* Bài viết của TS. Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội gửi riêng Zing.vn:
Trong nguyên nghĩa của nó, scandal có nghĩa là bê bối. Đã có những sự bê bối thì tất phải có sự cáo giác nó trước công luận, phải được mổ xẻ từ nhiều góc độ, nhiều chiều để rút ra những bài học cần thiết cho xã hội. Nhưng vấn đề là liệu những bê bối đó có thực sự là bê bối? Vụ án cuốn Truyện Thuý Kiều mới được tái bản gần đây là một minh chứng cho điều này.
Bìa cuốn "Truyện Thuý Kiều" tái bản năm 2015 gây tranh cãi. |
Sự ồn ào lần này liên quan đến một ấn bản Kiều nhưng lại liên quan không phải đến nội dung, đến chất lượng của ấn bản ấy, đến việc ấn bản ấy có đáng được tái bản không, đến việc khi tái bản có được biên tập tử tế không (những điều mà tôi ngờ là ít người quan tâm) mà lại liên quan đến… cái bìa sách. Và lại là một cái bìa sách mà theo tôi là có ý tưởng, đẹp và được làm chu đáo, nếu so với vô vàn ấn bản Kiều đang lưu hành và rộng ra, với vô vàn những cái bìa sách đang được in ở ta.
Kịch bản của vụ ồn ào này diễn ra theo cách rất phổ biến ở ta trong mấy năm gần đây: bắt đầu từ một ý kiến hết sức cảm tính của một người ít nhiều có tiếng tăm, nhà báo biến thành một phát hiện, tập hợp một dàn đồng ca của các độc giả không chuyên phụ hoạ và rồi biến thành một vụ đấu tố. Tất nhiên, vụ này cũng có cái may hơn một vài vụ gần đây (ít nhất là nếu so với vụ bản dịch bài thơ Nam quốc sơn hà) là những đương sự có được không gian để giải trình. Nghĩa là, nếu nói theo ngôn từ của ngành luật thì trình tự tố tụng ít nhiều vẫn còn được tôn trọng. Vậy, cần phải nói gì về vụ bê bối này?
Trước hết, cần phải nói ngay rằng những lời kết án kiểu như: “Kiều… loã lồ trên bìa sách” hay “Thô tục”, rồi dùng tranh khoả thân làm bìa sách kinh điển là hết sức vô lối và thiếu hiểu biết. Đó là chưa kể tới những thắc mắc kiểu như tại sao không phải là Truyện Kiều mà lại là Truyện Thuý Kiều.
Thứ nhất, tôi không thể hiểu được một quan điểm rất phổ biến trong xã hội ta ngày nay là cứ cái gì liên quan đến khoả thân là sẽ bị kết án là “thô tục”, trái với thuần phong mỹ tục, không trang nghiêm, không “lớn”. Cần nhớ rằng một phần vô cùng lớn di sản văn hoá của nhân loại gồm đủ kiểu tranh, tượng có đề tài khoả thân. Hơn nữa, cứ nhìn tranh hứng dừa, đánh ghen là đủ thấy cha ông ta không hề xa lạ gì với cái văn hoá tụng ca thân thể này. Xét về mức độ, bức hoạ của ông Lê Văn Đệ vẽ Kiều không hề loã lồ hay khoả thân hơn mấy bức tranh dân gian mà tôi kể trên.
Thứ hai, việc thể hiện Kiều trong bức tranh của Lê Văn Đệ cũng không hề có sự thô tục hay… khiêu dâm. Kiều đứng, suối tóc che một phần lớn thân thể, chỉ lộ ra một đường nét, một khuôn ngực. Cái thế đứng đó không có sự “ong bướm, lả lơi”, cũng không phô bày những phần cơ thể “nhạy cảm”. Đó là bài thơ thuần khiết về thân thể.
Thứ ba, đây là một bức tranh đẹp và có ý nghĩa lịch sử. Hoạ sĩ sử dụng phong cách tranh khắc gỗ, chỉ có nét và mảng, rất gần với những tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, không quá tinh xảo như tranh khắc gỗ phương Tây, nhưng vẫn có ý thức về viễn cận và bút pháp tả chân ở một mức độ vừa phải chứ không sa vào ước lệ như tranh dân gian.
Cần phải nhớ, ông Đệ là một hoạ sư đã tốt nghiệp mỹ thuật cả ở ta và Pháp, nắm chắc kỹ thuật hội hoạ tả chân của sơn dầu Tây phương. Nhưng đây là một nỗ lực dân tộc hoá hội hoạ bác học, bức tranh toát lên một vẻ Việt Nam, thô mộc và ấm áp, dung dị, không dùng nét tinh và nhiều như hội hoạ Tàu, cũng không nhấn mạnh khối như hội hoạ Tây.
TS. Phạm Xuân Thạch. Ảnh: Hà Bình |
Nếu có chút kiến thức về văn hoá trước Cách mạng và nhất là nếu đọc nhiều sách báo thời này ở dạng nguyên bản thì thấy đây là một cách vẽ rất phổ biến. Nó là một nỗ lực kiến tạo cái căn tính dân tộc trong một loại hình nghệ thuật ngoại nhập. Vậy thì việc dùng lại một bức tranh cũ có giá trị làm bìa cho một ấn bản Kiều tái bản do hai nhà học giả uyên thâm khảo đính là điều rất đáng quý. Nó gợi lại cái không khí một thời, “nhất khí” cho toàn bộ ấn phẩm. Đó là chưa kể tới những phụ lục được đưa vào cuốn sách này cũng đều của những họa sư có tiếng thời trước. Rất có giá trị!
Vậy đây có thực sự là một vụ bê bối?
Theo tôi, nếu nhìn từ góc độ tiếp nhận văn hoá thì đó lại là một vụ bê bối hết sức lớn. Nó hé lộ cho ta thấy cái chuẩn thẩm mỹ và văn hoá hết sức thấp cũng như cái hời hợt của một bộ phận công chúng, trong đó có cả những người nổi tiếng ngày nay. Người ta đánh giá một hiện tượng nghệ thuật ấy trên những cái chuẩn hết sức mơ hồ và hời hợt về thuần phong mỹ tục và hoàn toàn thiếu hiểu biết.
Chính vì thiếu hiểu biết nên người ta mới không hiểu được ngôn ngữ nghệ thuật của bức minh hoạ bìa, một hoạ phẩm được vẽ theo một phong cách rất đặc biệt trước Cách mạng và dị ứng đến thế với tranh khoả thân.
Người ta hời hợt đến mức không cần xem chú thích trong sách để tìm hiểu xem đó là tranh của ai và người đó có vị trí thế nào trong lịch sử hội hoạ. Tóm lại, người ta tiếp nhận một sản phẩm văn hoá bằng những cảm nghĩ thông thường (common sense), bằng một thứ “lẽ phải thông thường” và là một thứ "common sense" hết sức thấp.
Cái hết sức đáng lo ngại là chuẩn thẩm mỹ rất thấp đó dường như là chuẩn chung, hết sức phổ biến trong xã hội chúng ta. Nó là một thứ nguy hại, ngăn cản sự xuất hiện của những giá trị mới, chân chính, làm đa dạng và sâu sắc thêm đời sống văn hoá. Bởi cái mới, bao giờ cũng là một sự thách thức những định kiến.
Cần nhớ rằng khi mới ra đời, trong cuộc triển lãm đầu tiên vào năm 1905, tranh của H. Matisse và nhiều hoạ sư tài ba khác cũng từng bị một nhà phê bình uy tín nhưng bảo thủ gọi ví như một bầy dã thú. H.Matisse và những người đồng chí của ông chấp nhận cái danh xưng đó, kiên định vẽ và dã thú trở thành một trong những trường phái quan trọng nhất của hội hoạ thế kỷ XX, cùng với lập thể và trừu tượng. Cái tên dã thú ấy như một lời nhắc nhở chúng ta về sự sai lầm đến thế nào của cảm nghĩ thông thường. Tôi cứ tưởng, nếu những người chê tranh Kiều của Lê Văn Đệ mà được chiêm ngưỡng tranh Nguyễn Đỗ Cung vẽ Từ Hải thì họ sẽ phát điên vì Nguyễn Đỗ Cung vẽ Từ thành… quái vật.
Đầu thế kỷ XX, Phạm Quỳnh tôn Kiều là "thánh thư phúc âm", vừa là kinh, vừa là truyện của dân tộc ta, các cụ Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng không chịu nổi với sự “quá đà” của cụ Phạm nên mới kết án truyện Kiều là “dâm thư”, mới dùng rất nhiều từ ngữ rất nặng lời để nói về Kiều.
Xem ra, ngày nay, không còn ai có đủ tư cách để phán xử truyện Kiều như cụ Ngô, cụ Huỳnh nhưng cái tai hại là người ta lại đang đọc Kiều, suy tôn Kiều với não trạng của cụ Phạm ở cái phần lệch lạc nhất (tôn Kiều như thánh kinh, phúc âm) vừa với cái chuẩn thẩm mỹ và luân lý còn thấp hơn cả các cụ trong Hội Khai trí Tiến Đức chứ chưa nói đến so với cụ Ngô, cụ Huỳnh. Thậm chí, tôi rất ngờ rằng những nhà đạo đức đang rủa xả ấn bản Kiều mới được in có khi chưa chắc đã đọc Kiều cho tử tế và trọn vẹn. Và nếu vậy thì ta vẫn cứ phải… “thương thân nàng Kiều”.