Người mẹ trẻ Arifa Bibi đã bị chú ruột, họ hàng và nhiều người khác ném gạch đá, rồi được chôn cất tại một hoang mạc cách xa ngôi làng cô ở.
Hành quyết man rợ bằng cách ném đá. |
Arifa Bibi không phải là nạn nhân duy nhất bị hành hình theo cách rùng rợn này, nhưng có lẽ là người đầu tiên bị tội chết vì dùng điện thoại di động.
Ném đá đến chết là hình phạt được pháp luật công nhận hoặc theo luật Hồi giáo Sharia dành cho những người bị kết tội gian dâm, hiện vẫn được thực hiện ở ít nhất 15 nước/khu vực và đang có chiều hướng tăng lên, đặc biệt ở Pakistan, Afghanistan và Iran.
Thậm chí, những phụ nữ khai báo mình bị hãm hiếp cũng có thể bị xem là thừa nhận tội có quan hệ bất chính và bị kết án.
Trường hợp điển hình là cô bé người Somalia 13 tuổi Aisha Ibrahim Duhulow, đã bị 50 người đàn ông ném đá ở sân vận động ở Kismayu năm 2008, trước sự chứng kiến của khoảng 1.000 người.
Cha của Aisha nói rằng cô bé bị 3 người đàn ông cưỡng hiếp, nhưng lại bị buộc tội thông dâm khi báo lại vụ việc với lực lượng nổi dậy al-Shabaab đang nắm quyền kiểm soát thành phố.
Iran là nơi áp dụng hình phạt dã man này nhiều nhất. Theo các nhóm hoạt động nhân quyền, ít nhất 70 người đã bị hành hình bằng ném đá ở Iran từ những năm 1980 đến nay.
Theo một luật sư, việc thi hành án được tiến hành bí mật ở trong tù, hoang mạc hoặc vào lúc tờ mờ sáng ở các nghĩa địa.
Luật Hồi giáo quy định rất khắt khe về việc kết tội gian dâm, bị ném đá tới chết. Theo đó, phải có 4 nhân chứng đàn ông tuyên thệ đã tận mắt nhìn thấy hành động gian dâm và lời khai phải khớp nhau.
Nhưng theo các nhà hoạt động nhân quyền, các phiên tòa thường không công bằng. Sự phán quyết nhiều khi chỉ dựa trên lời thú tội do bị ép buộc của chính nạn nhân, thậm chí dựa trên cảm tính của người xét xử hơn là bằng chứng.
Nhiều người đã lên án hình phạt này là quá dã man, tàn ác. Nhưng theo một số nghiên cứu, một nửa những người Ai Cập và Pakistan được hỏi đã đồng ý áp dụng hình phạt này đối với tội ngoại tình. Số người Hồi giáo ủng hộ còn cao hơn, khoảng 8 trong số 10 người được hỏi chấp nhận hình phạt này. Một khảo sát của Viện Nghiên cứu Indonesia cho thấy, 43% người dân nước này ủng hộ hình phạt ném đá.
Hình phạt tàn khốc này từng được thay thế bằng án tử hình hoặc đánh bằng roi trong những năm qua; tuy nhiên hồi tháng 6 năm nay, Iran lại lên kế hoạch đưa hình phạt ném đá đến chết với người phạm tội ngoại tình vào dự thảo luật hình sự sửa đổi.