Sáng 17/2, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, chủ trì hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc.
Trong bối cảnh tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại TP.HCM dần ổn định, số doanh nghiệp có doanh thu tăng chỉ còn 22% so với tỷ lệ 26% ở quý liền trước. "Điều này cho thấy một số doanh nghiệp đang thấm khó khăn khi đã sử dụng hết nguồn lực dự trữ", ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, nói.
Thế khó của doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, hoạt động của doanh nghiệp gặp khó trên lĩnh vực xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ giảm. Tỷ lệ thiếu đơn hàng trên cả nước khoảng 30-50%, khiến doanh nghiệp sản xuất bị ép giá còn 50% thậm chí 40%; nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm, thậm chí ngừng sản xuất. Lĩnh vực hàng mỹ nghệ cầm chừng; bất động sản đang suy thoái, ngừng đầu tư, ngưng thi công dự án mới, thị trường đóng băng...
Mặt khác, sản lượng xuất khẩu vật liệu thép, xi măng cũng sụt giảm; xuất hiện tình trạng doanh nghiệp nợ nhau do biến động trái phiếu; tiếp cận vốn vay khó khăn, lãi suất vốn vay tăng cao.
Trao đổi trực tiếp vấn đề, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM, cho biết ở các nước, cơ khí là ngành cơ bản phục vụ các lĩnh vực khác, là trái tim của nền kinh tế. Tuy nhiên, nền cơ khí của Việt Nam chưa phát triển tương xứng.
Đại diện cho các doanh nghiệp cơ khí - điện nhìn nhận nhiều doanh nghiệp trong ngành rất mong muốn được tham gia nhiều dự án, công trình lớn trên địa bàn như tuyến metro, đường sắt trên cao. Doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất những sản phẩm tương tự hàng ngoại nhập được các gói thầu sử dụng, thậm chí họ đã có thể xuất khẩu hàng hóa sang nước ngoài.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM. Ảnh: H.Q. |
"Hàng hóa của họ không chỉ 'made in Vietnam' mà là 'made by Vietnam'. Sản phẩm được làm bởi chính con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm đảm bảo chất lượng nhưng các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư lớn vẫn có tâm lý sử dụng hàng nước ngoài", ông Tống tâm tư và cho rằng thậm chí có sản phẩm sản xuất từ Việt Nam, xuất khẩu sang nước ngoài rồi lại đấu thầu, nhập khẩu về Việt Nam.
Sản phẩm đảm bảo chất lượng nhưng các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư lớn vẫn có tâm lý sử dụng hàng nước ngoài
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM
Trong các gói đầu tư công hoặc các dự án lớn, các đơn vị tại Việt Nam lại nhập khẩu về. Khi sản phẩm có vấn đề, đơn vị sản xuất tại Việt Nam là bên chịu trách nhiệm bảo hành. Điều này rất thiệt thòi cho các doanh nghiệp Việt khi phần giá trị gia tăng lại nằm ở phía doanh nghiệp nước ngoài.
"Có thể nói đây là nỗi đau của các doanh nghiệp Việt", ông Đỗ Phước Tống nói.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết vấn đề này không chỉ xảy ra trong ngành cơ khí mà một số ngành khác như nhựa, cao su.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan. Ảnh: H.Q. |
Theo đó, các doanh nghiệp của thành phố có thể sản xuất nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhưng không đủ điều kiện đứng ra nhận thầu. Khi đấu thầu, các đơn vị lại sử dụng sản phẩm của nước ngoài, nhưng thật ra là sản phẩm sản xuất trong nước.
"Thương hiệu của mình chưa tạo dựng được, đó là điểm cần suy nghĩ. Thương hiệu này doanh nghiệp sẽ làm, còn Nhà nước cần hỗ trợ", ông Võ Văn Hoan cho hay.
"Quyết tâm không làm phụ lòng doanh nghiệp"
Sau khi lắng nghe, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận nhiều vấn đề của TP.HCM đã tồn tại cần khắc phục nhanh trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Với đề xuất cụ thể đã nêu, thành phố sẽ tổ chức lãnh đạo chỉ đạo trong thời gian tới với quyết tâm không làm phụ lòng doanh nghiệp.
“Chúng ta nói đồng hành thì phải thấu hiểu, thấu cảm nhu cầu của doanh nghiệp. Muốn vậy phải lắng nghe, chia sẻ, thật sự đồng hành để tháo gỡ vướng mắc cho họ. Tiền vệ không làm bóng tốt thì tiền đạo lấy bóng đâu để đá. Doanh nghiệp đang khó khăn, cứ loay hoay tìm bóng, lấy đâu sức mà đá”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh và cho rằng cơ quan Nhà nước phải quyết liệt cải cách thủ tục nhanh thông thoáng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.
Cán bộ, cơ quan nào không làm, có ý này ý khác thì doanh nghiệp cứ gọi điện, nhắn tin cho tôi. Cứ tự tin phản ánh để mối quan hệ này càng trong sáng hơn
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên
Điểm lại năm vừa qua, Bí thư cho hay Chủ tịch UBND TP cam kết UBND TP sẽ thi đua cùng doanh nghiệp để cải cách thủ tục hành chính. Dù nhiều nỗ lực, kết quả vẫn chưa “ăn thua”. Ông Nên đề nghị từng cơ quan phải tiếp tục tập trung chuyển đổi số. Vấn đề giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp phải công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh.
Bí thư Nên nhấn mạnh giữa doanh nghiệp và chính quyền không có gì phải khuất tất, để doanh nghiệp rón rén, đi cửa trước, cửa sau. Ông đề nghị chính quyền phải làm tốt việc của mình, ai không làm đúng, làm tốt sẽ bị xử lý. Doanh nghiệp cũng như thế.
“Không có gì phải ngại ngùng, khiêm tốn, e dè trong mối quan hệ với chính quyền. Cán bộ, cơ quan nào không làm, có ý này ý khác thì doanh nghiệp cứ gọi điện, nhắn tin cho tôi. Cứ tự tin phản ánh để mối quan hệ này càng trong sáng hơn", ông Nên nhấn mạnh.
Đồng thời, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho hay TP.HCM đang làm cơ chế chính sách xin cơ chế thí điểm những vấn đề chưa có quy định, khuyến khích sáng tạo để làm nhưng cũng có cơ chế bảo vệ để TP năng động trở lại như thời kỳ trước, rút kinh nghiệm chung cho cả nước. UBND cần có quy chế phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội các doanh nghiệp, bằng sự hiện hữu, trách nhiệm của thành phố. Theo đó, trong bối cảnh mới, thành phố cần có cơ chế mới, đề xuất nội dung mới để khởi động làm nóng chương trình cho vay kích cầu đã duy trì 20 năm qua.
“Cố gắng nỗ lực, mong doanh nghiệp cùng chung tay với TP, khó khăn tới đâu tháo gỡ tới đó chứ không chờ họp hội. Thấy không được, không ổn là báo cáo ngay, cơ quan ra điều đó thì tiếp thu chỉnh sửa cho phù hợp”, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM lưu ý.
Doanh nghiệp bày tỏ lo lắng lãi suất vốn vay tăng cao, thị trường bất động sản khó khăn kéo dài. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trải qua năm 2022 nhiều khó khăn, kinh tế TP.HCM thời gian qua ghi nhận sự hồi phục ổn định nhanh và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kết quả GRDP TP.HCM tăng 9,03%, trung bình tăng hơn cả nước 8% và tăng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch của TP.HCM 6-6,5%. Kết quả cũng tăng vượt xa so với kết quả năm 2021 là -6,75%.
Các chỉ tiêu thu ngân sách xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng doanh nghiệp, giải quyết việc làm đều ghi nhận tăng trưởng.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, tình hình kinh doanh lẫn lao động việc làm và các nguồn lực còn gặp nhiều vướng mắc.
TP.HCM chủ trương năm 2023 giải quyết những vấn đề doanh nghiệp đang gặp trở ngại từ đầu năm.
"Thành phố không chỉ lắng nghe, mà quan điểm của TP là lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ, cùng có trách nhiệm tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp trong thẩm quyền TP.HCM. Nếu vướng mắc lớn hơn chúng ta sẽ trình đến Trung ương", ông Hoan chia sẻ.
Những cuốn sách hay về miền Nam
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.