Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí thư Nhân: Tài sản lớn nhất của đô thị sáng tạo là hệ thống đại học

TP.HCM có rất nhiều tài sản để phát triển đô thị sáng tạo, nhưng quan trọng nhất vẫn là hệ thống viện trường, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM sáng nay.

Theo Bí thư Nhân tiềm năng về giáo dục, khoa học công nghệ của khu đông thành phố là rất lớn với 16 trường đại học và 500.000 sinh viên. Đây là hạt nhân của thành phố để xây dựng đô thị sáng tạo.

"Vấn đề còn lại là kích thích được khu vực này phát triển tích cực để ứng dụng tối ưu cho đô thị sáng tạo", ông nói.

Bí thư Nhân lưu ý điều quan trọng là phải nâng cao khả năng nghiên cứu của giới viện trường.

Dẫn ra việc các khu công nghệ cao đã tồn tại 15 năm nhưng để tận dụng được hết, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tạo điều kiện cho sự tương tác hiệu quả cao giữa các bên có liên quan này.

"Về mặt vật lý phải tạo ra cơ sở hạ tầng, về mặt chính sách phải khuyến khích hợp tác với nhau. Để làm điều đó, TP.HCM cần biết quan điểm của các chuyên gia", ông nói.

Ông đặt hàng các chuyên gia ở diễn đàn cung cấp mô hình để TP.HCM có thể học hỏi.

"Nếu đầu tư vào doanh nghiệp phát triển công nghệ mới sẽ tốn nhiều chi phí nhưng áp dụng thành quả của công nghệ thông tin, truyền thông, khoa học sẵn có để đầu tư thì chi phí sẽ thấp hơn, thời gian sẽ nhanh hơn. Điều quan trọng các viện, trường cần phải bắt tay với doanh nghiệp.” - Bí thư Nhân nhấn mạnh.

Do thi sang tao khu dong anh 1
Bí thư Thành ủy TP.HCM tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2018.

Cũng trong khuôn khổ của diễn đàn, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, khẳng định khu đông của thành phố sẽ trở thành khu đô thị sáng tạo và là động lực quan trọng để xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

Sau khi được hình thành, khu đô thị sáng tạo phía đông của TP.HCM sẽ kết nối chặt chẽ và hiệu quả ba chức năng: là trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, là trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao, và là trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao.

Để hiện thực hóa tầm nhìn trên, ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh một số giải pháp quan trọng của TP.HCM là hình thành mạng lưới lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp - các viện trường - Nhà nước; xây dựng các chiến lược thu hút tài năng và công nghệ để tạo ra một nền tảng chất lượng cao cho các công ty sáng tạo; tăng cường khả năng tiếp cận vốn để hỗ trợ khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, cơ sở giáo dục và đào tạo.

Ông Kyosuke Nagata, hiệu trưởng Đại học Tsukuba, cho biết kinh nghiệm của Nhật cho thấy hệ thống trường đại học đóng vai trò cốt lõi quan trọng của một thành phố sáng tạo, cũng như hoạt động kinh doanh vì khoa học công nghệ luôn là lợi thế cạnh tranh quan trọng.

Dẫn chứng mô hình quy hoạch của thành phố Tsukuba, ông Kyosuke Nagata cho biết trường của ông nằm ngay trung tâm thành phố và được bao quanh bởi nhiều viện trường khác. Các doanh nghiệp tại đây liên kết chặt chẽ với các trường và thường xuyên đặt hàng các giải pháp công nghệ, sáng tạo từ các viện trường.

“Thành phố này chúng tôi có số lượng chuyên gia lớn gấp 10 lần so với mô hình thành phố sáng tạo ở Kansai. Đó là lý do chúng tôi trở nên năng động và hợp lý hơn trong việc xây dựng đô thị kiểu mới. Số lượng chuyên gia này đều được hình thành từ hệ thống viện trường, nên khu vực này luôn là giá trị cốt lõi cho đô thị sáng tạo", ông Kyosuke Nagata chia sẻ.

TP.HCM muốn doanh nghiệp nước ngoài hỗ trợ xây dựng đô thị thông minh

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh cần có sự hỗ trợ, đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài để xây dựng thành phố thông minh và khu đô thị sáng tạo.

Khu đô thị sáng tạo phía Đông Sài Gòn sẽ được xây dựng như thế nào?

Dựa trên các nền tảng đã có về thể chế, kinh tế và cơ sở hạ tầng, 3 quận khu Đông TP.HCM là quận 2, 9 và Thủ Đức sẽ trở thành khu đô thị sáng tạo trong tương lai.




Bình Nguyên - Việt Đức

Bạn có thể quan tâm