Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí thư An Giang: 'Có tình trạng văn bản này đá văn bản kia'

Cho rằng hướng dẫn chống dịch của bộ, ngành còn có điểm chưa thống nhất với các chỉ đạo khác, Bí thư tỉnh An Giang đề nghị có giải pháp để tránh mỗi nơi làm một kiểu.

Chiều 8/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, khảo sát công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại An Giang. Sau khi kiểm tra khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh.

85% ca mắc là tài xế đường dài

Báo cáo với Phó thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết sau 23 ngày áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tình hình dịch tại địa phương vẫn chưa được kiểm soát triệt để, còn phát sinh ca nhiễm mới.

Theo thống kê, 85% ca mắc Covid-19 là tài xế vận chuyển hàng hóa đường dài từ các tỉnh, thành phố về An Giang. Quy định hiện nay cho phép tài xế được qua chốt kiểm soát khi có giấy xét nghiệm PCR và test nhanh có hiệu lực trong 72 giờ nhưng sau đó, nhiều người trong số này được xác định mắc Covid-19.

"Khi vào địa phận An Giang, tài xế có giấy xét nghiệm trong thời gian cho phép. Khi có dấu hiệu bất thường, chúng tôi test nhanh thì phát hiện tài xế dương tính. Xét nghiệm RT-PCR cho kết quả tương tự", ông Bình nêu vấn đề.

Chủ tịch An Giang lo ngại tài xế nhiễm nCoV khi vào An Giang thu mua nông sản sẽ khiến mức độ lây lan trong cộng đồng phức tạp, việc truy vết gặp khó khăn.

dich Covid-19 bung phat tai phia nam anh 1

Chiều 8/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang. Ảnh: Thanh Tuấn.

Trước tình hình đó, An Giang đã lập 3 chốt chặn để phân luồng xe 4 chỗ, xe tải cỡ trung bình và xe tải nặng. Các tài xế sẽ được xét nghiệm khi vào An Giang.

Nếu có hiện tượng ùn ứ, lực lượng chức năng sẽ làm test nhanh cho tài xế, yêu cầu kê khai thông tin để tiếp tục di chuyển. Trong vòng 15-30 phút, nếu kết quả test nhanh dương tính, lực lượng chức năng sẽ liên hệ, yêu cầu tài xế ở nguyên trong xe và chờ công an, y tế đến lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR.

Nếu kết quả khẳng định dương tính, tài xế được đưa đi cách ly. Lực lượng chức năng sẽ liên lạc với nơi tài xế xuất phát để đề nghị cung cấp thông tin truy vết và cử tài xế khác tới đưa xe về.

"Hiện, An Giang đang thực hiện mục tiêu kép là truy vết nhanh và không để F0 tồn tại trong cộng đồng, đặc biệt là tài xế lưu chuyển hàng hóa đường dài. Cách làm này giúp hàng hóa vẫn lưu thông mà chúng tôi vẫn an tâm là ít nhất có kênh để kiểm soát", ông Bình phân tích.

dich Covid-19 bung phat tai phia nam anh 2

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại tỉnh An Giang. Ảnh: Báo An Giang.

Lãnh đạo tỉnh An Giang cũng cho biết công an tỉnh đã lập đại đội truy vết với 100 người; huyện, thị xã lập trung đội truy vết, còn xã lập tiểu đội truy vết. Ngoài công an, đoàn thanh niên và lực lượng y tế cũng tham gia hỗ trợ. Tất cả đều được trang bị kiến thức, đồ bảo hộ. Khi phát hiện ca F0, các tiểu đội sẽ truy vết. Nếu dịch lan rộng hơn, trung đội và đại đội sẽ hỗ trợ để đảm bảo không bỏ sót.

Chủ tịch An Giang đề xuất Bộ Y tế sớm tổ chức mua sắm tập trung trang thiết bị để tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh bổ sung máy oxy dòng cao (HFNC), máy xét nghiệm, phòng hộ cá nhân... Căn cứ vào dự kiến phân bổ vaccine của Bộ Y tế, tỉnh sẽ lên kế hoạch tiêm cho khoảng 1,35 triệu người từ 18 tuổi trở nên. Nếu vaccine về đủ, tỉnh đảm bảo tiêm cho 95% dân trong năm nay.

"Giặc không mùi, không màu"

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho biết địa phương có 100 km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, quốc gia cũng có số ca nhiễm tăng cao. Để kiểm soát, tỉnh đã cử 2.000 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm túc trực tại biên giới.

Bí thư Lê Hồng Quang bày tỏ sự đồng thuận với nhiều chính sách của Trung ương thời gian qua, đặc biệt là việc áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phía nam. Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho rằng việc có nhiều hướng dẫn, quy định liên quan chống dịch đã dẫn đến tình trạng "loạn văn bản".

“Từ khi có dịch tới giờ có rất nhiều văn bản. Về hiệu lực, văn bản của Thủ tướng Chính phủ là cao nhất. Sau đó là của Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch. Đó là những văn bản có giá trị pháp lý”.

“Hiện nay đang có tình trạng loạn văn bản, văn bản này đá văn bản kia. Những hướng dẫn của bộ, ban, ngành có những điểm tôi e rằng đi ngược lại... Mỗi nơi lại hiểu một kiểu, mỗi nơi lại áp dụng một kiểu. Tôi cho rằng tình trạng như thế này là rất không nên”, Bí thư tỉnh An Giang nói.

dich Covid-19 bung phat tai phia nam anh 3

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Báo An Giang.

Ông Quang chia sẻ tỉnh coi nhiệm vụ chống dịch hiện nay còn hơn cả chống giặc. "Giặc giờ không mùi, không màu, có thể nằm ngay trong những người bạn, người thân của chúng ta".

Bí thư An Giang khẳng định tỉnh sẽ tận dụng thời gian giãn cách xã hội để kiểm soát dịch, không để kéo dài hơn nữa Chỉ thị 16 nhằm tránh mệt mỏi cho lực lượng tuyến đầu cũng như người dân.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá An Giang là tỉnh có nguy cơ rất cao, cả từ trong nước lẫn biên giới. Về đề xuất của Bí thư Tỉnh ủy, ông Đam đề nghị tỉnh và các bộ, ban, ngành trao đổi để bàn thêm về các văn bản chưa rõ.

Phó thủ tướng đánh giá cao nỗ lực, giải pháp sáng tạo của An Giang thời gian qua và yêu cầu tỉnh cố gắng làm tốt hơn nữa việc giãn cách theo Chỉ thị 16, khoanh thật chặt các ổ dịch còn tồn tại.

"Nếu làm tốt, chúng ta có thể khoanh lại vùng xanh để quay lại bình thường mới", ông Đam nói.

Đến 8/8, An Giang có 531 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó 3 ca tái dương tính. Tỉnh hiện có 3 hệ thống xét nghiệm PCR với công suất 1.200 mẫu đơn/ngày. Dự kiến thời gian tới, tỉnh sẽ có 9 máy xét nghiệm PCR nhờ sự hỗ trợ từ Bộ Y tế và doanh nghiệp, nâng năng lực xét nghiệm lên 3.000 mẫu đơn/ngày.

Về vaccine, tỉnh đã nhận 126.000 liều vaccine từ Bộ Y tế và dự kiến sẽ tiêm hết trong tuần sau. An Giang hiện có 14 cơ sở điều trị Covid-19 tại tuyến tỉnh và tuyến huyện với 90 giường điều trị bệnh nhân nặng, 150 giường điều trị bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng. Thời gian tới, nhiều cơ sở y tế tại tỉnh sẽ chuyển hẳn sang điều trị Covid-19 nên có thể nâng tổng công suất lên 4.000 giường.

Phó thủ tướng: Đừng chống dịch mạnh vài ngày, sau đó lỏng dần

“Biện pháp thì rất cao mà thực hiện bên dưới chỉ mạnh được một vài ngày, sau đó lỏng dần. Việc này tuyệt đối tránh", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng.

Thanh Tuấn - Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm