Tại phiên họp Chính phủ sáng 26/3, lãnh đạo Chính phủ và các Bộ ngành đã trao đổi về an toàn thực phẩm và trách nhiệm của các bộ, địa phương.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNN) Cao Đức Phát cho biết sau 4 tháng cao điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất cấm, nguồn cung cấp chất cấm từ bên ngoài đã bị chặn đứng.
"Anh em bên dưới, có người không nắm được nên tưởng có vấn đề về phối hợp. Thực ra, các bộ liên quan phối hợp tốt, chặt chẽ và nhịp nhàng. Các bộ trưởng trao đổi trực tiếp thường xuyên", ông Phát nói.
Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại phiên họp . Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Với các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, qua kiểm tra 200 mẫu thì không có mẫu nào có chất cấm. Nếu có chỉ là đại lý lén lút cung cấp cho trang trại và gia đình. Bộ đã chỉ đạo toàn ngành kiểm tra các trang trại và lò mổ, phát hiện thì lập tức tiêu huỷ, từ 1/7 thực hiện theo pháp luật hình sự và xử lý hình sự.
Theo Bộ trưởng Phát, việc sử dụng chất cấm trong thực phẩm đã giảm cơ bản. Trong tháng 3, cao điểm xử lý kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi, Bộ NN&PTNN sẽ cùng Bộ Y tế và Bộ Công an phối hợp chỉ đạo.
Ngay sau đó, Bí thư thành ủy TP HCM Đinh La Thăng chất vấn: "Các bộ phối hợp tốt, sao dân vẫn phải ăn bẩn?".
Trong hội trường họp Chính phủ thường kỳ, một vị đáp lời, việc quản lý cũng phải có lộ trình. Ngay lập tức, ông Thăng nêu tiếp: "Không thể nói như vậy. Chúng ta không thể nói với dân, dân cứ tạm thời ăn bẩn vì chúng tôi còn có lộ trình".
Bí thư Đinh La Thăng đề nghị cho UBND TP HCM thành lập thí điểm một đơn vị đầu mối trực thuộc UBND để quản vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Hỏi các sở, ông nào cũng bảo xong rồi. Dân cứ ăn bẩn, không ai chịu trách nhiệm...", ông Thăng nói và cho rằng cần quy về một đầu mối, như vậy việc truy trách nhiệm cũng thuận lợi hơn.
Tiếp lời ngay sau đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không cần phải đặt vấn đề phối hợp giữa các bộ. Các bộ cứ làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, thì sẽ phối hợp một cách tự nhiên. Cứ không làm được gì thì báo là không phối hợp được, do vấn đề liên ngành.
Trao đổi với Bí thư Thăng, Phó thủ tướng Đam nêu, bộ ban hành chính sách, thanh tra, kiểm tra, còn việc tổ chức thực hiện phải ở địa bàn. "Quản lý an toàn thực phẩm trên TP HCM là trách nhiệm của UBND TP và Chủ tịch UBND. Dùng cơ quan chuyên môn nào là toàn quyền, không có hạn chế nào cả. Việc này cần rạch ròi, không thể nói do bộ, hay chồng chéo trách nhiệm".
"Có vướng gì trên bộ, anh Thăng nói với tôi, tôi xử được ngay", ông Đam nói. |
Ông lý giải thêm, các sở tham mưu cho UBND, không trực thuộc Bộ, Ủy ban giao cho ai làm đầu mối là do địa phương. Cá nhân ông đồng ý giao cho địa phương toàn quyền chủ động. "Có vướng gì trên bộ, anh Thăng nói với tôi, tôi xử được ngay", ông Đam nói.
Ông Đam cũng nhắn 3 bộ Nông nghiệp, Y tế và Công an cần "kiểm điểm sâu trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân, xem đã làm hết trách nhiệm chưa. Các bộ cần làm nghiêm mang tính làm gương".
Theo ông Đam: "Việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm phải liên tục và quyết liệt hơn, phải làm thật chứ không làm chiến dịch xong rồi nguội.
Chỗ nào vi phạm, chưa nói câu chuyện hình sự, mà bằng hành chính cũng cần xử lý nghiêm nhất. Công ty nào nhập sai, rút giấy phép ngay, không nhân nhượng”.
Cũng theo Phó thủ tướng Đam, trong báo cáo, Bộ trưởng Y tế, NN&PTNT đều nói tỉ lệ chấm cấm ít. Tuy nhiên là người dân bình thường, bằng mắt thường khó có thể phân biệt được.
"Chúng ta không đổ trách nhiệm cho dân được. Nhà nước phải giúp, đầu tư thiết chế, thiết bị, đo và nói với dân, để dân có lòng tin”, ông Đam nói.
Nói về vấn đề sử dụng chất cấm trong thực phẩm, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, Bộ Ytế và Bộ NN&PTNT đang phối hợp chặt để triển khai. Nhưng nếu tuyên truyền không khéo khiến người dân hoang mang, nghĩ rằng ăn gì cũng bị ung thư, trong khi ung thư là do nhiều nguyên nhân (di truyền, môi trưởng...) chứ không phải chỉ do ăn uống.
Chốt phần thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với đề xuất của Bí thư Đinh La Thăng về thống nhất đầu mối. "Lập tổ chức thống nhất nhưng đừng tăng biên chế", Thủ tướng nhắc.
Thủ tướng cho biết, ông rất "sốt ruột" về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. "Cuộc sống thu nhập tăng, đời sống cải thiện trong nhu cầu ăn sạch và ngon. Trước có chén tiết canh là vui, bây giờ nhìn sợ lắm rồi", Thủ tướng chia sẻ và nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương cố gắng tập trung làm. Luật pháp đã có, trách nhiệm địa phương đã rõ, còn vướng cơ chế chính sách thuộc về bộ.