Nhắc đến Georges Simenon nhiều độc giả nghĩ ngay đến một tác gia trinh thám nổi tiếng. Ông là người đã xây dựng lên nhân vật thanh tra Jules Maigret lừng danh.
Georges Simenon được mệnh danh là “cỗ máy sáng tạo” đáng gờm. Trong hơn 40 năm cầm bút, ông đã để lại khối lượng tác phẩm khổng lồ với khoảng 200 tiểu thuyết, 155 truyện ngắn cùng 25 tự truyện. Và gia tài của tiểu thuyết gia thiên tài này dĩ nhiên không chỉ có truyện trinh thám.
Bằng một cái nhìn đặc biệt, vừa thấu triệt nhưng cũng đầy hoài nghi, Georges Simenon viết về những điều bình dị trong cuộc sống như tình yêu và hôn nhân.
Hai con người xa lạ được gắn kết bởi hôn thú và đám cưới, liệu họ có hợp thành một như trong lời thề ước? Sâu trong cái vỏ bọc bình dị của một cuộc hôn nhân kiểu mẫu là những đợt sóng ngầm.
Tiểu thuyết Sự thật về Bébé Donge của Georges Simenon. |
Người chồng có thể tin tưởng vào vẻ bình thản, dịu dàng của người phụ nữ mà anh ta gọi là vợ hay không? Mốc thời gian 10 năm, 20 năm của hôn nhân không thể đảm bảo cho sự thấu hiểu.
Đó là một trò chơi mạo hiểm và kẻ khờ khạo có thể bị đánh lén bất cứ lúc nào. Hãy “chiêm ngưỡng” cuộc hôn nhân kiểu mẫu trong Sự thật về Bébé Donge để kiểm chứng.
Điều bất ngờ trong buổi sáng tầm thường
Tại trang viên Cây hạt dẻ vào một ngày tháng tám tẻ nhạt, đại gia đình Donge với gần chục con người đang chuẩn bị ăn sáng. Bébé quyết định làm một việc bất thường: cô bỏ thạch tín vào ly cà phê của chồng.
François đã bị vợ đầu độc. Nạn nhân được đưa tới bệnh viện còn hung thủ bình thản sắp xếp mọi thứ như thể cô đang chuẩn bị cho một chuyến đi xa đã được báo trước.
Bébé dặn cô hầu phòng sắp xếp váy áo cho những ngày sắp tới tại sở cảnh sát. Mang theo bao nhiêu bộ váy, bao nhiêu bộ đồ lót, tất cả đều được dự tính cẩn thận. Những lưu ý về việc chăm sóc cậu con trai ốm yếu đều đã được ghi lại một cách rành mạch và chi tiết.
Lúc nào thì cậu bé cần uống thuốc, cho nó mang đôi giày nào thì thích hợp, khi nào cần đổi món trong bữa sáng…và đặc biệt làm sao để tâm hồn non nớt không bị tổn thương khi có mẹ là một kẻ giết người.
Người phụ nữ đài các và xinh đẹp ấy bình thản đến sở cảnh sát. Cô trả lời thẳng thắn tất cả những câu hỏi mà viên thanh tra đưa ra. Không quanh co chối tội, Bébé Donge thú nhận mình đã đầu độc chồng.
Nhà văn Georges Simenon. |
Sau cơn mê man trong bệnh viện, François Donge cố gắng suy nghĩ để tìm lý do vì sao cô vợ xinh đẹp của anh lại quyết định đầu độc chồng trong một buổi sáng chẳng có gì đặc biệt.
Những người phụ nữ khác có thể giết chồng vì ghen tuông, nhưng Bébé thì không. Chắc chắn cô không hề ghen, dù cho François có rất nhiều mối quan hệ “ngoài luồng” trong suốt 10 năm qua. Bởi vì họ là một cặp vợ chồng đặc biệt.
Với François, Bébé không chỉ là một người vợ, cô còn là chiến hữu thân thiết của anh. Và người chồng khờ khạo ấy chia sẻ cho vợ chuyện ngoại tình, theo một cách tự nhiên như những người đàn ông kể chuyện phiếm với nhau sau khi uống vài ly rượu mạnh. Đây có vẻ là một câu chuyện lạ đời.
Bébé Donge biết chồng mình ngoại tình từ khi hai người mới kết hôn. Cô không khóc lóc hay làm ầm ĩ mọi chuyện, như cái cách mà những bà vợ vẫn làm. Cô chỉ yêu cầu người bạn đời kể hết về chuyện “ăn vụng” của anh ta.
François có thể phản bội vợ, nhưng anh ta không được giấu giếm những chuyện xấu xa ấy. Bởi thế, Bébé nắm được danh sách nhân tình mỗi ngày một dài thêm của chồng. “Quả bom nổ chậm” được hình thành từ đó.
Giới hạn của sự chịu đựng không phải là vô tận
Bébé có nghĩa là em bé theo tiếng Pháp. François quen gọi cô vợ xinh đẹp của mình bằng cái tên thân mật này. Anh ta thậm chí đã quên rằng vợ mình tên thật là Eugénie.
Hình ảnh người đàn bà nhu mì, sẵn sàng phục tùng, chỉ cần được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về tài chính đã hằn sâu trong tâm tưởng của François. Và anh ta nghĩ đó là con người thật của vợ mình.
Người chồng trăng hoa thản nhiên ngoại tình, thay bồ như thay áo. Hôn nhân của nhà Donge giống như một vở kịch mà người vợ đang cố gắng để diễn tròn vai, còn người chồng là một khán giả thờ ơ.
Sự chịu đựng không phải là vô tận. Ban đầu, Bébé nghĩ rằng nếu cô đóng vai một người vợ vị tha thì ông chồng trăng hoa sẽ sớm hối cải. Nhưng François lại cho rằng sự vị bao dung của người bạn đời là miếng bánh từ trên trời rơi xuống.
Đến một ngày, tất cả những hờn ghen làm Bébé như muốn nổ tung và cô trút bỏ chúng vào ly cà phê pha thạch tín. Cô đã do dự rất nhiều trước quyết định trước quyết định này. Nhiều người sẽ tự hỏi tại sao Bébé lại chọn buổi sáng hôm đó để đầu độc chồng.
Một buổi sáng quá đông đúc để làm việc xấu xa. Cô có thể chọn cho mình một thời điểm khác kia mà. Tất nhiên, Bébé hiểu điều đó và cô đâu có muốn giết François. Người vợ ấy chỉ muốn tìm cho mình một sự giải thoát.
Năm 1952, tiểu thuyết Sự thật về Bébé Donge đã được đạo diễn Henri Decoin chuyển thể thành phim với sự tham gia của hai diễn viên Jean Gabin và Danielle Darrieu. |
Hôn nhân, ngoại tình, sự phản bội và những đau khổ… tất cả đã được thể hiện bằng ngòi bút sắc sảo với phong thái kể chuyện trầm tư và lôi cuốn của Georges Simenon.
Sự thật về Bé bé Donge cho người đọc thấy góc khuất của hôn nhân. Sự ngộ nhận về đối phương, những bí mật không thể nói, những tâm sự không được tỏ bày… Tất cả, một ngày nào đó có thể biến thành vũ khí giết người, hoặc chí ít là bức tử đời sống vợ chồng.
Không chỉ xuất sắc trong việc xây dựng tình huống, Georges Simenon còn khiến độc giả và cả giới phê bình phải thán phục bởi nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật tài tình.
Với ông, tâm hồn con người giống như một cái giếng không đáy, chúng ta không thể biết điều gì được giấu ở tận cùng. Khám phá thế giới nội tâm của kẻ khác chính là cách người ta học làm thám tử.