Ngày 25/9, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND Hà Nội đã tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban với các quận, huyện, thị xã về công tác đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị, phòng chống cháy nổ.
Tại đây, thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, cho biết hiện trên địa bàn có khoảng gần 500.000 nhà ống, trong đó có trên 120.000 nhà có kết hợp kinh doanh dịch vụ, mặt tiền thường bị bịt kín, thiếu lối thoát nạn... Đây là những loại hình khi xảy ra cháy, nổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Ngoài ra, qua rà soát, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã công khai danh sách 79 công trình nhà cao tầng chưa nghiệm thu về PCCC, đưa vào sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã có 19/79 công trình khắc phục các vi phạm về PCCC; còn tồn tại 60/79 công trình đang tiếp tục triển khai thực hiện...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bảo Lâm. |
Bí thư Hoàng Trung Hải lưu ý về PCCC là vấn đề nóng và còn diễn biến xấu. Ông dẫn chứng vụ cháy làm hai người chết rạng sáng 25/9 ở Chương Mỹ hay vụ việc đau xót ở Hoài Đức và trước con số 500.000 nhà ống không có lối thoát hiểm.
Theo đó, ông Hoàng Trung Hải đề nghị mỗi hộ dân cần xây dựng phương án PCCC; từng cơ sở sản xuất phải có phương án thoát hiểm. Ông nói: “Khi xảy ra cháy, chúng ta phải biết cách thoát hiểm. Mỗi hộ dân cần có phương án thoát hiểm chứ chưa nói đến các cơ sở sản xuất kinh doanh…”.
Với 60 chung cư chưa đảm bảo điều kiện PCCC, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm, có kế hoạch, thời gian, trách nhiệm từng người với từng công trình. “Ngày nào các chung cư còn tồn tại vi phạm PCCC là chúng ta chưa thể ngủ yên”, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm 2017, Hà Nội đã xảy ra trên 600 vụ cháy, làm 20 người thiệt mạng, thiệt hại về tài sản ước tính trên 400 tỷ đồng.