Đây là một trong những quy định mới trong Nghị định 28/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ ngày 15/4. Nghị định này thay thế Nghị định 95/2013/NĐ-CP và 88/2015/NĐ-CP.
Theo đó, chủ nhà sẽ bị phạt cảnh cáo nếu không ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc, không trả tiền tàu xe, đi đường khi người giúp việc thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
Đặc biệt, chủ nhà sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng nếu giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình hay không chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định.
Mức phạt này cũng áp dụng với hành vi sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi theo quy định.
Nghị định 28/2020 nêu ra nhiều quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH có hiệu lực từ ngày 15/4. Ảnh: Getty. |
Bên cạnh các quy định trong quan hệ chủ nhà - người giúp việc, Nghị định mới cũng quy định mức phạt 2-5 triệu đồng khi người sử dụng lao động không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định hoặc không rút ngắn thời gian làm việc với người lao động trong năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Mức phạt sẽ lên đến 10-20 triệu đồng nếu người sử dụng lao động vi phạm quy định về nghỉ hàng tuần, năm hoặc nghỉ lễ, tết; 20-25 triệu đồng nếu huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của họ.