Cuối năm 2007, Bibica chính thức kết duyên cùng hãng bánh kẹo Lotte của Hàn Quốc, với mong muốn đối tác ngoại này sẽ giúp mình phát triển. Quả thực, doanh số và lợi nhuận của Bibica sau đó đã “thăng hoa”. Lợi nhuận năm 2009 gấp gần 3 lần năm 2008.
Tỷ lệ sở hữu của Lotte và nhóm SSI tại Bibica hiện tương đương nhau. |
Biểu đồ lợi nhuận của Bibica từ năm 2005 đến 2012. |
SSI nhảy vào bàn tiệc
Suốt một thời gian dài, cổ phiếu Bibica giao dịch với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị sổ sách. Đó dường như là động lực chính để SSI – công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam – gom mạnh cổ phiếu từ cách đây hơn một năm.
Thời gian vừa qua, thêm một cái tên có phần “lạ mà quen” là công ty cổ phần đầu tư Đường Mặt Trời cũng liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Bibica, và đến ngày 26/8 đã sở hữu được hơn 11,4% cổ phần. Không loại trừ tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên. Đầu tư Đường Mặt Trời do em trai chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng - ông Nguyễn Mạnh Hùng làm chủ tịch. Ông Hùng cũng chính là chủ tịch của bất động sản SSI, một cổ đông lớn khác của Bibica.
Như vậy, tính đến ngày 26/8, nhóm cổ đông liên quan đến SSI bao gồm SSIAM, Bất động sản SSI và Đường Mặt Trời đã nắm giữ tổng cộng 38,5% cổ phần. Con số này thực sự rất có ý nghĩa, bởi vì nó đã xấp xỉ với tỷ lệ sở hữu 38,6% của Lotte (nếu tính thêm cả cổ đông Kim Heung Soo nắm giữ 1,2% thì hiện cổ đông Hàn Quốc đang nắm tối thiểu 39,8%). Cũng không thể không lưu ý rằng, nhóm SSI đã sở hữu vượt 35%, và theo luật, có thể phủ quyết mọi vấn đề tại Bibica.
Một điểm nữa, do ít khả năng toàn bộ 100% cổ đông sẽ tham dự ĐHCĐ BBC, nên có thể chỉ cần nắm 45-47% cổ phần là chiếm quá bán trong số cổ đông có quyền biểu quyết tại đại hội. Như vậy, nhóm Lotte coi như đã tránh được ngưỡng cản 49% đối với cổ đông nước ngoài. Tóm lại, xem ra nếu hai bên còn muốn “chiến”, thế trận hiện nay khó có thể coi là đã ngã ngũ.
Ai sẽ rời cuộc chơi?
Gần 2/3 thời gian của năm 2013 đã qua đi, nhưng 2 nhóm cổ đông trên vẫn chưa thể ngồi lại với nhau để thống nhất một hướng đi cho Bibica. Nếu tiếp tục đối đầu, tất cả các bên đều không được lợi gì. Về lâu dài, nhiều khả năng một bên sẽ bán lại cổ phần và rời cuộc chơi.
Trường hợp được nhiều người nhắc đến là SSI sẽ bán lại cổ phần cho Lotte. Là một nhà đầu tư tài chính, SSI sẽ có nhiều động cơ để bán ra khi nhận được một mức giá hấp dẫn. Trong khi đó, Lotte lại có một tiềm lực tài chính lớn. Vốn hóa của Bibica hiện chỉ có 23 triệu USD, trong khi Lotte đã nắm giữ gần một nửa, tức chỉ cần chi thêm 10-15 triệu USD là họ có thể nắm được Bibica trong tay. Chính ông Nguyễn Khắc Hải, đại diện SSI đã từng chia sẻ: vấn đề đối với SSI không phải là việc “đứng về phe nào” trong mối quan hệ “cơm không lành canh chẳng ngọt” giữa Bibica và Lotte, mà là làm thế nào để khoản đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất. Do đó, cũng không thể loại trừ khả năng nhóm SSI quyết tâm thâu tóm Bibica.
SSI đã đầu tư vào Bibica từ cách đây 4-5 năm chứ không phải là trong chốc lát nhảy vào. Nếu thâu tóm được Bibica, họ có thể đưa công ty hoạt động hiệu quả hơn mà ít nhất là trở lại với thời hoàng kim xưa kia. Lợi ích mang lại trong dài hạn có thể cao hơn nhiều so với bán đi cổ phần đang nắm giữ.
Trước đây, nhóm công ty liên quan SSI đã từng có tiền lệ thâu tóm một doanh nghiệp làm ăn tốt là công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (ABT). Tuy nhiên, khi thâu tóm ABT hầu như không có đối thủ cạnh tranh, trong khi Lotte đã đeo đuổi việc thâu tóm Bibica từ lâu. Dù SSI có đạt được tỷ lệ kiểm soát tối thiểu (trên 50%), nhưng nếu Lotte vẫn còn đối đầu thì SSI cũng khó có thể chi phối được Bibica. Về phía Lotte, họ sẽ khó chấp nhận việc chia sẻ quyền lực tại Bibica, vì mục đích từ đầu của Lotte là dùng Bibica làm bàn đạp tiến vào Việt Nam …
Xét trên quan điểm lợi ích, “song hổ” SSI-Lotte quần nhau càng lâu, Bibica càng đi xuống, nhưng giá cổ phiếu biết đâu lại tiếp tục hưởng lợi, khi mà những cái đầu nóng chiến đấu vì uy danh chứ không còn vì lợi ích. Nhưng cái lợi của kịch bản “đầu nóng” có lẽ chỉ dành cho những người biết “nhảy tàu” đúng lúc.