Sáng 17/10, TAND tỉnh Sơn La tiếp tục thẩm vấn người làm chứng và có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ sửa điểm thi THPT năm 2018. Con em được nâng điểm nhưng những người bị triệu tập đều khẳng định chỉ nhờ các bị cáo xem điểm thi trước khi Bộ GD&ĐT công bố.
Dẫn giải cựu phó phòng an ninh
Quá trình xét hỏi, chủ tọa cho biết ông Nguyễn Minh Khoa, cựu Phó phòng an ninh chính trị nội bộ (PA03) Công an Sơn La, không đến tòa sau khi bị triệu tập với tư cách người làm chứng. Xác định cựu Phó phòng PA03 vắng mặt tại nơi cư trú, HĐXX đã ra quyết định dẫn giải.
Cáo trạng của VKSND tỉnh Sơn La xác định ông Khoa là người gửi thông tin của 5 thí sinh cho các bị cáo trong vụ án.
Lời khai của Lò Văn Huynh (Trưởng phòng khảo thí Sở GD&ĐT Sơn La) cho thấy bị cáo được ông Khoa nhờ nâng điểm các môn Toán, Vật lý và Tiếng anh cho 3 thí sinh Nguyễn Anh Tuấn, Trần Doãn Hải và Nguyễn Văn Trọng.
Bị cáo Lò Văn Huynh khai ông Khoa đã cung cấp thông tin 3 thí sinh để nhờ nâng điểm. Ảnh: Hoàng Đông. |
Ngoài trực tiếp nhờ bị cáo Huynh, ông Khoa còn chuyển thông tin 2 thí sinh khác cho Đinh Hải Sơn và Đỗ Khắc Hưng (đều là cựu cán bộ công an tỉnh) để nhờ các bị cáo công tác trong ngành giáo dục sửa điểm.
Các thí sinh này sau đó đã được nâng điểm. Bị cáo Lò Văn Huynh khai được Nguyễn Minh Khoa cám ơn một tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Khoa khẳng định chỉ nhờ bị cáo xem trước điểm thi, không đưa tiền hoặc thỏa thuận cám ơn về vật chất.
Cơ quan tố tụng nhận định hành vi đưa - nhận tiền để sửa điểm có dấu hiệu phạm tội đưa hối lộ và nhận hối lộ. Do không có tài liệu chứng minh nên cơ quan điều tra không đủ căn cứ xử lý hình sự những người liên quan về việc này.
Nhờ nâng điểm cho người dưng?
Tất cả người làm chứng và có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ gian lận thi ở Sơn La được thẩm vấn 2 ngày nay chỉ thừa nhận nhờ xem điểm. Thí sinh trong danh sách gửi cho các bị cáo chủ yếu là người thân nhân chứng, nhưng cũng có trường hợp là con đồng hao của em vợ, thậm chí không quen biết...
Ông Lê Văn Thời, chủ một nhà hàng ở Sơn La, khai được vị khách không quen biết nhờ đưa mảnh giấy có tên, số báo danh của một thí sinh nhờ cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Hoàng Tiến Đức xem điểm trước.
Ông Lê Văn Thời khai chỉ nhờ xem điểm cho một thí sinh không quen biết. Ảnh: Hoàng Đông. |
“Trong bữa ăn ở nhà hàng của tôi, tôi đi mời rượu và có khách hỏi có quen anh Đức để nhờ xem điểm trước. Tôi mang mảnh giấy có số báo danh đưa cho anh Đức... Tôi không quen biết gì người nhờ, họ chỉ là khách nhà hàng”, ông Thời nói và không rõ thí sinh này có được nâng điểm hay không.
Còn theo tài liệu tố tụng, ông Lê Văn Thời đã chuyển thông tin thí sinh Nguyễn Hà Phong cho ông Hoàng Tiến Đức. Thí sinh Phong sau đó được nâng điểm 3 môn Toán, Văn, Lịch sử lên 27 điểm.
Ông Lê Trọng Bình, Phó chủ tịch UBND TP Sơn La, có con được nâng điểm. Ảnh: Hoàng Đông. |
Sau khi cam đoan khai báo trung thực, nhân chứng Đỗ Kim Quang (Giám đốc VNPT Sơn La) và Lê Trọng Bình (Phó chủ tịch UBND TP Sơn La) cũng chỉ thừa nhận nhờ xem điểm cho con.
Nếu ông Quang đặt vấn đề với ông Hoàng Tiến Đức trong cuộc họp tại UBND tỉnh thì Phó chủ tịch UBDN TP Sơn La lại nhờ cựu Phó phòng PA03 Nguyễn Minh Khoa và Nguyễn Ngọc Hà (Trưởng phòng giáo dục THPT Sở GD&ĐT Sơn La) xem điểm trước cho con và cháu ruột.
Hai người làm chứng khẳng định không nhờ sửa điểm, không thỏa thuận tiền bạc nhưng cả 3 thí sinh liên quan đều giảm điểm sau khi chấm thẩm định.
VKSND cáo buộc 8 bị cáo Trần Xuân Yến (cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La), Lò Văn Huynh (Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Cầm Thị Bun Sọn (Phó trưởng Phòng chính trị - tư tưởng Sở GD&ĐT), Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng khảo thí), Đặng Văn Thủy (Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Nguyễn Thanh Nhàn (Phó trưởng Phòng khảo thí), Đinh Hải Sơn và Đỗ Khắc Hưng (cùng là cán bộ công an tỉnh) cấu kết sửa bài thi, nâng điểm cho 44 thí sinh.
Quá trình điều tra, bà Nga khai đã nhận hơn một tỷ đồng, Cầm Thị Bun Sọn nhận 440 triệu đồng, Lò Văn Huynh khai cầm một tỷ đồng nâng điểm cho 2 trường hợp và Đặng Văn Thủy khai nhận 500 triệu đồng.