Gia đình Marie Curie đã giành 5 giải Nobel trong nhiều lĩnh vực như: vật lý, hóa học và hòa bình. Hai vợ chồng nhà bác học nổi tiếng, con gái và các con rể đều đã được chạm tay lên tấm huy chương danh giá. Thành tích “cha truyền con nối” về khoa này khiến cho nhiều người phải ngưỡng vọng dòng họ Curie trong suốt hơn 100 năm qua.
Cháu ngoại của bà là Pierre Joliot hay còn được biết đến với tên khác là Pierre Joliot-Curie hiện là một nhà sinh học nổi tiếng tại Pháp. Chị gái của ông là Helene Langevin-Joliot cũng đi theo con đường nghiên cứu về phóng xạ giống mẹ và bà ngoại.
Bản tiếng Việt và bản tiếng Pháp của cuốn Nghiên cứu khoa học là gì? |
Sở dĩ, hai chị em ông đều có cái tên dài dòng như vậy là vì: sau khi kết hôn, cha mẹ ông đã thống nhất cả hai sẽ mang họ Joliot-Curie để tưởng nhớ cha mẹ vợ. Sinh thời Marie Curie là người đã hướng dẫn khóa luận cho Frédéric Joliot và con gái bà đã cưới chàng sinh viên ưu tú này.
Nhân kỉ niệm 150 năm ngày sinh của bà ngoại Pierre Joliot đã cho ra đời cuốn sách Nghiên cứu khoa học là gì? để chia sẻ với các bạn nhỏ về tình yêu của ông và các thành viên trong gia đình dành cho khoa học.
Lớn lên trong gia đình bác học tiêu biểu, khi mà cả ông bà ngoại và cha mẹ đều là những nhà vật lý và hóa học có tiếng, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ: Pierre Joliot phải chịu không ít áp lực về thành tích từ khi còn nhỏ. Nhưng bố mẹ ông cho rằng, con trai của họ không cần phải trở thành người xuất chúng.
Khi còn đi học, Pierre Joliot chỉ là một cậu học sinh bình thường. Tuy vậy, mẹ ông chỉ động viên con cố gắng mà không hề trách phạt.
Khi bước vào tuổi trưởng thành Pierre Joliot có ý thức nghiêm túc hơn về công việc nghiên cứu. Ông nhận ra rằng: nghiên cứu khoa học có rất nhiều điểm chung với nghệ thuật. Một nhà khoa học luôn phải tìm tòi để tạo ra cái mới. Khoa học và nghệ thuật đều là sự sáng tạo không ngừng.
Nhà khoa học Pierre Joliot. |
Đừng bao giờ nản chí khi người khác nói rằng ý tưởng của bạn thật viển vông. Hãy thử dùng các thí nghiệm để chứng minh rằng nó có thể xảy ra trong những điều kiện thực tiễn nhất định. Nếu thất bại và không chứng minh được điều cả thì cũng đừng nản lòng. Thất bại là một điều thường gặp trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt với các nhà trẻ tuổi.
Nghiên cứu khoa học là một quá trình trình dài để hướng tới sự hiểu biết. Các phương pháp nghiên cứu cùng với tư duy tìm tòi của các nhà khoa học sẽ là phương tiện để giải mã những bí ẩn của tự nhiên.
Vậy làm thế nào để gây dựng “tình yêu” với khoa học cho một đứa trẻ. Trước hết, đừng coi khoa học là một môn học, hãy coi nó như một trò chơi khám phá. Cứ cho lũ trẻ tự tìm tòi và trải nghiệm những điều thú vị qua từng thí nghiệm khoa học nhỏ. Hứng thú và đam mê đối với khoa học sẽ đến một cách thật tự nhiên. Đó là lời khuyên mà Pierre Joliot dành cho giáo viên và các bậc phụ huynh.
Khoa học sẽ chào đón tất cả những ai yêu nó, không phân biệt xuất thân hay hoàn cảnh gia đình. Có những nhà khoa học nổi tiếng là con của những người thợ đóng giày hay công nhân lao động.
Một điều thú vị là vợ của Pierre Joliot cũng là một nhà sinh học. Pierre Joliot và vợ là Anne đã nảy nở tình yêu trong phòng thí nghiệm. Cuốn sách Nghiên cứu khoa học là gì? của Pierre Joliot là món quà mà tác giả dành tặng cho ông bà ngoại và cha mẹ của mình với tư cách của một hậu bối trong khoa học.
Hãy đến với khoa học bằng tình yêu! Đó là bài học lớn nhất mà ông nhận được từ gia đình mình.