Tại buổi họp Thường trực Chính phủ có kết nối trực tuyến với các địa phương chiều 15/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có nhiều đề xuất với Chính phủ về các chính sách trong giai đoạn tới.
Chủ tịch Phong cho biết TP.HCM đã kiểm soát tốt tình hình dịch. Qua 15 ngày cách ly xã hội, TP.HCM chỉ tăng 5 ca nhiễm, từ 49 ca lên 54 ca. So với 15 ngày trước, số ca nhiễm mới giảm 88%.
"Tinh thần là tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác, nếu lơi lỏng sẽ vỡ trận, xóa thành quả. Do đó, để kiểm soát chặt tình hình dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân và có chiến thắng cuối cùng giai đoạn này, TP.HCM kiến nghị tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội với tinh thần quyết liệt, chủ động", Chủ tịch Phong đề xuất.
TP.HCM đề xuất 5 kiến nghị về giải pháp chống dịch trong thời gian tới trong buổi họp giao ban với Chính phủ. Ảnh: HMC. |
Từ những bài học qua 15 ngày cách ly xã hội, TP.HCM cũng đề xuất 5 nội dung để Thủ tướng Chính phủ xem xét ứng dụng trong thời gian tới.
Thứ nhất, theo số liệu Bộ Thông tin và Truyền thông đo lường được, lượng đi lại của người dân đã giảm thời gian qua. Cao nhất là ngày 22/3, sau đó giảm dần và có xu hướng tăng trở lại từ ngày 9/4. Điều này cho thấy tâm lý chủ quan nếu kéo dài cách ly xã hội. Do đó, thành phố kiến nghị Chính phủ nghiên cứu chiến lược bậc thang, càng về sau cách ly càng nghiêm ngặt.
Thứ hai, nền tảng của việc đeo khẩu trang là phòng dịch nhưng thực tế cho thấy nhiều người dân vẫn chưa thực hiện nghiêm. Ông Phong cho rằng mức phạt hiện tại với người không đeo khẩu trang là thấp, theo Nghị định 176 mức phạt tối đa là 300.000 đồng. Thành phố kiến nghị tăng mức xử phạt hành vi này để đủ sức răn đe.
Thứ ba, cách ly tập trung những trường hợp nghi ngờ là biện pháp ít gây tổn thương kinh tế. Tuy nhiên, việc kéo dài giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Do đó, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế, thành phố đề nghị cho phép mở lại một số hoạt động thiết yếu ít có nguy cơ lây nhiễm, đáp ứng Bộ tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ.
Bộ tiêu chí kiểm soát dịch bệnh phải được ban hành song song với việc cho phép mở cửa một số hoạt động thiết yếu ít nguy cơ và giao chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát và đóng cửa nếu không đảm bảo các tiêu chí.
Ông Phong cho rằng đây là chính sách kép để kích thích kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh chưa xác định được thời gian kết thúc. Việc này sẽ góp phần tăng cường đạo đức và trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội; đồng thời, tạo ra văn hóa bảo vệ ngành nghề kinh doanh cho từng doanh nghiệp.
TP.HCM kiến nghị nâng mức xử phạt người không đeo khẩu trang. Ảnh: Y Kiện. |
Thứ 4, TP.HCM đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng các mô hình dịch tễ của bệnh truyền nhiễm để biết mỗi người sẽ đến trung bình bao nhiêu chỗ mỗi ngày, gặp bao nhiêu người và tiếp xúc gần bao nhiêu người; khi giãn cách xã hội sẽ giảm được bao nhiêu lần tiếp xúc. Từ đó xác định biện pháp giãn cách xã hội tối ưu nhất và mạnh nhất.
Cuối cùng, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết nhiều quốc gia đang phải hứng chịu sự bùng phát của làn sóng lây nhiễm thứ 2. Do đó, khi dịch bệnh được kiểm soát, để đảm bảo tốt sức khỏe cho người dân, TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ định một số sân bay tiếp nhận người Việt Nam từ vùng dịch trở về; đồng thời áp dụng cách ly nghiêm ngặt hơn và xét nghiệm lại sau 14 ngày cách ly.
Lắng nghe các kiến nghị của TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh tinh thần của Thành ủy và UBND TP.HCM với những chính sách quyết liệt, rõ ràng. Thủ tướng cho biết sẽ xem xét các kiến nghị này.
Đến sáng ngày 15/4, Việt Nam có 267 bệnh nhân mắc Covid-19. TP.HCM ghi nhận 54 ca nhiễm Covid-19, trong đó, 40 trường hợp đã khỏi bệnh và xuất viện.