Dựa trên số liệu của Euromonitor, trang Business Insider đưa ra danh sách 10 thương hiệu bia bán chạy nhất hành tinh.
10. Coors Light
Công ty: MolsonCoors
Coors Light có lẽ là thương hiệu bia duy nhất trên thế giới miễn dịch với suy thoái kinh tế. Trong khi những nhãn hiệu bia khác mất đi thị phần trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, Coors Light vẫn có đất sống. Thậm chí khi MillerCoors (liên doanh giữa MolsonCoor và SABMiller) sụt giảm doanh số bia tại Mỹ trong 4-5 năm qua, sản lượng và thị trường của Coors Light vẫn không ngừng tăng lên.
Bản thân MolsonCoors phải tìm đến những hướng đi khác, bao gồm việc dùng doanh số bia Blue Moon để bù lỗ cho các loại bia khác của công ty như Miller Lite và Miller High Life. Tuy nhiên, thị phần của Coors Light vẫn tăng gần 9%.
Tính tới năm 2011, Coors Light vượt qua Budweiser, trở thành nhãn hiệu bia đứng thứ 2 tại Mỹ. Đây cũng là nhãn hiệu bia duy nhất có doanh số năm 2010 tăng. Coors Light là nhãn hiệu bia nội địa cao cấp tại Mỹ và cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
9. Brahma
Công ty: Anheuser-Busch InBev
Không chỉ có trụ sở tại Sao Paolo, Brazil – thị trường bia lớn trên thế giới, Anheuser-Busch InBev (A-B) còn là nhà tài trợ cho World Cup 2014 diễn ra tại nước này. Tầm ảnh hưởng của công ty cũng giúp thúc đẩy chính quyền Brazil gỡ bỏ lệnh cấm bán bia trên sân vận động diễn ra World Cup.
Nhãn hiệu bia Brahma ra đời năm 1888, nhưng mãi đến năm 2005, A-B mới bắt đầu mở rộng thị trường Brahma ra quốc tế. Hiện bia Brahma có mặt tại Mỹ, Canada, Anh, Nga, Pháp, Australia và khoảng 10 nước khác. Đây cũng là một trong những nhãn hiệu bia hàng đầu tại Brazil – nơi bia tươi chiếm tới 98% thị trường.
8. Harbin
Công ty: Anheuser-Busch InBev
Harbin là nhãn hiệu bia lớn thứ 4 tại Trung Quốc. Ra đời vào năm 1900, Harbin được phát triển bởi một chuyên gia ủ bia người Ba Lan gốc Nga, sau đó được một nhóm người Séc và Trung Quốc mua lại trước khi rơi vào tay chính quyền Xô Viết. Cuối cùng, nhãn hiệu bia này thuộc sở hữu của Trung Quốc.
Công thức bia Harbin gồm nước, mạch nha và hoa bia Trung Quốc, đôi khi có thành phần bổ sung là gạo và ngô. Năm 2003, SABMiller mua gần 30% cổ phần của nhãn hiệu bia này chỉ để mở rộng sang thị trường Trung Quốc. Nhưng một năm sau đó, A-B đã mua lại toàn bộ. Đây là một trong số ít hãng bia Trung Quốc thuộc sở hữu của nước ngoài, vì vậy nó là tâm điểm cuộc chiến cạnh tranh giữa A-B và Miller.
Trung Quốc là một trong những quốc gia có chi tiêu cho bia thấp nhất thế giới nhưng lại tiêu thụ bia tương đối lớn, gần gấp đôi Mỹ.
7. Heineken
Công ty: Heineken International
Suy thoái kinh tế khiến Heineken gặp khó khăn tại Mỹ, nhưng từ năm 2012, hãng này nhanh chóng vực dậy ở cả thị trường Mỹ và thị trường quốc tế.
Hai năm qua, sản lượng tại Mỹ của Heineken đều tăng và thị phần giữ ở mức 2%. Heineken này thậm chí còn thành công hơn tại các thị trường quốc tế như châu Phi, Mỹ Latin và châu Á - Thái Bình Dương.
Heineken nổi tiếng với các thương hiệu bia Heineken, Amstel Light và cũng nắm trong tay Newcastle, Moretti, Zywiec, Affigem, Fosters, Murphy's, Krusovice, Beamish và Tiger Beer. Công ty có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan nhưng hoạt động khắp thế giới.
6. Yanjing
Công ty: Beijing Yanjing
Beijing Yanjing không có thị phần lớn tại toàn Trung Quốc, chỉ khoảng 10%, nhưng lại phủ khắp Bắc Kinh. Hơn 80% người uống bia ở Bắc Kinh chọn Yanjing và đây cũng là nhãn hiệu bia chính thức tại Olympics Bắc Kinh năm 2008.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ, Yanjing muốn vươn ra quốc tế và sẵn sàng bỏ qua 90% thị phần còn lại ở Trung Quốc. Dù đã xây dựng được đế chế hùng mạnh tại Bắc Kinh, nhưng để vươn ra các thành phố khác trên thế giới là thử thách lớn với hãng bia này.
5. Skol
Công ty: Carlsberg, Anheuser-Busch InBev, Unibra
Từng có thời điểm, sản xuất những chai bia có diện mạo và hương vị giống nhau trên toàn thế giới không chỉ là chiến lược A-B InBev làm với thương hiệu Budweiser.
Những năm 1960, khi Anheuser-Busch mới chỉ có mặt ở St. Louis, một nhóm các hãng bia của Anh, Canada, Thụy Điển và Đức đã lập nên nhãn hiệu bia toàn cầu, Skol. Về sau, Skol được sản xuất bởi Carlsberg tại Anh, bởi Unibra (Bỉ) tại châu Phi và bởi Brahma tại Brazil. Khi A-B InBev thâu tóm Brahma, hãng này đã giúp mở rộng thị trường tại Brazil cho Skol.
4. Budweiser
Công ty: Anheuser-Busch InBev
Năm 2008, khi A-B InBev mua lại Anheuser-Busch, bia Budweiser đã nổi tiếng tại Mỹ trong nhiều năm. Cuối những năm 1980, Budweiser chiếm gần 25% thị phần tại Mỹ. Tới năm 2008, thị phần của thương hiệu này giảm xuống dưới 8%. Doanh số bia Budweiser tăng mạnh tại Mỹ Latin và Trung Quốc nhưng lại bị ảnh hưởng bởi Bud Light và Coors Light.
3. Bud Light
Công ty: Anheuser-Busch InBev
Cứ năm chai bia được bán tại Mỹ thì có một chai là Bud Light. Mới ra đời từ năm 1982, nhưng Bud Light có độ phủ sóng lớn tại Mỹ và trên khắp thế giới. Với các loại bia Bud Light Platinum, Bud Light Lime, Bud Light Chelada và Bud Light Straw-Ber-Ita, A-B InBev không chỉ mở rộng thị trường cho thương hiệu Bud Light mà còn gia nhập trị thường bia cao cấp.
Dù doanh số và thị phần của Bud Light tại Mỹ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, nhưng người dân nước này vẫn tiêu thụ Bud Light nhiều gấp đôi bia Coors Light.
2. Tsingtao
Công ty: Tsingtao Brewery
Không chỉ chiếm 15% thị phần tại Trung Quốc, Tsingtao còn là nhãn hiệu bia nổi tiếng khắp thế giới. Ra đời từ năm 1904 nhưng 50 năm sau đó Tsingtao mới bắt đầu được xuất khẩu. Năm 1972, bia Tsingtao có mặt tại Mỹ và bắt đầu phủ sóng trong thực đơn các nhà hàng 40 năm trở lại đây.
Từng thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc, năm 1990 Tsingtao cổ phần hóa. Năm 2009, A-B InBev nắm giữ 30% cổ phần Tsingtao. Tuy nhiên, biết rằng sẽ không bao giờ thâu tóm được hãng bia này, A-B bán hết cổ phần.
Tsingtao hiện chiếm 4,1% thị phần bia thế giới, con số khá nhỏ so với thị phần 20,6% của A-B nhưng lại nhiều hơn so với thị phần của MolsonCoors (3,6%) – hãng bia đứng thứ 10 trong danh sách này.
1. Snow
Công ty: SABMiller/China Resources Enterprises
Mới chỉ ra đời được 21 năm nhưng hiện Snow là thương hiệu bia lớn nhất thế giới nhờ vào sức mạnh của thị trường Trung Quốc. Được sản xuất bởi liên doanh SABMiller và China Resources Enterprises, Snow không phải là loại bia quá đặc biệt, với màu vàng nhạt, cồn 3,9% cùng cây bia Saaz từ Cộng hòa Séc.
Nhưng đây là loại bia phổ biến nhất tại Trung Quốc. Tại nước này, Snow có 80 nhà máy và công ty China Resources Enterprises đang tiếp tục xây dựng thêm.