Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

INFOCUS

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị 9 nhóm giải pháp phục hồi kinh tế

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc xác định “ngưỡng an toàn” với các đối tác của Việt Nam là điều quan trọng để từng bước mở cửa, phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc xác định “ngưỡng an toàn” với các đối tác của Việt Nam là điều quan trọng để từng bước mở cửa, phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở thuộc hàng lớn trên thế giới, với mức 200% GDP. Dù dịch Covid-19 đã từng bước được kiểm soát tốt trong nước, vẫn còn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Nhiều đối tác thương mại, đối tác đầu tư lớn của Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch, dẫn đến khó khăn trong giao thương.

Để phục hồi kinh tế Việt Nam, việc mở cửa trở lại, giao thương với các đối tác thương mại trên thế giới là điều quan trọng. Tuy nhiên, việc này lại phụ thuộc vào các điều kiện an toàn, chống dịch cũng như kiểm soát dịch của các nước đối tác.

Bài toán phục hồi kinh tế, gắn với an toàn chống dịch được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ với Zing trong một bài viết dài 26 trang. Trong đó, ông phân tích kỹ lưỡng diễn biến dịch bệnh trên thế giới, của riêng Việt Nam, từ đó xác định “ngưỡng an toàn” và đề xuất những kiến nghị giúp phục hồi kinh tế.

Zing trích đăng một số ý quan trọng.

Ngưỡng an toàn để mở cửa

Từ kinh nghiệm thực tiễn các nước, tôi cho rằng có thể xác định ngưỡng an toàn dịch Covid-19 với một nước là không quá 10 người nhiễm đang điều trị/1 triệu dân. Với mức 10 người nhiễm đang điều trị/1 triệu dân thì năng lực y tế của các nước nói chung là đủ khả năng chữa trị hoàn toàn và kiểm soát, cách ly mọi ca nhiễm, hạn chế lây lan ở mức cao hơn.

Ở các nước này vẫn có thể xảy ra lây nhiễm cục bộ tại một số khu dân cư, nhà thờ, trường học, trại dưỡng lão, song được cô lập và kiểm soát kịp thời, triệt để. Do đó, đất nước vẫn được coi là an toàn dịch nếu số người nhiễm phải điều trị, không quá 10 người/1 triệu dân. Đó là trạng thái bình thường mới.

Trong 10 nền kinh tế là đối tác đầu tư chiếm tổng cộng khoảng 90% giá trị đầu tư nước ngoài ở Việt Nam năm 2019, có 8/10 nền kinh tế đã chuyển giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5 gồm Hàn Quốc, Singapore, Nhật, Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hong Kong, Quần đảo Virgin thuộc Anh và Thái Lan.

Trong đó, có 5/10 nền kinh tế đã đạt ngưỡng an toàn là Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan và Quần đảo Virgin thuộc Anh. Ngoài ra, 2/10 nền kinh tế dự kiến đạt được ngưỡng an toàn tháng 6 là Hàn Quốc và Nhật. Còn lại 2/10 nền kinh tế chưa dự báo được ngày đạt ngưỡng an toàn là Singapore và Hà Lan.

Có 1/10 nền kinh tế chưa biết chuyển giai đoạn vào lúc nào là Hà Lan do không công bố số người nhiễm đang điều trị. Có 1/10 nền kinh tế không có trường hợp nhiễm Covid-19 là Samoa.

Có thể dự báo từ tháng 6 đến tháng 12, có 8/10 nền kinh tế sẽ an toàn về dịch Covid-19 và có thể xúc tiến đầu tư lại vào Việt Nam gồm Hàn Quốc, Hong Kong, Nhật, Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Quần đảo Virgin thuộc Anh, Samoa, Thái Lan.

Tôi dự báo năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài có thể phục hồi, đạt khoảng 70% tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2019. Điều này ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 và 2022.

Trong khi đó, 14 nền kinh tế là đối tác thương mại lớn nhất, chiếm khoảng 80% tổng giá trị thương mại của Việt Nam, có 10/14 nền kinh tế đã chuyển giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5 gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Đức, Hong Kong, Australia và Singapore.

Trong đó, 4/14 nền kinh tế đã đạt ngưỡng an toàn là Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Hong Kong. Ngoài ra, 4/14 nền kinh tế dự kiến đạt được ngưỡng an toàn tháng 6 là Hàn Quốc, Nhật, Đức và Australia. Có 2/14 nền kinh tế đã chuyển giai đoạn nhưng chưa dự báo được ngày đạt ngưỡng an toàn là Malaysia và Singapore. Có 4/14 nền kinh tế chưa chuyển giai đoạn là Mỹ, Ấn Độ, Indonesia và Hà Lan.

Dự báo trong năm 2020, tổng giá trị thương mại có thể phục hồi sẽ bằng khoảng 85%

Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM

Tôi dự báo từ tháng 6 đến tháng 12, có 8/14 nền kinh tế sẽ là nước an toàn dịch Covid-19 và có thể phục hồi thương mại 2 chiều với Việt Nam gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan, Đài Loan, Đức, Hong Kong và Australia.

Dự báo trong năm 2020, tổng giá trị thương mại có thể phục hồi sẽ bằng khoảng 85% tổng giá trị thương mại tại Việt Nam năm 2019. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020.

Riêng về du lịch, tôi nhận định trong 8 nền kinh tế là đối tác du lịch quốc tế lớn nhất chiếm khoảng 80% số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đã có 6/8 nền kinh tế chuyển giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4 gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Malaysia và Thái Lan.

Trong đó, 3/8 nền kinh tế đã đạt ngưỡng an toàn là Trung Quốc, Đài Loan và Thái Lan; 2/8 nền kinh tế dự kiến đạt được ngưỡng an toàn trong tháng 6 là Hàn Quốc và Nhật.

Có thể dự báo từ tháng 6 đến tháng 12, có 5/8 nền kinh tế sẽ an toàn dịch Covid-19 và có thể phục hồi khách du lịch đến Việt Nam gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Thái Lan. Tôi dự báo trong năm 2020, số lượng khách du lịch quốc tế có thể phục hồi bằng khoảng 40% (hơn 7 triệu khách) tổng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2019.

Cơ hội để kinh tế Việt Nam ít phụ thuộc vào nước ngoài hơn

Tôi cho rằng có nhiều dự báo ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế Việt Nam năm 2020 và 2021, tuy nhiên, vẫn xuất hiện các thời cơ. Thời cơ chính là việc nhiều đối tác đầu tư, đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đã bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh và chuyển sang trạng thái bình thường mới.

bi thu nguyen thien nhan kien nghi 9 giai phap phuc hoi kinh te anh 1

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần có ké hoạch với từng nước để khuyến khích phục hồi thương mại 2 chiều. Ảnh: Quỳnh Danh.

Vì vậy, ngay từ bây giờ, cần có kế hoạch khẩn trương để phối hợp với từng nước để chuẩn bị, khuyến khích phục hồi đầu tư nước ngoài, thương mại 2 chiều và du lịch một cách cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng nước.

Đây là biện pháp hiệu quả nhất để phát huy vai trò tích cực của quan hệ kinh tế với nước ngoài của Việt Nam, biến dự báo phục hồi đầu tư nước ngoài, thương mại và du lịch thành hiện thực và có thể cải thiện hơn.

Một thời cơ nữa là cơ hội gia tăng sản xuất trong nước và phát triển kinh tế dựa trên sáng tạo và công nghệ 4.0.

Đây là cơ hội để các giải pháp sản xuất, dịch vụ áp dụng các công nghệ 4.0, để đưa ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mới

Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM

Việc giảm nhập khẩu một số nguyên liệu, vật tư cần cho sản xuất trong nước, do các cơ sở sản xuất nước ngoài phải dừng khi nước này còn dịch, thì đây là cơ hội cho phát triển các cơ sở sản xuất trong nước để đáp ứng nhu cầu này. Về lâu dài sẽ làm cho kinh tế Việt Nam ít phụ thuộc vào nước ngoài hơn, tăng chuỗi giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, việc thu nhập của lao động trong nước và nước ngoài giảm trong giai đoạn 2020-2021, dẫn đến áp lực cung cấp các giải pháp cho sản xuất và dịch vụ có chi phí thấp hơn sẽ tăng. Đây là cơ hội để các giải pháp sản xuất, dịch vụ áp dụng các công nghệ 4.0 phát triển và cơ hội để đưa ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mới.

Do đó, ngay trong giai đoạn hiện nay, 2020-2021, cần đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, chuẩn bị các giải pháp và sản phẩm để người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường trong nước và quốc tế với tính cạnh tranh cao và hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2021-2025.

Áp lực hỗ trợ duy trì sản xuất cho các doanh nghiệp

Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn có những vấn đề về tăng trưởng kinh tế giảm, thu nhập của người lao động giảm, thất nghiệp và phá sản tăng.

bi thu nguyen thien nhan kien nghi 9 giai phap phuc hoi kinh te anh 2

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Thuận Thắng.

Qua phân tích và dự báo bước đầu ở trên, nhiều khả năng năm 2020, đầu tư nước ngoài giảm khoảng 30%; thương mại quốc tế giảm khoảng 15%; khách du lịch quốc tế giảm khoảng 60% so với năm 2019. Những yếu tố này làm tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020-2021 bị ảnh hưởng rất mạnh.

Áp lực hỗ trợ duy trì sản xuất cho các doanh nghiệp và đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động sẽ lớn

Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM

Theo đó, nhu cầu nhập khẩu của thế giới, đặc biệt là các nước nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam giảm đáng kể năm 2020 và đầu năm 2021, các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu không thể sử dụng hết năng lực sản xuất đã đầu tư phải tạm ngưng sản xuất, thậm chí đóng cửa, thu nhập của người lao động sẽ giảm và một bộ phận lao động sẽ không có việc làm kéo dài.

Khi thu nhập của người lao động khu vực sản xuất xuất khẩu và du lịch giảm mạnh, thì sức mua của họ với hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước cũng giảm, từ đó các đơn vị sản xuất và dịch vụ trong nước cũng không thể phục hồi như trước khi có dịch Covid-19 toàn cầu. Điều này sẽ dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tạm ngưng hoặc đóng cửa.

Như vậy áp lực hỗ trợ duy trì sản xuất cho các doanh nghiệp và đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động sẽ lớn, đòi hỏi phải có nguồn chi lớn cho mục đích này trong khi nguồn thu ngân sách lại giảm.

9 kiến nghị để phục hồi kinh tế

Từ các nhận định trên và kinh nghiệm thực tiễn thời gian qua, tôi đề xuất 9 nhóm giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định xã hội 2020-2021.

Thứ nhất, cần hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp và người lao động để cuối năm 2020, số doanh nghiệp phải phá sản không quá 15% tổng số doanh nghiệp đã hoạt động tháng 12/2019. Các giải pháp của Chính phủ và địa phương cần làm rõ nguồn hỗ trợ ở đâu, bao nhiêu, lúc nào.

Thứ hai, cần có kế hoạch cụ thể, thiết thực với từng nước từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2021 để tận dụng cơ hội phục hồi đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu và du lịch nước ngoài của 17 nước là đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam.

Các giải pháp của Chính phủ và địa phương cần làm rõ nguồn hỗ trợ ở đâu, bao nhiêu, lúc nào

Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM

Thứ ba, cần khuyến khích sản xuất trong nước để thay thế hàng nhập khẩu với lợi thế về nhân lực (chi phí lao động không cao, chất lượng lao động được nâng cao) và công nghệ 4.0 do người Việt Nam tạo ra.

Thứ tư, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, hình thành phong trào “khởi nghiệp sáng tạo - cơ hội cho Việt Nam phát triển 2021-2025-2030”.

Thứ năm, thay đổi cơ chế quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng để phát huy cao nhất tác dụng của đầu tư công và đầu tư tư nhân (có một luật để sửa các mâu thuẫn, chồng chéo, giữa các luật thuộc 3 lĩnh vực nói trên).

Thứ sáu, triển khai chương trình quốc gia “Số hóa tài nguyên kinh tế và hạ tầng xã hội Việt Nam 2020 - 2023” làm cơ sở chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế sang kinh tế số từ năm 2024.

Thứ bảy, triển khai cuộc vận động toàn xã hội “tiết kiệm để phát triển sản xuất và ổn định xã hội 2020-2021”.

Thứ tám, giám sát chặt chẽ các thị trường và chi ngân sách, kiềm chế, giữ vững lạm phát theo chỉ tiêu của Quốc hội.

Thứ chín, phát huy truyền thống văn hóa của Việt Nam - Nhà nước và nhân dân cùng chia sẻ, hợp tác để mọi người nghèo, thu nhập thấp được hỗ trợ, không để người dân, gia đình rơi vào hoàn cảnh cùng cực.

Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM

Đồ họa: Nhân Lê

Bạn có thể quan tâm