Khi chiếc xe mang biển số xanh đỗ lại tại Nhà khách Chính phủ rồi đi ra lần cuối trong ngày, Lê Trung Tuấn đợi một dòng tin nhắn rồi mới đi ra ăn tối. Tuấn nói nếu có uống rượu, anh cũng chỉ uống một chút để về nhà đi ngủ lúc 10h. 6h sáng hôm sau, Tuấn lại ra đứng chờ trước nhà khách đó.
Tuấn là một trong nhiều người ngồi trên yên xe để túc trực phía trước nhà khách nơi có phái đoàn Triều Tiên đang ở. Mỗi quan chức Triều Tiên đến Hà Nội để tiền trạm cho hội nghị Mỹ - Triều, phụ trách từ lễ tân, an ninh hoặc chương trình nghị sự, sẽ có một tá người túc trực ở bên ngoài nhà khách để chờ đợi từng đường đi nước bước của họ. Một chiếc xe rời khỏi nhà khách chính phủ thường có khoảng một chục xe máy chạy bám theo.
Quang cảnh tương tự cũng diễn ra ở một vài khách sạn được coi là "điểm nóng" ở thành phố Hà Nội những ngày này như JW Marriott, Metropole, Hôtel du Park Hanoi... hay có lúc là Đại sứ quán Triều Tiên.
Các lái xe chờ bên hông nhà khách chính phủ tại đường Lê Thạch. Ảnh: Đức Anh. |
"Mình đi hết khách sạn 5 sao của thành phố"
Nhiệm vụ của Tuấn (35 tuổi, nhà ở quận Cầu Giấy) là đi theo "cái ông đeo kính", tức Kim Hyok Chol, đặc phái viên Triều Tiên đàm phán chương trình nghị sự cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Trừ một chút thay đổi hôm 24/2, mỗi ngày kể từ khi sang Việt Nam, ông Kim sẽ rời nhà khách sau khoảng 8-10h và đi gặp người đồng cấp Mỹ Stephen Biegun. Ông chỉ trở về vào lúc 19h30 hoặc muộn hơn.
Chỉ khi chiếc xe chở ông Kim rời khỏi nhà khách sau đó, Tuấn mới biết rằng ngày làm việc của anh và các đồng nghiệp đã kết thúc.
Mỗi ngày Tuấn được trả 1,1 triệu đồng, phóng viên Hàn Quốc thuê Tuấn là một người quen lâu năm. "Tôi không dám ăn phở", Tuấn nói. "Toàn là ăn bánh mì thôi, đến thời gian cắt tóc còn không có nữa là".
Nhưng ngay cả như vậy, đôi khi Tuấn vẫn định vị sai ông Kim, vì lớp kính đen của những chiếc xe và vì ông Kim không chỉ đi trên một chiếc xe.
"Nếu mất dấu chiếc xe thì làm sao?".
"Tôi gọi cho các đồng nghiệp để kiểm tra. Quan trọng là nhanh, chính xác, chúng tôi không cần độc quyền chuyện này. Chúng tôi có thể tương trợ nhau", Tuấn nói. "Có cả một group Zalo của các xe ôm để báo tin cho nhau mà".
Ở cách đó khoảng 2 km là khách sạn 5 sao, nơi đại diện Mỹ Stephen Biegun đã lưu lại và cũng là nơi ông Kim sẽ ghé qua mỗi ngày để đàm phán. Tương tự Kim, Biegun cũng có một đoàn phóng viên theo ông mọi lúc mọi nơi. Đại diện của Mỹ không kín đáo như ông Kim, ông Biegun đôi khi xuất hiện ở nhà hàng trong khách sạn và ngồi lại dưới ống kính của hàng chục phóng viên chĩa vào bữa ăn của ông.
"Hôm đầu tiên ông ấy đến đây, bọn mình đợi ở sân bay đến 22h thì về. Ông ấy không xuống, thế là bọn mình về, không ngờ ông ấy đến đâu đó ban đêm, thế là bọn tới lỡ mất, sáng hôm sau phải tìm ông ấy khắp nơi", một phiên dịch tiếng Nhật cho biết. Việc của anh ta là canh chừng đại diện Mỹ.
"Khắp nơi" của anh ở đây là những khách sạn 5 sao trong thành phố. "Mình qua Melia, nhưng không phải, Metropole cũng không phải, Hilton cũng không có ai... Mình đến đây cuối cùng, thấy các phóng viên đang đợi ở đây rồi", anh nói. "Mình phải qua cả Marriott, dù nó ở xa trung tâm thành phố. Mình biết không phải nơi đó rồi, nhưng bà người Nhật thuê mình thì không phải người địa phương, nên bà ấy cần mình chụp hình cả khuôn viên khách sạn để đảm bảo".
Giờ thì việc của anh ta là đứng lại khách sạn này, chờ đợi khi chiếc xe chở ông Biegun đi khỏi, hoặc đeo bám các phóng viên Hàn Quốc lên chụp lén ông ở nhà hàng, trong bãi đỗ xe.
"Mình không làm phóng viên đâu. Mình ngán cái cảnh ngồi đợi một ngày chỉ để quay một vài khoảnh khắc lắm, mà hôm nay là mới được một nửa thôi đấy, vẫn còn phải đi theo họ 6 ngày nữa", anh nói.
Một ngày của những người như anh Tuấn thời gian này phần lớn sẽ là việc chờ đợi và căng mắt dõi theo những chiếc xe rời khỏi các khách sạn. Ảnh: Đức Anh. |
Một tài xế xe ôm báo giá 1,5 triệu cho một ngày (12 giờ) giúp đỡ các phóng viên. "Vị chi là 100.000 đồng/giờ, cộng với tiền ăn uống. Tôi sẽ chờ ở đây cả ngày, hoặc chở chị đi đâu cũng được", anh ta nói.
Một tài xế khác hứa sẽ cung cấp cả ảnh bằng chứng và video bằng chứng trong trường hợp khách cần đảm bảo.
Giá của các phiên dịch sẽ cao hơn vì họ kiêm cả việc phiên dịch và lo nhiều việc lặt vặt khác cho các đoàn phóng viên.
Cánh tay nối dài của các phóng viên
Sung Dong Hoon, phóng viên ảnh của hãng tin News 1 (Hàn Quốc), là một trong những người ra hỏi giá của các xe ôm. Sung nói rằng anh muốn tìm một xe ôm có thể làm việc cùng mình từ đây đến hết 28/2 và được ra giá 70 USD (tương đương 1,6 triệu đồng).
"Anh ta không nói được tiếng Anh, tôi không thể giao tiếp, nên tôi không thuê được", Sung nói. "Tôi cần thông tin, tôi cần người có thể hỗ trợ mình vài ngày tới, ai đó tìm đường giúp, chở tôi đi khi tôi bám theo các đoàn xe, hoặc thông báo cho tôi một chiếc xe vừa khởi hành khỏi đâu đó, nhưng tôi không tìm ra ai phù hợp".
Một phóng viên tại một hãng tin lớn tại Hàn Quốc xác nhận rằng họ thường thuê xe ôm để đeo bám những chiếc xe rời khỏi vị trí túc trực của phóng viên, hoặc túc trực tại một nơi tự họ không đến được.
"Chúng tôi dựa vào vị trí họ báo về để đoán xem người trong chiếc xe đến gặp ai hoặc làm gì. Chúng tôi thường yêu cầu họ chụp ảnh, hoặc livestream về cho chúng tôi, nhưng đôi khi chúng tôi chẳng có gì ngoài một chút thông tin họ báo về", ông nói.
Ông Kim Hyok Chol trở về nhà vào tối 21/2. Ảnh: Đức Anh. |
Kim Hyok Chol, người mà Tuấn theo dõi, đã về nhà sớm vào hôm 24/2. Các phóng viên đoán già đoán non về kết quả cuộc gặp với ông Biegun, "liệu họ đã đàm phán xong rồi?", "hay cuộc đàm phán đã đổ vỡ rồi", "hoặc đơn giản ông ấy chỉ có việc phải ghé sang một chỗ khác thôi".
Tuấn không hỏi về các vấn đề nghiệp vụ hay chuyên môn của người mình làm việc cùng, anh chỉ xem đó là một ngày anh được về sớm, rồi sáng hôm sau anh lại ra đứng ở cửa hông nhà khách chính phủ, gần tượng đài Lý Thái Tổ.
Vẫn còn Sung Dong Hoon chưa tìm ra người chở anh đi.