"Cán bộ còn nhũng nhiễu, tiêu cực thì tỉnh không thể phát triển. Những cán bộ như thế không thể tồn tại trong bộ máy công quyền. Tôi đã giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy làm việc trực tiếp với các sở, ngành rà soát lại công tác cán bộ, luân chuyển và xử lý ngay cán bộ làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của tỉnh" - ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, đã cho biết như thế khi trao đổi với phóng viên báo Pháp Luật TP HCM về việc xử lý những “cán bộ hư” kéo năng lực cạnh tranh (PCI) của Bình Phước xuống rất sâu trong 10 năm qua, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, kêu gọi đầu tư.
Cho thôi việc ngay những cán bộ nhũng nhiễu
- Đây là lần Bình Phước có thứ hạng thấp nhất, xếp thứ 54/63 tỉnh, thành về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, tụt 14 bậc so với năm 2014. Một trong những nguyên nhân tụt hạng là “chi phí không chính thức” tăng cao. Trên cương vị là bí thư Tỉnh ủy, theo ông, giải pháp nào để cải thiện?
- Tôi nhận nhiệm vụ bí thư được vài tháng nay nhưng quá trình công tác ở nhiều vị trí khác nhau tôi thấy yếu tố cốt lõi của mọi vấn đề vẫn là khâu cán bộ. Muốn thay đổi mạnh mẽ các chỉ số PCI thì trước hết phải xem xét lại công tác cán bộ ở các sở, ngành liên quan.
Chi phí không chính thức, nói thẳng là nạn nhũng nhiễu, phong bì sẽ dẫn đến cán bộ chỉ chăm chăm vào việc làm khó doanh nghiệp (DN) để hưởng lợi riêng mà không vì DN, vì sự phát triển của tỉnh nhà.
Những cán bộ kiểu vậy dứt khoát phải bị luân chuyển, nếu vi phạm nghiêm trọng phải bị loại khỏi nền hành chính công.
- Ông có thể nói cụ thể hơn về hướng xử lý cán bộ nhũng nhiễu. Bởi đây không phải là lần đầu tiên “chi phí không chính thức” của Bình Phước bị VCCI đánh giá là đáng báo động làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh?
- Tại cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ vừa qua, tôi cũng đã nhấn mạnh và khẳng định sẽ đề nghị luân chuyển cán bộ cấp trưởng, phó phòng, thậm chí cấp phó của lãnh đạo sở, ngành để tình trạng nhũngtình trạng này, lỗi trước hết ở lãnh đạo, người đứng đầu. Một khi tính tiên phong của người đứng đầu kém, thiếu quyết liệt thì tình trạng “trên nói dưới không nghe” sẽ tiếp tục xảy ra.
Chi phí không chính thức, nói thẳng là nạn nhũng nhiễu, phong bì sẽ dẫn đến cán bộ chỉ chăm chăm vào việc làm khó doanh nghiệp (DN) để hưởng lợi riêng mà không vì DN, vì sự phát triển của tỉnh nhà.
Tôi cho rằng có lợi ích nhóm, cục bộ, một số cán bộ nắm giữ những vị trí “nhạy cảm” quá lâu nên dễ xảy ra tiêu cực, nhũng nhiễu.
Họp ít lại, xuống cơ sở mà nghe thực tiễn
- Lâu nay lĩnh vực thuế, thủ tục hành chính, đất đai, hải quan… có không ít phản ánh bức xúc về nhũng nhiễu, tiêu cực, tỉnh sẽ tập trung vào việc xử lý ở đây thế nào?
- Đúng là các lĩnh vực này có nhiều phản ánh bức xúc nhất. Như tôi đã nói trên đây, Thường trực Tỉnh ủy đang cho rà soát lại công tác cán bộ để luân chuyển công tác, đồng thời xử lý cán bộ để xảy ra sai phạm.
Tôi cũng yêu cầu các sở, ngành việc gì rất quan trọng mới họp, hạn chế họp để đi cơ sở xuống DN, xuống dân để trao đổi, lắng nghe những vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ. Người đứng đầu các sở, ngành liên quan phải chủ động kiểm tra, thanh tra nội bộ để kịp thời xử lý các hành vi nhũng nhiễu.
Sắp tới tình trạng này không được cải thiện thì phải xem lại trách nhiệm người đứng đầu liệu có xứng đáng đảm nhiệm vị trí đó tiếp tục hay không. Nhiệm vụ của cán bộ là đồng hành cùng DN, lắng nghe, giải quyết nhanh các đề nghị chính đáng của DN. Nói cụ thể là phục vụ DN chứ không thể quản lý theo kiểu “xin-cho”, “ban ơn”.
- Ông vừa nhấn mạnh việc cán bộ phải phục vụ DN chứ không phải quản lý, làm khó DN. Tuy nhiên, thực tế DN luôn gặp khó khăn, muốn làm việc gì cũng phải bôi trơn, “chi phí không chính thức” đè nặng DN?
- Như tôi đã nói, tính năng động, tiên phong của lãnh đạo rất quan trọng. Có những việc DN cần phải chủ động trao đổi với cấp có thẩm quyền để giải quyết ngay. Nếu DN vướng thế nào thì người đứng đầu sở, ngành phải gặp gỡ đối thoại để giải quyết cho DN. Việc nào vượt thẩm quyền phải báo cáo ngay chủ tịch tỉnh để có hướng giải quyết.
Bình Phước quyết liệt xử lý cán bộ nhũng nhiễu, gây khó cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa. |
Tôi không chấp nhận kiểu cán bộ biết nhưng không hướng dẫn mà “hành” người dân, DN vì mục đích trục lợi, quan liêu. Nếu DN vướng các sở, ngành phải là nơi chủ động giải quyết nhanh trên tinh thần phục vụ DN.
Việc tưởng chừng đơn giản nhưng khi chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh xuống dưới thì các DN than thở là khâu thủ tục còn vướng quá, chậm quá. Vì thế, khi người đứng đầu không sâu sát cán bộ thì cán bộ dễ nảy sinh tiêu cực nhũng nhiễu.
“Cán bộ nào nhũng nhiễu, gọi ngay vào đường dây nóng của tôi”
Khâu chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ càng thực hiện triệt để thì thủ tục hành chính mới thông. Mọi vấn đề đều do cán bộ. Cái gốc là chỗ phải xử lý dứt điểm căn bệnh nhũng nhiễu của cán bộ.
Ngay từ bây giờ, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ tiếp tục hành động quyết liệt để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh và chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, phong bì… Nếu DN có bức xúc cứ gọi thẳng vào đường dây nóng của bí thư Tỉnh ủy: 0888.893.893 để được giải quyết, tháo gỡ ngay.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi
Vì đồng tiền “bôi trơn” mà cán bộ hư
Việc tụt hạng là do cán bộ chúng ta, vì đồng tiền “bôi trơn” mà cán bộ hư. Khi cấp tỉnh chỉ đạo giải quyết các thủ tục chính đáng cho DN thì xuống cấp phòng ban DN bị làm khó, sách nhiễu nảy sinh chi phí không chính thức. Tôi đề nghị các lãnh đạo sở, ngành liên quan phải nghiêm túc chấm dứt việc này và tăng cường kỷ luật đạo đức công vụ. Không thể lợi dụng công việc được giao để trục lợi. Cán bộ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Chủ tịch UBND Bình Phước Nguyễn Văn Trăm
Hàng loạt chỉ số về năng lực cạnh tranh giảm liên tục
Trong chỉ số PCI năm 2015, trên thang điểm 10, Bình Phước có 5/10 chỉ số dưới 5 điểm và đều là những chỉ số nhạy cảm. Cụ thể: Chi phí không chính thức đạt 4,85 điểm; sự năng động của chính quyền, lãnh đạo chỉ đạt 4,62 điểm; dịch vụ hỗ trợ DN 4,76 điểm; đào tạo lao động 4,93 điểm; thiết chế pháp lý 4,83 điểm.
Đáng lưu ý hơn là trong bốn lần xếp hạng liên tiếp vừa qua, điểm cho chỉ số chi phí không chính thức liên tục giảm, cụ thể năm 2011 đạt 8,62 điểm, năm 2012 đạt 7,1 điểm, năm 2013 đạt 6,84 điểm, năm 2014 đạt 5,23 điểm, năm 2015 chỉ có 4,85 điểm.
Năm 2014, có 72,97% DN được hỏi cho biết thường phải trả thêm các khoản “chi phí không chính thức”, 66,18% DN được hỏi cho biết “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho DN khá phổ biến” ở Bình Phước. Con số này năm 2015 chắc chắn đáng lo hơn. Chỉ số năng động của chính quyền và tiên phong của lãnh đạo năm 2014 là 5,07 và năm 2015 chỉ còn 4,62 điểm.
Báo cáo VCCI về các chỉ số PCI năm 2015 của Bình Phước