"Với những kinh nghiệm trong quý I, chúng ta sẽ rút ra những kinh nghiệm, bài học phòng, chống dịch hiệu quả để quý II làm tốt hơn và ổn định lại sản xuất, kinh doanh của thành phố", Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu mở đầu Hội nghị lần thứ 40 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM (khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020).
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM nhận định đây là buổi hội nghị định kỳ thông thường để đánh giá hoạt động của lãnh đạo Thành ủy, kết quả phát triển kinh tế xã hội quý I và phương hướng phát triển quý II năm 2020. Tuy nhiên, điểm bất thường, khác mọi năm là lần này, thành phố phải bàn về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.
"Không chống dịch thành công, mọi việc không theo kế hoạch"
"Dịch Covid-19 đã là đại dịch toàn cầu, chúng ta cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề. Chúng ta cần bàn kỹ bởi không chống dịch thành công thì mọi việc không thể đi theo kế hoạch", Bí thư Nhân nói.
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM nhận định nếu việc phòng ngừa dịch Covid-19 không đạt kết quả tốt và để bùng phát dịch trên diện rộng, toàn bộ bệnh viện trên địa bàn có thể lâm vào tình trạng quá tải, người dân không thể ra đường. Khi đó, TP.HCM sẽ không thể tiếp tục phát triển.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trung tâm Báo chí TP.HCM. |
Tính đến hiện tại, TP.HCM có 55 người nhiễm Covid-19, tỷ lệ người nhiễm tại TP.HCM là 5,5 bệnh nhân/1 triệu người. Trong thời gian cao điểm nhất, TP.HCM có 28 bệnh nhân cần điều trị Covid-19, đạt tỷ lệ 2,8 người/1 triệu dân.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá đó là tỷ lệ thấp và là kết quả đáng trân trọng trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Để đạt được kết quả trên, thành phố đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ việc phòng hộ, hướng dẫn người dân thích nghi với cuộc sống trong dịch bệnh, phát hiện kịp thời, khoanh vùng, đưa người có nguy cơ lây nhiễm đi cách ly.
Phân tích kỹ hơn về thành quả TP.HCM đã đạt được trong quý I, ông Nhân dẫn chứng tính đến sáng 16/4, số người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu là hơn 2 triệu người. Bình quân 1 triệu người nhiễm thì có 265 người mắc Covid-19.
"Trong quý I chúng ta đã làm được việc không để dịch bệnh bùng phát tại thành phố. Bằng việc vào cuộc quyết liệt, làm triệt để, số người phải điều trị do Covid-19 giảm dần kể từ sau ngày 28/3", Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá.
Lấy phòng dịch làm tiền đề phát triển
Đi kèm với thành công bước đầu của việc chống dịch, sự phát triển của kinh tế thành phố đã có một số dấu hiệu đáng lo ngại. Trong quý I, doanh thu ngành ăn uống tại TP.HCM giảm 32% so với cùng kỳ, giáo dục giảm 26% và bất động sản giảm gần 3%.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tại TP.HCM phải giải thể tăng 50% so với quý I năm 2019, số phải tạm ngưng hoạt động tăng gần 32%. Ông Nhân cho rằng đây là hậu quả tất yếu khi nhu cầu sử dụng hàng tiêu dùng của người dân giảm trong đợt dịch.
"Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng ta chịu ảnh hưởng bởi nhu cầu người dân giảm, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,42% cùng kỳ. Nếu tiếp tục giảm nữa thì ngành tiêu dùng và nền kinh tế của TP.HCM, rộng hơn cả nước sẽ gặp nguy hiểm", Bí thư Nhân nói.
Lãnh đạo UBND TP.HCM kiểm tra tình hình sản xuất của doanh nghiệp trong thời gian dịch Covid-19. Ảnh: HMC. |
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh trong quý II, nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM vẫn là tập trung để phòng, chống dịch Covid-19 cùng cả nước. Những kết quả đạt được của việc phòng, chống dịch sẽ làm tiền đề để duy trì sản xuất, kinh doanh ở mức độ nhất định và thành phố từng bước chuyển dần sang giai đoạn mới, giai đoạn có người nhiễm nhưng không có dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh những ngành có chỉ số tăng trưởng giảm so với cùng kỳ, TP.HCM vẫn có lĩnh vực duy trì được mức độ tăng trưởng. Cụ thể, ngành xuất khẩu, đặc biệt điện tử, máy tính tăng 7,5% so với cùng kỳ, đạt 9,85 tỷ USD.
Ngoài ra, những ngành công nghiệp chủ lực của thành phố vẫn duy trì mức tăng trưởng như hóa chất tăng 8%, điện tử tăng 11%. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá những kết quả trên sẽ tạo đà để nền kinh tế TP.HCM tiếp tục có cơ hội phát triển trong quý III.
"Với những thành quả khả quan trong phòng, chống dịch, TP.HCM sẽ không ngừng giảm số người lây nhiễm, phải điều trị. Khi đó, điều kiện để sản xuất, thương mại sẽ ngày càng tốt hơn", ông Nguyễn Thiện Nhân nêu dự báo.