Là nhân viên có hơn 5 năm trong nghề, từng làm ở các đơn vị khác nhau, từ ngân hàng thương mại top 4, ngân hàng nước ngoài, Lâm hiện là trưởng nhóm khách hàng VIP của một nhà băng nhỏ tại Việt Nam. Nhận lương khoảng 16 triệu đồng mỗi tháng, thêm phụ cấp xăng xe, điện thoại và thưởng hiệu suất công việc, trong một tháng, thu nhập của anh khoảng 32 triệu đồng.
Nhóm Lâm gồm 12 thành viên. Mỗi ngày, với trách nhiệm trưởng nhóm, anh phải nghiên cứu gói dịch vụ, hỗ trợ nhân viên hoàn thành chỉ tiêu, tìm kiếm cho chính mình những khách hàng mới. Ngày làm việc kéo dài từ 8h sáng đến khi công việc "hòm hòm", Lâm bảo lương không thấp, nhưng cũng chẳng cao so với áp lực và thời gian phải bỏ ra.
"12 tiếng một ngày vào thời kỳ cao điểm như cuối năm, hay sau mùa Vu lan, rất ít khi về nhà trước 18h. Trưa, tối tranh thủ gặp khách hàng, đôi khi là tiếp chuyện cả bạn bè của khách hàng. Lương hiệu suất chỉ được trả khi đạt yêu cầu về huy động hoặc đạt chỉ tiêu 50% nhân viên hoàn thành công việc. Nếu không, quản lý cũng không được gì", Lâm cười khi chia sẻ về một phần công việc của mình.
Theo thông kê của Jobstreet, lương quản lý ngân hàng tại Việt Nam dao động khoảng 12,8-24,3 triệu đồng một tháng. Ảnh: Anh Tuấn. |
So với thời điểm còn làm trong chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Lâm cho hay chênh lệch lương là rất lớn, nhưng áp lực cũng giảm đi đáng kể.
"Một quản lý cấp trung của ngân hàng lớn có thể phải đảm đương khối lượng công việc, khách hàng tương đương với giám đốc khối của một ngân hàng nhỏ. Chỉ tính riêng lương cứng, giám đốc khách hàng cá nhân của ngân hàng nước ngoài - vị trí tương đương với chức trưởng phòng của nhà băng Việt Nam - thường được trả lương từ 1.200 USD đến 2.000 USD mỗi tháng. Mức này có thể tương đương với giám đốc vùng của một ngân hàng cổ phần tầm trung", anh chia sẻ.
Ngoài chênh lệch giữa các ngân hàng, ngành này cũng phân cấp mạnh mẽ với nhân sự tại các phòng ban khác nhau. Các vị trí được trả lương cao nhất nằm ở mảng kinh doanh như khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp lớn hoặc quản lý rủi ro tín dụng và đầu tư. Các mảng như đào đạo, tiền tệ kho quỹ... sẽ được trả thấp hơn.
Một cựu nhân viên của ngân hàng có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, không có mức áp lương cố định cho cùng một cấp quản lý, mà phụ thuộc vào mức độ ưu tiên cho từng mảng hoạt động của ngân hàng.
"Ví dụ, trong thời điểm cần tăng dư nợ tín dụng thì vị trí của một quản lý nhhân viên phòng tín dụng có thể tương đương với mức trưởng phòng khác. Ngoài ra, trả lương cứng như thế nào cũng tùy vào thỏa thuận giữa người lao động trong hợp đồng ban đầu với ngân hàng, tức là ai có khả năng đàm phán lương tốt hơn thì sẽ được nhận nhiều hơn".
Theo chị Thu Hằng, quản lý nhân sự tại một ngân hàng có vốn điều lệ hơn 6.000 tỷ đồng, những vị trí quản lý tại hệ thống ngân hàng thường được chuyển giao cho người trong ngành. "Trừ khi trở thành cổ đông, còn lại, những nhóm quản lý từ cấp trung trở lên sẽ là những cái tên quen thuộc. Không có nhiều lựa chọn cho đội ngũ nhân sự nếu muốn tìm kiếm một ứng viên vào vị trí giám đốc chi nhánh hoặc giám đốc khối. Sự lựa chọn bao giờ cũng rất ít ỏi".
Phỏng vấn ngắn trưởng nhóm khách hàng cá nhân của một ngân hàng:
- Bạn được trả lương bao nhiêu?
- Khoảng 18 triệu đồng một tháng. Phụ cấp xăng xe, điện thoại là 2 triệu đồng. Ngoài ra còn lương theo hiệu quả công việc, tính toán dựa vào tỷ lệ hoàn thành công việc của nhân viên cấp dưới với mức trần là 15 triệu đồng mỗi tháng. Nếu vượt mức thì sẽ có cơ chế thưởng thêm khác.
- Công việc của bạn bắt đầu từ mấy giờ và kết thúc khi nào?
- Thông thường ngày làm việc bắt đầu từ 8h, nhưng hầu như không thể xác định thời gian kết thúc. Ngân hàng thường chia 2 mùa hoạt động, giữa các mùa này sẽ có thời gian thấp điểm. Nếu vào đợt thấp điểm, công việc có thể kết thúc lúc 5h30 chiều. Còn nếu vào thời gian báo cáo, thời kỳ giao dịch cao điểm thì có thể phải kéo dài đến 21h.
- Sự khác biệt về thu nhập khi làm việc tại một ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài như thế nào?
- Sếp ngân hàng nhỏ có thể được trả cao hơn so với nhà băng lớn, nhưng vị trí nhân viên thì ngược lại. Ngân hàng nước ngoài chênh lệch còn cao hơn nữa, do họ phân ít cấp bậc hơn.
- Điều gì là vui nhất và tệ nhất trong một ngày làm việc?
- Vui nhất là khi hoàn thành công việc của mình và của nhân viên; tệ nhất là khi nhận được cuộc gọi phàn nàn của khách mà chưa thể xử lý ngay được.
Kỳ 3: Nỗi khổ sếp VIP ngân hàng nhận lương trăm triệu