Tập truyện ngắn Đồng bạc trắng của bà là món quà tinh thần đầy ý nghĩa mà nhà văn- nhà báo Bùi Việt Phương dành tặng độc giả nhỏ tuổi.
Chúng ta hãy cùng nói lời tạm biệt với khói bụi và những ồn ã của thành phố để đắm mình trong thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ của đại ngàn.
Ở nơi đó, có những người bạn nhỏ vẫn hồn nhiên lớn lên cùng đá núi khô cằn. Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng những hạt giống của thiện lương vẫn được ươm mầm bởi những tâm hồn bé bỏng.
Chính và Bình là hai nhân vật chính trong truyện ngắn Đồng bạc trắng của bà. Để được “làm bạn” với con chữ, đôi bạn nhỏ phải rời xa mái nhà sàn thân thương, xuống trường dân tộc nội trú đi học. Sống trong cảnh xa nhà, những người bạn nhỏ đã sớm học cách tự lập và chăm sóc lẫn nhau. Nhờ đó, tình bạn của cả hai ngày càng khăng khít.
Tập truyện ngắn Đồng bạc trắng của bà của tác giả Bùi Việt Phương. |
Trước khi về thăm bà, Bình có nhờ Chính thu dọn giúp vài đồ dùng cá nhân trong phòng kí túc. Khi phơi quần áo cho Bình, vô tình Chính nhìn thấy đồng bạc trắng rất đẹp, rơi ra từ túi áo của bạn. Chính đã thích nó từ lâu lắm rồi. Có lần lên chợ cậu nhóc đã đòi mẹ mua, nhưng khi nghe biết giá của nó bằng mấy bao thóc Chính không dám đòi hỏi nữa.
Cậu bé cứ mân mê mãi đồng bạc trắng của bạn trong tay. Đêm ngủ cậu cất nó dưới gối. Mấy hôm sau, Bình đi học trở lại. Bà nội mất nên trông cậu bé buồn thiu. Điều đó làm Chính cảm thấy rất áy náy.
Không may, Chính bị cảm, người cậu mê man trong cơn sốt. Khi tỉnh lại cậu thấy Bình cùng cô giáo và nhiều bạn bè đang ở cạnh. Cô giáo nói, may nhờ Bình lấy đồng bạc trắng dưới gối của Chính để cạo gió, cậu mới mau khỏi bệnh. Lúc này, Chính mới bẽn lẽn thú nhận, đồng bạc ấy vốn là của Bình. Sau khi nói ra sự thật, anh bạn nhỏ cảm thấy lòng nhẹ bẫng và khoan khoái. Một tình bạn đẹp đâu có thể tồn tại sự dối trá.
Giá trị của một vật, đôi khi không thể đong đếm bằng tiền. Có những kỷ vật thiêng liêng không thể so sánh với vàng bạc. Đó là bài học quý mà tác giả gửi gắm trong truyện ngắn Chiếc đòn gánh trong xó bếp.
Muôn rất thích sưởi ấm ở căn bếp nhà bà Ban. Căn bếp đơn sơ, được dựng bằng tre nứa không có đồ vật gì đáng giá, giống như bếp của các hộ khác trong bản. Duy chỉ có chiếc đòn gánh cũ dựng ở góc bếp là đặc biệt. Có lần, Muôn và Cường lấy đòn gánh ra nghịch, liền bị bà Ban mắng. Từ đó, hai chú nhóc không dám đụng đến nó nữa.
Vào một ngày nắng to, căn bếp nhà bà Ban bị cháy. Chỉ là căn bếp đơn sơ, có thể dễ dàng dựng lại, ấy vậy mà bà cũng ngẩn ngơ vì tiếc. Hay là bà Ban giấu vàng bạc gì trong đó? Câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong đầu lũ trẻ…
Hóa ra, bà tiếc cái đòn gánh. Nó là kỷ vật duy nhất mà ông thằng Cường để lại. Ngày xưa, khi ông tham gia đánh Tây cùng du kích và bộ đội, chính chiếc đòn gánh ấy đã giúp ông đưa thương binh đi cấp cứu. Ông hy sinh trong một lần giặc tràn vào bản đốt phá. Nếp nhà sàn trước kia cũng bị thiêu rụi thành tro. Chỉ còn chiếc đòn gánh là kỷ vật duy nhất gợi nhắc về những năm tháng ấy, thế nên bà mới tiếc.
Nghe đến đây đôi bạn nhỏ mới vỡ lẽ. Và chúng quyết định mang tặng bà một món quà bất ngờ. Chiếc đòn gánh lại xuất hiện nguyên vẹn trước mắt bà Ban. Hóa ra, hai chú nhóc lại giấu bà lấy đòn gánh chơi. Thấy bà về, lại đi ngay xuống bếp nên cuống quá đành giấu đi. Nhờ thế mà kỷ vật quý mới được bảo toàn.
Nét hồn nhiên của trẻ nhỏ vùng cao được tác giả miêu tả rất chân thực. |
Cái đôn hậu, chân chất, thật thà của những con người, đặc biệt là trẻ nhỏ miền núi đã khiến tác giả cảm động và viết nên tác phẩm. Đọc Đồng bạc trắng của bà, độc giả nhí không những học được bao điều hay mà còn có cơ hội thưởng ngoạn thiên nhiên tây bắc hùng vĩ và nên thơ.