Trong buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM sáng nay, 10/4, ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch Công ty địa ốc Đất Lành, nêu khó khăn của các doanh nghiệp khi triển khai dự án nhà giá thấp.
Lãi ít, thủ tục cực, nhiều đơn vị từ chối làm nhà giá thấp
Theo vị này, từ 10 năm trước, một số doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM như Khang Gia, Nam Long, Đất Lành, Lê Thành… đã tham gia vào lĩnh vực nhà giá thấp. Việc tham gia vào lĩnh vực này được ông Đực cho là “để giải cứu người nghèo”.
Sau đó, một số doanh nghiệp lớn như Nam Long và Hoàng Quân cũng tiếp bước xây dựng phân khúc nhà giá rẻ tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc địa ốc Đất Lành. Ảnh: UBND TP.HCM. |
Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai các dự án, ông Đực cũng nói vui rằng: “Khang Gia thì đầy tai tiếng, Đất Lành “đi nghỉ an dưỡng cho lành”.
Theo ông, nhiều doanh nghiệp đã bỏ cuộc với lĩnh vực này. Một số công ty như Phúc Khang, Đất Xanh cũng từ chối làm nhà giá thấp.
“Nhà giá thấp gần như không ai làm, lãi rất ít chỉ 1-2 triệu đồng/m2. Thủ tục pháp lý cũng xin cực khổ như các loại khác như phòng cháy chữa cháy, cao độ, kết cấu… Đặc biệt là khó khăn xin giấy phép xây dựng”, ông Đực nêu.
Chính quyền lãng quên nhà giá thấp?
Lãnh đạo Địa ốc Đất Lành cho rằng từ doanh nghiệp, chính quyền đang lãng quên nhà giá thấp.
Ông đề xuất chính quyền cần có chiến lược, phương pháp để khuyến khích xây dựng nhà giá thấp, bởi nhu cầu hàng năm ở TP.HCM là hàng chục nghìn căn hộ loại này.
Đồng tình với điều này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cũng cho rằng chính quyền thành phố cần quan tâm, có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp phát triển nhà giá rẻ, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người có thu nhập thấp, giải quyết vấn đề nhà ở.
Muốn vậy thì chính quyền phải có được chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Doanh nghiệp cho rằng thành phố nên có chiến lược phát triển nhà giá rẻ để hỗ trợ người dân. Ảnh: Lê Quân. |
Ông Nguyễn Văn Đực cũng đề xuất thành phố cần phân cấp cho các sở, ngành giải quyết các vấn đề pháp lý, thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp, tránh tình trạng bất cứ vấn đề gì cũng phải trình lên UBND TP.HCM xem xét.
Ông Đực lấy ví dụ Công ty Địa ốc Đất Lành đang làm thủ tục xin đóng bổ sung tiền sử dụng đất nhưng mất 18 tháng vẫn chưa xong. Hồ sơ được chuyển từ Cục Thuế sang Sở TN&MT từ 10/2017 nhưng Sở này mất 14 tháng để cho Đất Lành triển khai dự án với lý do phải xin ý kiến UBND TP.HCM.
Ông Đực cho rằng UBND TP.HCM nên ủy quyền cho các sở để giải quyết một số thủ tục, không nên cái gì cũng phải trình lên.
“UBND thành phố cần lo những gì to tát hơn như kẹt xe, ngập nước, metro… Chứ một dự án 3.000 m2 cũng phải trình lên thì rất mất thời gian cho các doanh nghiệp”, ông Đực nói.