Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí quyết hoạt động hiệu quả của Hội Xuất bản Việt Nam

Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, Trưởng đại diện văn phòng phía Nam chia sẻ với Zing.vn những trăn trở về việc thúc đẩy hoạt động và phát triển của ngành xuất bản.

Hơn 20 năm gắn bó với ngành xuất bản, với nhiều kinh nghiệm và tâm huyết với ngành, ông Lê Hoàng đã dẫn dắt văn phòng Hội xuất bản Việt Nam tại TP HCM ghi dấu ấn trong ngành xuất bản.

Bi quyet suc manh cua Hoi xuat ban anh 1
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam. Ảnh: Bá Ngọc

- Sau hơn một năm thành lập, Văn phòng Hội xuất bản ở phía Nam đã làm được và chưa được những gì thưa ông?

- Muốn nhìn nhận lại những việc làm được và chưa làm được của Văn phòng hội trong hơn 1 năm qua, thì trước hết phải thấy Hội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, bên cạnh việc là đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của hội viên thì còn có nhiệm vụ góp phần phát triển hoạt động của ngành xuất bản.

Cụ thể là Hội phải làm tốt ít nhất là ba việc sau: một là góp phần cho tiến bộ nghề nghiệp của đội ngũ làm xuất bản, hai là vai trò phản biện xã hội, góp phần làm hoàn chỉnh hệ thống pháp qui (luật, nghị định, thông tư, các quy định...), ba là đóng góp cho ngành xuất bản phát triển.

Tuy nhiên, hơn một năm qua, Văn phòng đại diện phía Nam của Hội tại TP HCM chỉ mới bước đầu làm tương đối tốt một việc, đó là có những đóng góp cho sự phát triển của ngành xuất bản.

Thứ nhất, cùng Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tổ chức tọa đàm "Những quyển sách làm ô nhiểm môi trường giáo dục thanh thiếu niên" vào tháng 1/2015, tạo tiếng nói chung, phê phán các hiện tượng tiêu cực trong ngành xuất bản, tìm hướng đi lành mạnh cho xuất bản phẩm phục vụ sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Cuộc tọa đàm đã tạo ra hiệu ứng xã hội khá tốt.

Thứ 2, tham vấn nội dung và tham gia Ban tổ chức giúp cho thành phố Cần Thơ tổ chức Hội sách Cần Thơ tháng 3/2015. Hội sách dù tổ chức lần đầu tiên 40 năm sau ngày Giải phóng miền Nam 1975 nhưng đông đảo các NXB, công ty sách tham gia và công chúng tham dự, đã thành công ngoài mong đợi.

Sự kiện đáng chú ý thứ 3 là góp phần cho sự ra đời đường sách TP HCM vào tháng 1/2016. Nơi đây trở thành một con đường dành riêng cho Văn hoá đọc. Đường sách TP HCM sau gần 6 tháng hoạt động không chỉ đóng góp có hiệu quả cho việc phát triển ngành xuất bản mà còn là điểm đến thu hút đông đảo công chúng đến sinh hoạt. Nơi đây, thật sự là một điểm đến văn hóa lý tưởng của cư dân TP HCM. 

Về vai trò phản biện xã hội và đóng góp cho tiến bộ nghề nghiệp, Văn phòng Hội chưa làm được tốt. Cụ thể hơn trong hệ thống pháp lý xuất bản còn  có một số những điều quy định chưa hợp lý, làm kìm hãm sự phát triển của ngành hay những khó khăn của hội viên khi đối diện với tình trạng bị xâm hại bản quyền, in lậu sách... . Văn phòng Hội chưa tập hợp được ý kiến hội viên và phản ánh với các ngành liên quan. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ xuất bản cho Hội viên cũng chưa làm tốt. 

Tức nhiên đây còn là vấn đề chung của cả hệ thống Hội xuất bản Việt Nam, chứ không chỉ của Văn phòng Hội hay cá nhân tôi.

Bi quyet suc manh cua Hoi xuat ban anh 2
Ông Lê Hoàng hy vọng Hội xuất bản sẽ góp phần nhiều hơn vào sự phát triển của ngành. Ảnh: Bá Ngọc

- Còn hạn chế song so với nhân lực ít ỏi của Văn phòng Hội thì lại là làm được rất nhiều. Vì sao Văn phòng Hội có một mình ông và một thư ký giúp việc mà có thể làm được nhiều việc lớn như thế?

- Văn phòng hội có hai người và trụ sở thì đi ở nhờ. Kinh phí hoạt động mỗi tháng từ trợ cấp cho nhân viên, văn phòng chỉ 5 triệu đồng. Nhiều người cũng hỏi, tại sao tôi làm được nhiều việc như thế? Tất nhiên, nói một mình tôi mà tạo được là điều không tưởng nhưng tôi đã biết dựa vào sức mạnh của các thành viên BCH phía Nam và kết nối được các cơ quan, ban ngành để thực hiện nhiệm vụ, chức năng của hội. Đây là bài học về sự phát huy vai trò cán bộ hội và sức kết nối có hiệu quả sức mạnh của các lực lượng xã hội khác.

Trên cơ sở đề ra nội dung có tính định hướng thuyết phục cao của Hội, tôi đã tham mưu cho Thành Ủy, UBND TP HCM, TP Cần Thơ và dựa vào Sở Thông tin và truyền thông và các tỉnh để kết hợp và triển khai các hoạt động của Hội như đã nói ở trên.

Về phía nội bộ của Hội, tôi tranh thủ sự lãnh đạo của Chủ tịch và Thường vụ Hội xuất bản, các anh chị BCH của Hội tại TP HCM, tôi tập họp và phát huy được ban đầu những anh em làm sách nghiêm túc, có thực lực. Chính họ giúp tôi chỉ ra mấu chốt công tác Hội nằm ở chỗ nào và sẵn sàng hỗ trợ khi Hội có chương trình thực hiện.

Ngoài ra, tôi còn nhờ sự hỗ trợ nồng nhiệt của phóng viên các cơ quan báo đài. Đây là một trong những kênh hữu hiệu để thông tin hoạt động của Hội đến nhiều hơn với công chúng.

Dĩ nhiên, để thuyết phục được mọi người cùng hưởng ứng và hỗ trợ thì hội phải thực hiện tốt mục tiêu nhiệm vụ của mình. Mục tiêu chính là việc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của hội.

- Theo ông Hội xuất bản Việt Nam sẽ có những giải pháp gì để tạo thành chỗ dựa thật sự của các đơn vị xuất bản và làm tốt chức năng nhiệm vụ của Hội trong thời gian sắp tới?

- Từ thực tiển và bài học rút ra được từ hoạt động của Văn phòng Hội thời gian qua, tôi thấy Hội xuất bản Việt Nam trong thời gian tới cần tiếp tục đề ra những nhiệm vụ và nội dung hoạt động đúng chức năng và sát với đời sống của ngành xuất bản - làm cơ sở định hướng cho toàn bộ hoạt động của Hội.

Vào Đại hội Hội toàn quốc tháng 11/2016 sắp tới nên củng cố và mở rộng Ban chấp hành. BCH thật sự phải tập hợp được những người hoạt động trong ngành, đại diện những đơn vị xuất bản, phát hành có năng lực trong hoạt động và có khả năng đóng góp tốt nhất cho cho nội dung hoạt động của Hội. Tôi nghĩ không nên quá nặng về cơ cấu vùng miền, đơn vị mà quên đi chất lượng nguồn nhân sự có năng lực, tâm huyết. Nhiệm kỳ vừa qua, tôi thấy có những Uỷ viên BCH không nhiệt tình, cả năm họp không thấy mặt.

Hằng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm