Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM về tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp thành phố cần hành động nhanh hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa và quyết liệt hơn nữa. Ông nhận định TP.HCM có quyết tâm cao, thể hiện tinh thần, ý chí, mong muốn đóng góp cho sự phát triển của thành phố và cả nước.
"TP.HCM đã nén đủ rồi, đến lúc phải bung ra ngay và trở lại chính mình. Biểu đồ phát triển kinh tế của thành phố không được là chữ U mà phải là chữ V", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Muốn phát triển phải khắc chế virus trì trệ
Thủ tướng khẳng định TP.HCM là một trung tâm kinh tế thị trường năng động, sáng tạo của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của quốc gia. Trong giai đoạn khó khăn hiện tại, thành phố cần phát huy được khả năng sáng tạo, quyết liệt và nghĩa tình.
"Trong phần còn lại của năm, TP.HCM phải có sự phát triển sao cho phù hợp với tiềm năng, vị trí, trở lại vị thế tăng trưởng đầu tàu kinh tế của cả nước. Việc đặt mục tiêu phát triển năm 2020 trên 6% không chỉ là cam kết, mà còn là trách nhiệm của thành phố với đất nước", lãnh đạo Chính phủ nói.
Buổi làm việc của Thủ tướng và lãnh đạo UBND TP.HCM. Ảnh: Trung tâm Báo chí TP.HCM. |
Để đạt được mục tiêu ấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu mỗi người trong bộ máy cần phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đặc biệt, TP.HCM và cả nước cần khắc chế, tiêu diệt được "virus trì trệ" đang tồn tại.
"Chúng ta đã quyết tâm tiêu diệt virus corona đang hoành hành trên thế giới. Virus trì trệ cũng cần quyết chí mới có thể khắc chế thành công", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong 4 tháng đầu năm 2020, TP.HCM chỉ đạt mức giải ngân đầu tư công 9,2%, rất thấp so với bình quân cả nước. Thủ tướng đặt dấu hỏi đây có phải là một trong những điểm nghẽn phát triển của TP.HCM hay không.
"Phải coi giải ngân đầu tư công là việc cần làm ngay. Thành phố đặt mục tiêu tháng 10 giải ngân 80%, cuối năm giải ngân 100%, tôi cho rằng cần rất cố gắng mới đạt được", Thủ tướng nhận xét.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị TP.HCM giải ngân ngay nguồn kinh phí hỗ trợ người nghèo, lao động mất việc do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ông cho biết đã nhận được nhiều phản ánh về thủ tục rắc rối, rườm rà trong khâu nhận hỗ trợ mùa dịch tại TP.HCM.
"Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng TP.HCM sẽ thành công trong công cuộc phòng chống Covid-19 và sẽ thành công trong phát triển kinh tế xã hội năm 2020. Đây là uy tín, hình ảnh của thành phố mang tên Bác, hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
TP.HCM liên tục xuống hạng trong chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh
Dù dành nhiều lời khen cho tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm chính trị của TP.HCM thời gian qua, Thủ tướng cho rằng thành phố vẫn còn tồn tại vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới.
Thứ nhất, Thủ tướng chỉ ra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM những năm qua ngày càng giảm. Năm 2019 tụt 4 bậc so với 2018; 2018 giảm 2 bậc so với 2017. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu TP.HCM kiểm tra và tìm ra nguyên nhân của sự tụt hạng này.
Thủ tướng chỉ ra những giải pháp TP.HCM cần gấp rút thực hiện. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN. |
Thứ hai, các vấn đề về hệ thống kết nối của thành phố như ách tắc giao thông, ô nhiễm, khói bụi, chất thải… đã tồn tại từ nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Thứ 3, Thủ tướng nhận định 3/7 chương trình đột phá của TP.HCM sẽ khó có khả năng hoàn thành, gồm: Giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chỉnh trang và phát triển đô thị.
Thứ 4, tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội hiện tiềm ẩn nguy cơ tín dụng đen, biểu tình chống phá, tuyên truyền xuyên tạc, đưa tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội rất phức tạp. Đây là mối lo chung của thường vụ Thành ủy, UBND cũng như Chính phủ.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho TP.HCM trong thời gian tới sớm hoàn thành đề án phát triển thành phố thành trung tâm của khu vực, tạo nền tảng để trở thành trung tâm khoa học - công nghệ. Đồng thời, thực hiện các nghị quyết Quốc hội và Chính phủ đã giao. Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục khó khăn tại các dự án dang dở, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.
“Tôi nghe nhiều doanh nghiệp kêu là có vướng mắc thì để đó”, Thủ tướng nêu và thẳng thắn thừa nhận: “Dự án chậm trễ là khuyết điểm của thành phố, Chính phủ, các ngành tham mưu còn chậm”.
Về 22 kiến nghị của TP.HCM với Chính phủ, Thủ tướng cho biết cơ bản ủng hộ. Riêng với đề xuất nhận 20% gói hỗ trợ, Thủ tướng thông tin Nghị quyết 42 đã nói rõ tỷ lệ chi giữa Trung ương và địa phương và đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn. Ông lấy ví dụ trong gói 62.000 tỷ thì hơn 20.000 tỷ chi cho trung ương, còn 40.000 tỷ chia cho địa phương theo tỷ lệ.
Về khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố, gộp 3 quận (2, 9 và Thủ Đức), Thủ tướng cơ bản ủng hộ, còn về cách vận hành sẽ xem xét thêm.