Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Nghị quyết 84/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Chính phủ thông qua một loạt chính sách và nhiệm vụ của các bộ ngành để hỗ trợ sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19.
Cụ thể, Chính phủ không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự; xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật theo đúng Nghị quyết 11/2017 của Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khóa XII.
Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô
Các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020.
Chính phủ sẽ miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp hàng không còn dư nợ đến ngày 31/12/2019. Giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9.
Chính phủ cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong tháng 3-9.
Chính phủ sẽ miến giảm nhiều loại thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Việt Linh. |
Giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.
Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3, tời gian gia hạn không muộn hơn ngày 31/12. Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu sửa đổi quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước.
Cấp phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile money). Cho phép các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Giảm thuế thay vì giãn thuế
Sắp tới, Chính phủ sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế cũ đến hết năm 2020. Ngoài ra, miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất, kinh doanh trong năm 2020.
Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để hỗ trợ trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Đầu tư công sẽ là một trong những trọng tâm để phục hồi kinh tế trong thời gian tới. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ngoài ra đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về việc chuyển đổi hình thức đầu tư đối với một số dự án thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công.
Đề xuất miễn giấy phép xây dựng đối với công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng. Ngoài ra, bãi bỏ thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Bộ Xây dựng và phân cấp cho UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt.
Tiết giảm kinh phí hội nghị, công tác
Chính phủ yêu cầu cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, kinh phí thực hiện năm chủ tịch ASEAN 2020 và các hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao). Đồng thời tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.
Ngoài ra cho phép các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch Covid-19 là khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong nghị quyết cũng đề ra các biện pháp thu hút vốn đầu tư toàn xã hội. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp; tuyệt đối không để chậm trễ, tồn đọng.
Cần có hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu kép: Phòng, chống dịch tốt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn.
Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Yêu cầu người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, địa phương rà soát lại từng nhiệm vụ, biện pháp để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, nhất là thu hút đầu tư phát triển, đẩy nhanh tiến độ xử lý, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Riêng về đầu tư công, cần phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020.
Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan. Trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2020.