Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí thư Nhân: 'Giám đốc sở không thể chỉ nói doanh nghiệp thông cảm'

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các sở ngành phải thật sự giúp đỡ doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn, không để tình trạng không nắm vững luật rồi ngâm hồ sơ.

Sáng 10/4, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ với 100 doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn dưới sự chủ trì của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, Phó bí thư thường trực Trần Lưu Quang, Phó chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến cùng nhiều sở ngành liên quan.

Sau khi nghe đại diện các doanh nghiệp bất động sản và đại diện một số sở, ngành như Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính trình bày, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu người đứng đầu các sở phải quyết liệt hơn nữa để giúp đỡ doanh nghiệp trong việc triển khai dự án trên địa bàn thành phố.

'Đừng nói tôi không nắm vững rồi ngâm ra đó'

Bí thư Nhân cho rằng không thể để xảy ra tình trạng giám đốc sở nói muốn giúp doanh nghiệp nhưng không biết làm thế nào. 

"Muốn giúp thì phải hiểu, vận dụng pháp luật theo cách của mình. Khó thì thảo luận trong ngành, mời thêm ông tư pháp. Khó nữa thì thảo luận liên ngành, mời Ủy ban. Khó nữa thì báo Thành ủy. Không được thì báo Chính phủ, Quốc hội. Nếu đi hết quy trình này mà vẫn không được thì nói thẳng với doanh nghiệp cái này tôi chưa hướng dẫn được", Bí thư Nhân phát biểu.

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, giám đốc sở là người quản lý một ngành của thành phố thì phải nắm rõ yếu tố kỹ thuật, pháp luật và biết cách trả lời doanh nghiệp.

Bí thư Nhân cho rằng mỗi giám đốc sở có thể mời chuyên gia, nhà khoa học để tham mưu cho mình nếu cảm thấy khó khăn và phải chia sẻ đúng mức hơn với doanh nghiệp chứ không thể chỉ thông cảm.

Về câu chuyện chuyên viên cấp sở khi nhận hồ sơ của doanh nghiệp lại không trình lên cấp trên khiến công việc bị trì hoãn, ông Nhân khẳng định người đứng đầu mỗi sở phải có trách nhiệm yêu cầu chuyên viên giải quyết hồ sơ trong thời hạn cho phép.

Bí thư TP.HCM yêu cầu chuyên viên không biết thì phải hỏi phó phòng. Phó phòng không được thì trình trưởng phòng. Không được thì trình phó giám đốc phụ trách rồi giám đốc. Tình trạng nhân viên chưa biết làm thế nào rồi không trình lên cấp trên ngay không được xảy ra.

"Chuyện này vi phạm thời hạn giải quyết. Còn trình độ anh không biết làm thế nào thì đừng làm nữa. Không được nói không biết rồi khoan chưa làm, để đấy cái đã. Nhân viên không có quyền không trình. Đừng nói tôi không nắm vững rồi ngâm ra đó", ông Nhân cương quyết.

Bi thu Nhan anh 1
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và Phó chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến tại hội nghị. Ảnh: Việt Đức.

'Khó khăn do pháp luật chồng chéo thì đâu cũng có'

Trước ý kiến của một số doanh nghiệp bất động sản cho rằng điều kiện hiện tại ở TP.HCM khó khăn khiến doanh nghiệp phải triển khai dự án ra các tỉnh lân cận, Bí thư Nhân cho rằng cần phải thận trọng khi phát biểu như vậy.

Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho rằng nói về khó khăn liên quan đến việc pháp luật chưa đồng bộ, chồng chéo thì đây là vấn đề chung chứ không của riêng TP.HCM.

"Tỉnh khác họ vận dụng hệ thống pháp luật khác à? Không có. Nếu khó khăn do pháp luật chồng chéo thì đâu cũng có. Khó khăn không phải chỉ vì thành phố mà còn những khó khăn do điều kiện kinh tế, pháp luật chưa hoàn chỉnh. Nơi nào càng nhiều doanh nghiệp hoạt động thì càng bị tác động mạnh", ông Nhân nêu quan điểm.

Bí thư Nhân cho rằng cuộc gặp gỡ hôm nay là để khắc phục những hạn chế, yếu kém của TP.HCM. Còn những vấn đề thuộc về cấp cao hơn thì doanh nghiệp cần góp tiếng nói quyết liệt hơn. 

Nên xây các dự án bất động sản đa chức năng

Đánh giá về cơ hội của thị trường bất động sản TP.HCM, Bí thư Nhân cho rằng dù chịu áp lực trong ngắn hạn, thời cơ của các doanh nghiệp vẫn rất lớn khi dân số và thu nhập bình quân đầu người của thành phố tăng rất nhanh.

"Cứ 5 năm thành phố có thêm 1 triệu người. Trung bình nhà 4 người thì cần thêm 250.000 căn hộ", ông Nhân lấy ví dụ. 

Tuy nhiên, ông Nhân cũng lưu ý rằng đô thị sau một thời gian phát triển thì đất đai đều có chủ nhưng dân số thì tăng không ngừng nên cần tái cơ cấu lại nhà có sẵn theo hướng hoặc là ở được nhiều hơn hoặc là nhà đa chức năng.

"Cách của mình thì ở là ở, văn phòng là văn phòng, siêu thị là siêu thị. Trong đô thị theo chúng tôi khi dồn nén thế này thì đã đến lúc phải xem lại việc tòa nhà có nhiều chức năng. Trong nội thành phải có những nhà đa chức năng mới giải quyết được yêu cầu", Bí thư TP.HCM nói.

Bí thư Nhân chia sẻ khi trao đổi với lãnh sự Hà Lan về việc làm thế nào xây công trình công cộng nhưng không phải bỏ ngân sách Nhà nước, câu trả lời nhận được là nếu công trình công cộng có thể có chức năng kinh doanh, có lợi ích kinh tế thì doanh nghiệp sẽ tự nguyện tham gia.

"Ví dụ đê ở Hà Lan ở trên là đường xe chạy thì nhà nước muốn đê, doanh nghiệp muốn đường thì doanh nghiệp sẽ bỏ tiền cùng làm", Bí thư Nhân lấy ví dụ.

'Làm nhà giá rẻ, Khang Gia tai tiếng, Đất Lành đi an dưỡng cho lành'

Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc địa ốc Đất Lành, cho rằng các doanh nghiệp ngày càng không mặn mà làm nhà giá rẻ, và đề xuất thành phố có chính sách ưu đãi vấn đề này.

CEO Quốc Cường Gia Lai: ‘Không nghĩ đến 3.000 nhân viên, tôi đã tự tử’

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, cho biết doanh nghiệp đang phải chịu nhiều khó khăn từ cách giải quyết thủ tục, hồ sơ dự án. Nhiều lúc bà nghĩ đến tự tử.



Việt Đức

Bạn có thể quan tâm