Để ngăn thực phẩm bẩn ra chợ, nhiều cán bộ thú y phải trắng đêm "vật lộn" trong những chuồng heo hôi hám...
Và càng về thời điểm cận tết, lượng heo từ các tỉnh về các lò mổ trên địa bàn lại tăng lên và họ lại phải “mất ngủ” để kiểm soát chất lượng.
Bò trong chuồng heo
Lúc 21h, sau vài phút hội ý tại chi cục, ông Huỳnh Tấn Phát - Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM - cùng 15 thành viên của các phòng xét nghiệm, phòng thanh tra và lực lượng TNXP lên xe chuyên dụng “bí mật” tiến về lò giết mổ Phước Kiển (Nhà Bè).
Lò Phước Kiển nhập nguồn heo từ các tỉnh Đông Nam bộ, miền Tây về giết mổ cung cấp cho các chợ khoảng 350 con heo và đây cũng chính là “điểm đen” về tình trạng heo xài chất cấm bị phát hiện trong nhiều đợt kiểm tra vừa qua.
Khi cách lò mổ khoảng 4 km, ông Phát yêu cầu một cán bộ thú y trong đoàn gọi điện thông báo chủ lò yêu cầu các thương lái có mặt chứng kiến đoàn kiểm tra.
“Phải đi muộn để đảm bảo heo đã vào lò mổ hết, mọi việc phải bí mật may ra mới ngăn chặn được sự đối phó của thương lái. Bây giờ nếu có heo “ăn” chất cấm họ sẽ trở tay không kịp” - ông Phát lý giải.
Lực lượng Chi cục Thú y TP HCM lấy nước tiểu thử chất cấm tại lò mổ dịp cận tết. |
Tại lò mổ Phước Kiển lúc 21h40, heo tập trung la liệt, tiếng kêu “eng éc” vang lên xé toạc màn đêm tĩnh mịch. Quá quen thuộc với công việc, bốn nhân viên lấy mẫu thử khoác lên mình áo, bao tay, giày... bảo hộ rồi xách phễu luồn lách giữa những đàn heo hôi hám lấy mẫu.
Theo yêu cầu của ông Phát, đêm nay sẽ tăng số mẫu lấy nước tiểu so với ngày thường để tránh tình trạng “lọt” heo dính chất cấm. Trong chuồng heo dơ bẩn, phía trên là vòi phun nước kích thích heo đi tiểu, nhân viên Nguyễn Quốc Thạnh (34 tuổi, có thâm niên ba năm lấy mẫu) như bò rạp người xuống nền chuồng, mắt chăm chăm nhìn vào đàn heo để “rình” lấy nước tiểu.
Vài phút sau, Thạnh tức tốc lao về chú heo đang đứng tiểu ở góc xa đưa phễu hứng. Ở chuồng kế bên, nhân viên Hứa Hiền Hữu (23 tuổi) cũng lấy được mẫu nước tiểu khác. Tất cả các mẫu này đều được gom sắp xếp, rồi đánh dấu thứ tự chuyển cho chẩn đoán viên Nguyễn Lê Kiều Như đang ngồi đợi trên xe xét nghiệm chuyên dụng phân tích.
“Mọi công đoạn lấy mẫu, công bố kết quả cho thương lái phải được thực hiện nhanh chóng để thương lái giết mổ kịp đi tiêu thụ, lô nào dính chúng tôi sẽ niêm phong không cho giết mổ” - một cán bộ thú y tâm sự.
Sau khi hoàn tất việc lấy mẫu ở lò mổ Phước Kiển, đoàn lại lên xe vượt qua quãng đường dài trên 50 km về lò giết mổ An Hạ (Củ Chi), tiếp tục công việc. Đến nơi cũng là lúc kim đồng hồ chỉ 0 giờ. Ông Phát cùng bốn nhân viên lấy mẫu chui vào các chuồng ken chật heo mới nhập về.
Tại lò này, các nhân viên buộc phải dùng “chiêu” để tác động heo tiểu. Giữa đêm gió thốc từng cơn lạnh buốt nhưng trên trán của những nhân viên đều toát cả mồ hôi. “Nhiều lần đợi cả tiếng heo vẫn không tiểu nên cuối cùng buộc phải mổ bàng quang heo để lấy mẫu” - nhân viên Thạnh kể.
Đến gần 4h sáng, ông Phát bước từ xe xét nghiệm xuống, mặt nghiêm trọng thông tin: “Có hai lô với tổng đàn 157 con dính chất cấm, tất cả đều ở lò Phước Kiển, Nhà Bè”.
Lãi khủng
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, công việc lấy mẫu chất cấm gắn với việc chấp nhận mất ngủ, môi trường làm việc hôi hám, dơ bẩn đã đành, tuy nhiên bây giờ lấy mẫu không còn là vấn đề đơn giản như trước đây.
“Do bị kiểm tra rát nên nhiều thương lái kinh doanh heo ăn chất cấm giở đủ trò tinh ranh như trà trộn heo ăn thuốc với heo không ăn thuốc, sau đó tiêm một loại thuốc để heo ngủ li bì gây khó cho cán bộ trong việc lấy mẫu nước tiểu” - ông nói.
Chính vì vậy, giờ đây khi đi kiểm tra chất cấm phải nhờ rất nhiều nguồn tin “tay trong” thông báo thương lái nào khả nghi và tiến hành kiểm tra bí mật, đột xuất.
“Ngoài việc kiểm tra theo kế hoạch, mỗi khi có nguồn tin báo có đàn heo ăn thuốc chúng tôi sẽ lên đường kiểm tra, bất kể thời gian giờ giấc để ngăn chặn heo ăn thuốc tuồn ra chợ” - ông Phát nói. Từ nguồn tin báo này, Chi cục Thú y đã vào cuộc xử lý nhiều thương lái kinh doanh heo ăn chất cấm.
Theo ông Phát, trong số nhiều trường hợp thương lái bị đơn vị phát hiện có heo ăn chất cấm có một số thương lái kinh doanh chuyên nghiệp.
“Các thương lái này bị bắt liên tục và bị xử phạt rất nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục tìm cách kinh doanh. Đến nay, có trường hợp đã vi phạm đến lần thứ 5” - ông Phát nói. Những thương lái này thường xuyên vận chuyển heo từ Đồng Nai, Bình Thuận vào giết mổ tại lò Phước Kiển (Nhà Bè). Gần nhất, đêm 28/1, lô heo 130 con của những thương lái này tiếp tục dương tính với chất cấm và xử phạt thương lái này 15 triệu đồng.
Lý giải về tình trạng kinh doanh heo ăn chất cấm gia tăng, tái phạm liên tục, một lãnh đạo Chi cục Thú y cho rằng xuất phát từ lãi khủng của việc kinh doanh mặt hàng này.
“Một con heo trọng lượng khoảng 100 kg ăn chất cấm, khi lọt qua sự kiểm soát của cán bộ thú y bán ra chợ thương lái có thể lãi đến 1 triệu đồng/con, chưa kể tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với heo sạch của các thương lái làm ăn đàng hoàng. Tuy nhiên chế tài xử phạt hiện tại rất nhẹ nên khó răn đe. Điều khiến tôi bức xúc là có một số thương lái trắng trợn gọi điện xin gặp riêng để “nói chuyện” hoặc mang phong bì đến tận nhà tôi để nhờ vả” - vị này nói.
Phù phép thịt heo nái thành thịt bò
Ngày 3/2, Chi cục Thú y TP HCM phối hợp với Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49, Công an TP HCM), Công an quận 3 “đột kích” bắt quả tang ông Nguyễn Xuân Bính (49 tuổi, ngụ quận 3), Tổng giám đốc Công ty TNHH Bính Hạnh (địa chỉ 209/14 đường Lê Văn Sỹ, phường 13, quận 3), đang tổ chức cho công nhân ngâm tẩm hóa chất, huyết bò và nước để phù phép thịt heo nái thành thịt bò tung ra thị trường tiêu thụ.
Điều đáng nói, công ty này có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Chi cục Thú y TP HCM, khi đoàn liên ngành ập vào công ty có bốn công nhân đang thực hiện các công đoạn pha cắt heo nái tại khu vực sơ chế dơ bẩn, sàn nhà huyết bò chảy lênh láng, bốc mùi... Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định tổng số thịt heo vừa nhập về “phù phép” thành thịt bò là 2.044 kg, đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Trong đó, có 1.179 kg chưa ngâm hóa chất, 110 kg đã ngâm hóa chất và 755 kg đã ngâm hóa chất đang trong quá trình bảo quản. Số thịt này được chia ra từng thau nằm ngổn ngang giữa nền nhà. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện hai bọc nilông đựng bột hóa chất màu trắng, không mùi có tên Metabisulfite.
Ông Bính khai nhận việc ngâm tẩm hóa chất, huyết bò biến thịt heo nái thành thịt bò thực hiện từ đầu tháng 11/2015 đến nay. Theo đó, cứ 4h sáng công ty nhập khoảng 600 kg thịt heo do mối hàng ở phường Tam Hòa (Biên Hòa, Đồng Nai) giao đến bằng xe máy. Thịt heo nái nguyên mảng nhập về, công nhân cắt từng khối nửa ký hoặc cắt lát mỏng ngâm vào một dung dịch với tỷ lệ 100 g hóa chất, 6 lít huyết bò và 56 lít nước lọc. Ngâm khoảng 15 phút, số thịt này đưa vào kho bảo quản, kinh doanh gắn mác thịt bò. Đối với loại hóa chất Metabisulfite, ông Bính mua từ chợ Kim Biên (quận 5), mỗi lần 2 kg và ba ngày mua một lần để ngâm thịt heo giúp thịt tươi lâu, khử mùi.
* Ngày 3/2, đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Vĩnh Long cho biết đang tạm giữ khoảng 2,4 tấn thịt không rõ nguồn gốc tại một cửa hàng thực phẩm ở phường 8, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Chủ cửa hàng chỉ xuất trình được hai hóa đơn giá trị gia tăng thể hiện hàng hóa là đùi gà và thịt trâu, chưa xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm động vật nhập khẩu dùng làm thực phẩm. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và tạm giữ toàn bộ số hàng thực phẩm trên bao gồm 900 kg cánh gà, 600 kg chân gà, 600 kg đùi gà và 1 tấn thịt trâu.
Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn phức tạp
Theo Chi cục Thú y TP HCM, hiện có tới 85% động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ tại TP HCM có nguồn gốc từ các tỉnh. Năm 2015, Chi cục Thú y TP triển khai ba đợt kiểm tra tồn dư chất cấm salbutamol (tạo nạc, tăng trọng) tại 13 cơ sở giết mổ trên địa bàn. Qua đó, phát hiện 33/235 lô heo dương tính với chất cấm, ra quyết định xử phạt 410 triệu đồng.
Các tỉnh có nguồn heo dính chất cấm cao lần lượt gồm Đồng Nai (16 lô), Tiền Giang (7 lô), Long An (5 lô), Bà Rịa - Vũng Tàu (2 lô), Bến Tre (2 lô) và Vĩnh Long (1 lô).
Trong dịp tết, người dân muốn phản ảnh các vấn đề liên quan đến sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hoặc vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn TP có thể gọi báo tin vào số đường dây nóng (0903667735), do ông Huỳnh Tấn Phát - Phó Chi cục Thú y - quản lý.