Ngọc Hoa (25 tuổi, TP.HCM) là chuyên viên thiết kế tại một công ty quảng cáo. Cô chia sẻ mì tôm là món ăn yêu thích của mình. Do tính chất công việc bận rộn và thói quen thức khuya, Hoa thường pha mì tôm chống đói để làm việc khuya. “Mặc dù tiện và ngon, mình vẫn khá sợ ăn nhiều mì tôm sẽ nổi mụn vì nghe nói mì tôm làm nóng trong”.
Mì ăn liền có gây nổi mụn?
Ngọc Hoa không phải là người duy nhất sợ nổi mụn, nóng trong vì ăn mì tôm. Cùng chung nỗi lo này là Thuỳ Linh, sinh viên một trường đại học tại TP.HCM. Linh cho biết trước đây cô là tín đồ của mì gói, nhưng thường xuyên nghe bạn bè nói ăn mì nổi mụn nên bắt đầu e dè.
Nhiều người e ngại ăn mì tôm sẽ gây nổi mụn. |
Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết mì ăn liền không phải là tác nhân gây nổi mụn như chúng ta thường nghĩ.
Theo ông, bản chất của cơ chế mọc mụn là kết quả của nhiều nguyên nhân như vệ sinh da kém (da tiết dầu nhiều, khói bụi trong không khí, mồ hôi bám vào da); thay đổi nội tiết (giai đoạn dậy thì, phụ nữ mang thai, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt); các yếu tố bệnh lý như nhiễm trùng, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp; hay sử dụng các loại thuốc như chống dị ứng, kháng sinh, giảm đau.
Bên cạnh đó, việc mất cân bằng chế độ ăn uống, lạm dụng các thực phẩm cay nóng, tinh bột, thiếu chất xơ đều có thể dẫn đến các biểu hiện nóng trong.
Thành phần của một gói mì ăn liền thông dụng (75 gram) chủ yếu chứa chất bột đường (40-50 gram); 10-13 gram chất béo và khoảng 6,8 gram đạm. Mỗi gói mì có thể cung cấp cho cơ thể 300-350 calo (tương đương 15-17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày ở người trưởng thành). Do đó, không có thành phần nào của mì ăn liền là thủ phạm gây nóng cho cơ thể.
Tại sao có người nổi mụn sau khi ăn mì?
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, việc nổi mụn sau khi ăn mì tôm là do thói quen ăn mì đi kèm chế độ sinh hoạt không hợp lý, thức khuya, sử dụng nước có gas hay thức uống có cồn. Những yếu tố không tốt tụ hợp cùng thời điểm sẽ gây rối loạn chuyển hoá, dẫn đến thay đổi về hormone mà biểu hiện cụ thể là nổi mụn.
Bên cạnh đó, học sinh - sinh viên, những người thường xuyên ăn mì tôm, là lứa tuổi còn bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi hormone trong giai đoạn dậy thì. Sự thay đổi này dẫn khiến các tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, kết hợp thời tiết ô nhiễm khói bụi, nóng bức, áp lực học tập, thói quen sinh hoạt không lành mạnh và thức khuya sẽ làm tăng nguy cơ hình thành mụn.
Có thể nói, mì tôm không phải lý do gây mụn chính như nhiều người vẫn nghĩ. Để tìm hiểu nguồn gốc của mụn, cần xét đến nhiều yếu tố liên quan tới lối sống, dinh dưỡng, sức khỏe…
Mì gói kết hợp cùng các nguyên liệu rau, thịt… khác sẽ là bữa ăn giàu dinh dưỡng. |
Cách hạn chế nỗi lo nổi mụn khi ăn mì tôm
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, không có thực phẩm riêng lẻ nào hoàn hảo về mặt dinh dưỡng, đồng thời cũng không có thực phẩm nào là nguyên nhân gây nóng. Thay vì lo lắng món nào gây nóng trong, chúng ta nên thực hiện chế độ ăn uống và vận động hợp lý. Nếu cơ thể rơi vào tình trạng nóng trong sau khi xem xét tất cả lý do, chúng ta cần tới gặp bác sĩ để tham vấn chứ không nên tự ý bắt bệnh, kê đơn.
BS Trương Hồng Sơn cũng cho biết thêm chìa khóa để có cuộc sống khỏe mạnh, tránh các triệu chứng nóng trong là chế độ ăn đa dạng, cân bằng dinh dưỡng. Để đạt được điều này, chúng ta cần tuân thủ một số nguyên tắc như ăn đa dạng thực phẩm; đảm bảo ăn đủ thực phẩm tại 4 nhóm bột đường (carbohydrate) - đạm (protein) - béo (lipid) - vitamin và khoáng chất; tăng cường rau xanh, trái cây tươi và uống nhiều nước. Một người trung bình cần cung cấp cung cấp 40 ml cho mỗi kg cân nặng mỗi ngày. Đồng thời, chúng ta nên duy trì vận động 30-40 phút/ngày để cơ thể được thư giãn, tăng cường trao đổi chất.
Ngoài ra, bạn nên kết hợp cùng các nhóm thực phẩm khác như rau xanh, thịt, trứng, hải sản... để cân bằng dinh dưỡng, không lo bị nổi mụn khi thưởng thức món mì ăn liền.
Bình luận