Từ việc dừng tàu chính xác tới từng ly, bàn xem bên nào sẽ làm thẻ ra vào đến đảo vị trí ngồi của lãnh đạo, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 27-28/2 vừa qua ở Hà Nội được tiến hành từ vô số chi tiết tuy nhỏ nhưng đòi hỏi sự bàn bạc, phối hợp tỉ mỉ giữa 2 bên Mỹ, Triều cũng như chủ nhà Việt Nam.
Trước khi ông Trump và ông Kim có cái bắt tay lịch sử, vô số chi tiết nhỏ đã được bàn bạc, thống nhất tỉ mỉ giữa 2 bên Mỹ, Triều. Ảnh: Reuters. |
Nan giải việc chọn địa điểm
"Trong các hội nghị khác, ta là người quyết định địa điểm tổ chức. Thượng đỉnh lần này, chúng ta chỉ đề nghị những gì chúng ta có, các nước bạn sẽ quyết định địa điểm", cục trưởng cục Lễ tân Nhà nước, Bộ Ngoại giao Mai Phước Dũng nói trong cuộc trao đổi với Zing.vn.
Địa điểm ban đầu được nhắc tới nhiều nhất là Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nơi tổ chức các sự kiện lớn ở thủ đô. Tuy nhiên, hãng tin Yonhap ngày 20/2 dẫn nguồn tin nói đoàn Triều Tiên cho rằng nơi này quá rộng và “sẽ làm phức tạp” các biện pháp an ninh.
Đoàn xe của lãnh đạo Kim Jong Un trên đường Lý Thường Kiệt chuẩn bị về tới khách sạn Melia ngày 26/2. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Sau này qua tìm hiểu, ông Dũng được biết đoàn Triều Tiên muốn tìm địa điểm có tính biểu tượng, “nhìn thấy đã biết ngay đang ở Hà Nội”.
Việt Nam đề nghị cho phía bạn 3 địa điểm khác, bao gồm Nhà khách Chính phủ (12 Ngô Quyền), Trung tâm Hội nghị Quốc tế (đường Lê Hồng Phong), và Nhà hát Lớn. "Trong đầu chúng tôi chưa hề nghĩ đến Metropole", ông Dũng chia sẻ.
Phía Mỹ thích Nhà khách Chính phủ vì có kiến trúc đẹp, ý nghĩa lịch sử, và đầy đủ các phòng chức năng, nhưng phía Triều Tiên lại không đồng ý. "Họ không nói lý do, mà chỉ không muốn chọn địa điểm này", ông Dũng nói.
Nhà hát Lớn cũng có lợi thế là kiến trúc đẹp và mang tính biểu tượng của Hà Nội, nhưng có nhược điểm là thiếu phòng họp, cần sửa sang nhiều về kỹ thuật, đồng thời bất lợi về mặt an ninh do ở giữa nhiều nhà cao tầng, theo ông Dũng.
"Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều cần ít nhất 6 phòng, vì format bao gồm ăn tối, họp một - một, họp mở rộng, hôm sau ăn trưa, ký kết và họp báo", ông Dũng nói. (Lịch trình này giống hội nghị thượng đỉnh thứ nhất ở Singapore.)
Cuối cùng, khách sạn Metropole được 2 đoàn Mỹ, Triều chọn làm nơi tổ chức hội nghị - điều mà vị cục trưởng từng 29 năm trong nghề lễ tân cũng đoán được, vì đây là một trong những nơi các đoàn đã đến tiền trạm. Mặc dù hứa sẽ thông báo trước 48 tiếng để Việt Nam chuẩn bị an ninh, hậu cần, họ chỉ thông báo chính thức vào đêm 26/2.
Rất đông người dân và du khách tại Hà Nội đã đứng đợi ngoài khách sạn Metropole tối 27/2 để đón đoàn xe của tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nghi lễ phải tuyệt đối bình đẳng
Các đoàn tiền trạm của Mỹ và Triều Tiên đến Hà Nội sớm hơn một tuần để đàm phán về nội dung và lễ tân cho hội nghị thượng đỉnh.
Vì đoàn tiền trạm của Mỹ khảo sát liên tục, những bạn trẻ làm việc trong cục Lễ tân đã phải làm việc từ sáng tới tối, "luôn luôn căng mình", nhưng vẫn "cực kỳ thích và háo hức", theo cục trưởng Dũng.
Bên trong hội nghị tại khách sạn Metropole, mọi kịch bản, nội dung, việc đi đường nào, thực đơn ăn trưa, ăn tối, việc sắp xếp, bài trí, ra vào, đều chỉ do 2 đoàn Mỹ - Triều quyết định, phía Việt Nam không hề phụ trách.
"Đây là sự kiện của họ. Chúng ta chỉ cho mượn địa điểm, tạo điều kiện bên ngoài thuận lợi, đẹp nhất, còn bên trong là do họ quyết định", ông Dũng nói.
Mọi đường đi nước bước của lãnh đạo Mỹ, Triều, như hướng đi đến bắt tay, vị trí ngồi họp hay ngồi ăn tối ở bên nào đều được thỏa thuận kỹ lưỡng, “không phải ngẫu nhiên”.
Mọi đường đi nước bước của lãnh đạo Mỹ, Triều đều được thỏa thuận kỹ lưỡng, “không phải ngẫu nhiên”, theo cục trưởng cục Lễ tân Nhà nước Mai Phước Dũng. Ảnh: Pool. |
Theo ông, đoàn Triều Tiên quan tâm nhất là đảm bảo 2 bên Mỹ, Triều được ngang bằng, bình đẳng và thứ 2 là đảm bảo an ninh cho lãnh đạo.
"Đoàn Triều Tiên nhắc rất nhiều lần về việc tất cả phải ngang nhau, không có nước bé, nước lớn", ông Dũng nói.
Chẳng hạn thẻ ra vào khu vực hội nghị, lúc đầu phía Mỹ định làm, nhưng Triều Tiên không đồng ý và yêu cầu Việt Nam làm, sao cho có cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Triều Tiên.
Để 2 bên cảm thấy bình đẳng, Việt Nam cho đoàn xe motor hộ tống đi theo Tổng thống Trump, mặc dù nghi lễ này chỉ dành cho lãnh đạo thăm chính thức Việt Nam, theo ông Dũng. Vừa qua, chỉ có lãnh đạo Kim Jong Un thăm chính thức Việt Nam.
Trong 2 lần tới khách sạn Metropole ngày 27 và 28/2, đoàn xe của ông Trump đều đến trước đoàn xe của ông Kim vài phút. Theo nguyên tắc ngoại giao, người nào đến sau được coi là ở vị thế cao hơn.
"Nếu theo nguyên tắc bình đẳng, mỗi ông nên đến trước một lần. Đến sớm cả 2 lần có nghĩa phía Mỹ đã khá nhường nhịn ", ông Dũng nói, và cho biết thêm các đoàn đến trước giờ họp để có thời gian bàn lại chi tiết kịch bản một lần nữa, vì sau đó lãnh đạo sẽ xuất hiện trước truyền hình trực tiếp.
Nhìn từ phía người xem, tối ngày 27/2, ông Trump đã bước từ bên trái, còn ông Kim từ bên phải, để có cú bắt tay lịch sử trước lá cờ Mỹ, Triều Tiên. Ngay sau đó, khi ngồi vào bàn ăn tối, ông Kim lại ngồi bên trái. Ngày 28/2, trong phòng họp, đến lượt phái đoàn ông Trump ngồi bên trái.
“Trong lễ tân, nhìn từ dưới lên, người ngồi bên tay phải luôn là chủ", ông Dũng nói. "Tôi nghĩ có thể họ đã thỏa thuận với nhau, đảo vị trí vốn có ý nghĩa chủ với khách, như vậy tạo sự cân bằng", ông Dũng nói.
Ông Trump và ông Kim bắt tay tối 27/2, chính thức bắt đầu hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội. Ảnh: Pool. |
2 lãnh đạo dùng bữa tối ngày 27/2. Ảnh: Reuters. |
Bí mật tuyệt đối ở Đồng Đăng
Ngày 16/2, phía Việt Nam được thông báo về kế hoạch đi tàu tới dự hội nghị của lãnh đạo Kim Jong Un. Ga Đồng Đăng, nơi chưa bao giờ đón nguyên thủ nước ngoài, phải chỉnh trang và đặc biệt phải làm bục trải thảm đỏ để ông Kim bước ra, và để 2 xe limousine của ông lăn bánh đi xuống. Bục cao 1,3 m, dài 8 m và rộng 20 m, bằng thép, phải chịu được trọng tải 6 tấn, do Triều Tiên thiết kế, Việt Nam thi công.
“Nghi lễ đón tiếp bắt buộc là phải có thảm đỏ từ nơi nguyên thủ bước ra cho đến khi vào xe”, ông Dũng cho biết.
Việt Nam cũng đề nghị dùng thảm đỏ để đón Tổng thống Trump vì đó là nghi lễ quốc gia, dù phía Mỹ không thích thảm đỏ vì rủi ro an ninh. Khi đáp xuống sân bay Nội Bài tối ngày 26/2, “Tổng thống Trump đã bước xuống bằng xe thang của Mỹ không có thảm đỏ. Nhưng khi bước xuống chân cầu thang để đi ra xe, ông vẫn đi thảm đỏ của Việt Nam”, ông Dũng cho biết.
"Nghề lễ tân đòi hỏi kiến thức về nghi lễ, văn hóa, chính trị, kèm theo lòng yêu nghề và sức khỏe", Cục trưởng cục Lễ tân Nhà nước Mai Phước Dũng nói. Ảnh: Trọng Thuấn. |
Trong những ngày chuẩn bị, thách thức lớn nhất là phải giữ bí mật tuyệt đối việc chuẩn bị ở ga Đồng Đăng. Ông Dũng “sợ nhất đoàn nước bạn thấy nhiều thông tin, lo ngại, và thay đổi phương án, bao nhiêu công lao chúng ta chuẩn bị sẽ lãng phí”. Vì vậy, đến chiều ngày 25, phía Việt Nam mới có thể bắt đầu trang trí tại đây, chuẩn bị đón ông Kim.
Về mặt kỹ thuật, “tàu chở ông Kim phải dừng sao cho cửa tàu mở ra chính xác từng ly để 2 xe đi xuống, vì bục đặt cố định, không thể di chuyển”, cục trưởng cục Lễ tân cho biết. Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa cán bộ đường sắt Việt Nam, Triều Tiên và Trung Quốc. Đoàn tàu vào bến có trưởng lái người Trung Quốc và phụ lái người Việt Nam.
Khoảnh khắc ông Kim Jong Un bước ra khỏi đoàn tàu bọc thép, đặt chân tới ga Đồng Đăng (Lạng Sơn). Ảnh: Hải Hà |
Triều Tiên đặc biệt chú trọng an ninh
Theo chia sẻ của ông Dũng, đoàn Triều Tiên đặc biệt chú trọng việc bảo đảm an ninh. Cũng như ở Singapore, họ bao trọn 5 tầng khách sạn Melia từ tầng 17. Các nhân viên khách sạn Melia không được lên đó.
“Họ tự quản lý hoạt động của đoàn mình, đưa đầu bếp sang nấu ăn cho ông Kim. An ninh Triều Tiên chốt ở cửa ra vào, thang máy, nóc nhà 24/24”, ông Dũng, người từng có 2 nhiệm kỳ trong đoàn ngoại giao ở Italy và Australia nói.
Các vệ sĩ bảo vệ chiếc xe của Chủ tịch Triều Tiên. Ảnh: Việt Hùng |
Thành phố Hà Nội đã tổ chức họp và nhờ vậy một số khách sạn khác đã nhận một số khách từ Melia trong những ngày này như một cách giúp đỡ. “Melia đã rất cố gắng, phải hủy mấy hoạt động, đóng cửa một quầy bar theo yêu cầu của phía Triều Tiên”, ông Dũng cho biết.
Khi được hỏi đâu có thể là lý do ông Kim không đi dạo phố Hà Nội giống như ở Singapore, ông Dũng nói có thể cuộc gặp năm ngoái mang tính biểu tượng nhiều hơn, còn đàm phán lần này đi vào cụ thể và “cân não” hơn, và ông Kim có lẽ đã tập trung vào công việc.
Vì phía Việt Nam không lo hậu cần, lễ tân bên trong hội nghị, việc Tổng thống Trump về nước sớm không khiến phía Việt Nam bị động. Theo ông Dũng, phía Việt Nam luôn sẵn sàng các tình huống “dù ông Trump có rời Việt Nam sớm hơn hay muộn hơn kế hoạch”, chỉ cần được báo trước 3 tiếng.
Một kỷ niệm vui đối với ông Mai Phước Dũng là trực tiếp chứng kiến giây phút ông Kim Jong Un thích thú chơi thử 2 nhạc cụ dân tộc của Việt Nam là đàn bầu và đàn k'long put, tại tiệc chiêu đãi lãnh đạo Triều Tiên tối 1/3.
"Ông gảy thử, sau đó ông cười và bảo khó quá", ông Dũng cười nói. "Đó là giây phút hết sức hồn nhiên và tình cảm. Ông đề nghị nếu được hãy cho đoàn sang Triều Tiên biểu diễn".
Chủ tịch Kim Jong Un thích thú thử chơi đàn bầu của Việt Nam. Ảnh: VNA. |