Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 của TP.HCM

Chủ tịch TP.HCM chia sẻ 2 giai đoạn của chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Giai đoạn 1 tập trung giải pháp tình thế, còn các giải pháp lâu dài sẽ được tính ở giai đoạn 2.

Tham dự Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 9/5 tại điểm cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh thành phố sẽ cố gắng hết sức để các gói hỗ đến tay doanh nghiệp, người lao động trước tháng 6.

“Thời điểm này, chi phí hỗ trợ cần đến tay doanh nghiệp càng sớm càng tốt. Nếu để qua tháng 6, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, rời khỏi thị trường, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp không còn hiệu quả”, ông Phong nói.

Lãnh đạo chính quyền TP.HCM cũng thông tin thành phố đang xây dựng chương trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19 theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 sẽ tập trung vào các giải pháp trước mắt, mang tính tình thế để giúp các doanh nghiệp tồn tại, bám trụ thị trường, có cơ hội phát triển trở lại. Giai đoạn 2, thực hiện các biện pháp mang tính lâu dài, phục hồi tăng trưởng đi kèm tái cơ cấu kinh tế cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Thời gian qua, các ngân hàng thương mại tại TP.HCM đã cơ cấu lại nợ đọng cho doanh nghiệp với số tiền 63.000 tỷ đồng. Hơn 168.000 khách hàng, hộ kinh doanh được giảm lãi suất nợ với 12.300 tỷ đồng.

Để hỗ trợ nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, ngành ngân hàng tại TP.HCM đã cho các doanh nghiệp vay mới tổng cộng 88.800 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 5,5%/năm.

hoi nghi Thu tuong voi doanh nghiep anh 1

Lãnh đạo TP.HCM nghe chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: HMC.

Để tiếp tục triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2020, ông Phong cho biết TP.HCM có 5 nhóm nội dung hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ nhất, hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp, trong đó chú trọng hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động; hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp; hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa 100 triệu dân.

Thứ hai, hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.

Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh quá trình số hóa quản trị doanh nghiệp và quản lý ngành.

Thứ tư, tiếp tục các chương trình khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ năm, dự báo kịp thời, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp (tháng 5 đến tháng 12 năm 2020).

Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và có biện pháp giảm, miễn phí, thuế phù hợp. Ngoài ra, Chính phủ cần chú trọng việc kết nối, giao lưu các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước.

Vì sao quán bar ở TP.HCM chưa được mở cửa trở lại?

Trong danh mục đăng ký kinh doanh hiện không có loại hình quán bar mà chỉ ghi dịch vụ ăn uống, nhưng dịch vụ này nằm trong danh mục những hoạt động cần tiếp tục tạm dừng.

Thu Hằng - Quang Huy

Bạn có thể quan tâm