong cuốn tự truyện có tên “Sự tĩnh lặng và tốc độ” (Stillness and Speed).
Những câu chuyện được sắp xếp liền mạch và chi tiết cũng lý giải về những tiếc nuối của Dennis Bergkamp ở hai giải đấu World Cup 1998 và Euro 2000.
“Tôi đã yêu, vẫn yêu và sẽ luôn yêu thích xem đội tuyển Hà Lan thi đấu”, cựu tiền đạo đội tuyển Pháp, Thierry Henry chia sẻ. “Trong lịch sử bóng đá, chúng ta đều biết rằng không phải lúc nào cũng có đội tuyển giành chiến thắng như thế. Nhưng với tôi, đó nên là cách bóng đá diễn ra. Đó là lối chơi Hà Lan”.
"Thật lạ khi Hà Lan của Bergkamp chưa bao giờ vô địch giải đấu nào phải không? Đúng và tôi thực sự buồn vì điều đó. Năm 1998, chúng tôi rất sợ Hà Lan. Khi Brazil giành chiến thắng ở vòng bán kết trên chấm luân lưu, chúng tôi đã ăn mừng. Tôi sẽ luôn nhớ điều đó”, Henry nói.
Hà Lan đã cầm hòa 1-1 trước Brazil rồi để thua 2-4 trên loạt sút luân lưu ở bán kết World Cup 1998. |
Chặng cuối của Dennis Bergkamp
Vì Hà Lan mạnh hơn Brazil hay sao?
“Hơn hẳn!”. Brazil năm đó không tệ nhưng với tôi Hà Lan chắc chắn là đội hay nhất giải đấu. Ai mà biết được chuyện gì có thể xảy ra trong trận chung kết? Nhưng thời điểm đó chúng tôi rất yên tâm. Hãy tin lời tôi, còn hơn cả yên tâm ấy chứ. Khi ấy tôi còn trẻ nhưng vẫn nhớ các anh lớn nói gì. Họ thực sự không muốn đối đầu Hà Lan vì Hà Lan rất mạnh, nhanh, sở hữu kỹ thuật tuyệt vời và có lối chơi đẹp mắt.
Tất cả đều muốn tránh Hà Lan. Thực sự đấy. Và sau đó họ lặp lại điều ấy ở năm 2000. Một lần nữa chúng tôi không muốn gặp họ và một lần nữa, chúng tôi nằm ở nhánh khác, phải chờ đợi. Đội hình Hà Lan ấy với Bergkamp không giành bất cứ danh hiệu nào là điều quá điên rồ! Quá điên rồ với tôi”.
Anh nghĩ tại sao họ lại không giành được danh hiệu?
“Tôi không có manh mối nào nhưng là một người hâm mộ bóng đá, tôi rất thất vọng. Phải nói rằng nếu họ vô địch giải đấu nào đó, chúng tôi sẽ trắng tay. Vì thế tốt hơn là cứ thế đi [cười]. Nhưng thật lạ khi một đội bóng xuất sắc như thế lại không có bất cứ danh hiệu mà chúng ta ai cũng muốn có”.
Bergkamp quyết định giã từ đội tuyển quốc gia sau Euro 2000. Tuy nhiên anh không nói chuyện này với ai cả. “Tôi muốn tránh tạo ra cảm giác về sự chia ly. ‘Lần cuối cùng Bergkamp sẽ làm cái này cái kia, đường chuyền cuối cùng, những bước chạy cuối cùng trong màu áo cam…’. Tôi muốn tránh điều đó bằng mọi giá”.
Cảm giác thời gian đang bắt kịp anh thể hiện rõ nét trong quá trình hướng tới giải đấu sẽ được tổ chức ở quê hương Hà Lan và Bỉ. Tân HLV Frank Rijkaard đôi khi sử dụng những gương mặt mới như Ruud van Nistelrooy và Patrick Kluivert đá cặp với nhau trên hàng tiền đạo và bảo Bergkamp đó chỉ là thử nghiệm. “Tôi không ngớ ngẩn”, Bergkamp hồi tưởng.
“Tôi đã chơi bóng đủ lâu để cảm thấy có những chuyện đang tới và vị trí của tôi có thể bị hạ xuống. Có lẽ Rijkaard muốn đổi sang hệ thống với 2 tiền đạo và ông ấy xem tôi là lựa chọn thứ . Thời điểm đó tôi hơi sa sút ở Arsenal và thấy khá lo lắng”.
Tuy nhiên, Van Nistelrooy bị rách dây chằng đầu gối. Và Bergkamp thì đã quá quen thuộc với sơ đồ 2 tiền đạo, do đó lúc này không cần phải nghi ngờ về vị trí của anh trong đội nữa: anh sẽ chơi tiền đạo ảo phiên bản lùi sâu hơn một chút, phía sau Kluivert.
Euro 2000 là giải đấu cuối cùng của Dennis Bergkamp trong màu áo tuyển Hà Lan. |
Báo chí Hà Lan nhớ lại những ngày anh còn ở Ajax và đặt vấn đề rằng Bergkamp không còn ghi nhiều bàn nữa. “Tôi đã trở thành kiểu cầu thủ khác ở Arsenal, thiên nhiều hơn thành tiền vệ kiến thiết lối chơi, một chân kiến tạo. Ở Arsenal họ chấp nhận tôi ghi bàn ít hơn vì họ thấy số lượng kiến tạo của tôi tăng lên. Ở Anh, tôi ghi 120 bàn và có 120 kiến tạo tuy nhiên ở đội tuyển Hà Lan, tôi không còn danh tiếng ấy nữa”.
Dù vậy Bergkamp vẫn hòa hợp với Rijkaard. “Trên cương vị HLV trưởng, ông ấy khiến tôi thoải mái. Chúng tôi làm việc có hệ thống và tập trung, Johan Neeskens cũng đóng góp to lớn với vai trò trợ lý. Điều khiến tôi ngạc nhiên là những buổi nói chuyện của Rijkaard. Ông ấy luôn tranh luận rất hay.
Lúc này, ông ấy bảo chúng tôi có thể đạt được những điều lớn lao, những thứ mà ông ấy đã được trải qua. Tuy nhiên chúng tôi phải đặt mọi thứ sang một bên. Ông ấy tin chúng tôi sẽ trở thành nhà vô địch châu Âu nếu tập trung hết 100% vào mục tiêu ấy. Vô địch Euro 2000 thực sự trở thành một nhiệm vụ”.
Nỗi ám ảnh về thất bại
Cũng giống như ở World Cup 1998, đội tuyển Pháp rất ngạc nhiên khi thấy đối thủ đáng sợ nhất của mình gục ngã. Và sau đó, họ bước lên ngôi vương khi đánh bại Italy. Patrick Viera bày tỏ: “Tôi không bao giờ hiểu tại sao đội hình Hà Lan ấy lại không giành danh hiệu. Mọi thứ tinh hoa tập trung ở thế hệ ấy: Kluivert, Bergkamp, Overmars…
Tôi nhớ khi xem họ đối đầu Argentina và đã thi đấu thực sự xuất sắc. Thật không thể tin nổi! Đó chính là thứ bóng đá chất lượng! Một trong những khác biệt giữa Hà Lan và Pháp thời điểm ấy là chúng tôi tuy yếu hơn một chút về trình độ nhưng có nhiều cầu thủ mạnh mẽ hơn.
Nếu nhìn vào hàng thủ, tính thể chất thực sự nổi trội: Thuram, Lizarazu, Desailly, Laurent Blanc… Chúng tôi là những nhà vô địch. Chúng tôi dùng cái đầu ở chỗ Hà Lan dùng đôi chân. Và có lẽ Hà Lan lại không dùng cái đầu ở chỗ chúng tôi dùng đôi chân. Đó chính là khác biệt”.
Bergkamp bày tỏ nỗi buồn về 2 giải đấu này: “Tôi vẫn không hiểu biết tại sao chúng tôi lại không đánh bại được Italy. Thất bại trên chấm luân lưu thật là kém cỏi, tuy nhiên nó còn bớt sốc và nỗi đau không dài như năm 1998. World Cup 1998 là giải đấu lớn hơn Euro 2000 và chúng tôi cảm thấy thế. Khi giải đấu khép lại, chúng tôi cảm ơn người hâm mộ và tôi biết: ‘OK, vậy là xong. Giờ mình phải đưa ra tuyên bố và nói lời tạm biệt’”.
Lời giã từ đội tuyển Hà Lan của Dennis Bergkamp đã để lại nhiều tiếc nuối. |
Nhưng World Cup 1998 vẫn ám ảnh phải không?
Đáng ra chúng tôi không thể thua Brazil, đó là điều rõ ràng. Chúng tôi là đội chơi hay hơn họ. Tất nhiên năm 1996 chúng tôi biết vấn đề của mình. Tôi không chắc chúng tôi có thể vô địch không nhưng chúng tôi đã có thể lọt vào chung kết, tôi nghĩ vậy.
Còn năm 1998 thì mọi thứ đều vào đúng nhịp, tất cả đều thuận lợi. Chúng tôi đáng lẽ phải vô địch, phải đánh bại Brazil. Và sau đó chúng tôi có thể sẽ tạo ra một trận đấu hay thực sự với Pháp. Họ không muốn đối đầu chúng tôi theo những gì tôi hiểu. Và điều đó cũng tương tự với Euro 2000: chúng tôi đáng lẽ phải đánh bại Italy một cách dễ dàng để bước vào trận đấu cuối cùng.
Tôi nghĩ lối chơi của tôi thực sự không khiến người Pháp thích. Họ thích là đội bóng giỏi kỹ thuật hơn đối phương, tuy nhiên chúng tôi lại kỹ thuật hơn họ. Cuối cùng, chúng tôi biết mình là những cầu thủ rất giỏi nhưng chúng tôi không thể bước một bước dài. Thật sự đáng thất vọng… Sau những giải đấu, chúng tôi luôn nói: ‘Nhưng chúng ta chỉ là một đất nước nhỏ…’.
Chúng tôi có những cầu thủ xuất sắc tuy nhiên đôi lúc tôi cảm thấy bạn cần bớt như vậy đi một chút, anh hiểu không? Tất cả chúng tôi là những cầu thủ kỹ thuật, luôn tư duy, chơi bóng, chuyền bóng, thực hiện lối chơi chất lượng. Nhưng đôi khi bạn cần một hậu vệ đối diện khó khăn hoặc có niềm vui là ngăn chặn tiền đạo ghi bàn. Và trên hàng công, nhiều lúc chúng tôi cần sắc bén hơn. Ngoài ra bạn cần có tinh thần khác. Thật thất vọng. Đáng lẽ ra chúng tôi phải vô địch một trong những giải đấu ấy”.