Ngày 29/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công trường và việc thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Đoàn công tác kiểm tra công trường ga S9, ga S8; di chuyển bằng tàu từ ga S8 về khu Depot (quận Bắc Từ Liêm). Đoàn đã làm việc với nhà thầu thi công về một số vướng mắc tại dự án này.
Vướng mắc tại các hạng mục ngầm
Báo cáo đoàn kiểm tra, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết đến nay, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 74%, đoạn trên cao đạt 89,5%, đoạn đi ngầm đạt 33%. Tiến độ giải phóng mặt bằng đoạn trên cao đã hoàn thành.
Riêng đoạn đi ngầm, công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc tại ga S9 và S11 (ga Kim Mã và Văn Miếu).
Sơ đồ nhà ga tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: MRB. |
MRB đề nghị các quận Đống Đa, Ba Đình phối hợp, đẩy nhanh việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hướng dẫn trình tự thực hiện, điều chỉnh chính sách bồi thường, hỗ trợ phù hợp với quy định của pháp luật và của các bên đối tác.
Đối với gói thầu CP5 chậm trễ (mới đạt 70%) ảnh hưởng chính đến tiến độ phần nổi, MRB kiến nghị UBND thành phố tiếp tục tổ chức kiểm điểm tình hình hàng tháng và đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp đôn đốc tiến độ và giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết theo kế hoạch, phần nổi 8,5 km của dự án phải hoàn thành vào cuối năm 2022, phần ngầm phải hoàn thành vào năm 2025. Tuy nhiên, đối với đoạn đi nổi, vấn đề khúc mắc còn nằm ở gói thầu CP05 do nhà thầu Hancorp (Tổng công ty Xây dựng Hà Nội) phụ trách.
Phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào 2025
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo đơn vị liên quan theo sát tình hình, làm rõ từng khó khăn, vướng mắc để có phương án giải quyết từng phần.
Ông Dũng yêu cầu bám sát tiến độ đã được nêu trong tuyên bố chung của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp: Đến năm 2022 hoàn thành đưa vào vận hành phần đi nổi 8,5 km; đến năm 2025 hoàn thành phần đi ngầm 4 km và đưa vào vận hành toàn tuyến.
Riêng đối với đoạn đi nổi, tiến độ thi công phải phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/10/2022.
"Coi đây là mốc thời điểm có tính pháp lệnh để tổ chức thực hiện", ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng (giữa) nghe báo cáo về tiến độ dự án. Ảnh: Hà Nội mới. |
Người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội yêu cầu phương án thực hiện phải có tiến độ cụ thể đến từng ngày; phân công rõ người phụ trách, đồng thời thường xuyên đánh giá, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện. Nhà thầu trong và ngoài nước phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vấn đề bất cập, thực hiện mục tiêu tiến độ.
Bí thư Thành ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm chủ động phối hợp tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, nhất là tập trung tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng, có kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, ủng hộ dự án.
Về những khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng cho công trình ngầm, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy xem xét cho ý kiến để trình HĐND thành phố cho phép UBND thành phố ban hành cơ chế đặc thù, phấn đấu ban hành trong tháng 12 để tổ chức thực hiện.
Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội là đoạn đầu của tuyến đường sắt số 3 theo quy hoạch (Nhổn - Hoàng Mai) với tổng chiều dài 21 km. Đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, trong đó có 8,5 km đi nổi và 4 km đi ngầm. Đây là dự án sử dụng nguồn vốn ODA. Dự án được khởi công ngày 25/9/2010.
Khởi công tháng 9/2010, dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội đặt mốc hoàn thành vào tháng 9/2017 nhưng phải lùi tiến độ vì thiếu vốn. Công trình gồm có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, bắt đầu từ ga Nhổn (quận Bắc Từ Liêm) và kết thúc ở ga Hà Nội (quận Đống Đa). Kết cấu mỗi nhà ga ngầm sẽ có 3 tầng, gồm tầng đỉnh (lộ thiên), tầng ngầm đầu tiên (nơi trung chuyển hành khách) và tầng đáy (ke ga và đường ray).