Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thương lắm, mái nhà tranh nơi quê nghèo

Dù giàu sang hay bần hàn, chúng ta vẫn có một cuộc đời để sống, để hy vọng. Khốn khó khiến con người xích lại gần nhau hơn, cứ thế gieo bao tha thiết hết kiếp người.


Cuộc sống nghèo khó, lam lũ nơi làng quê dường như đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí của nhiều người. Bữa cơm không đủ no, tấm áo cộc xơ xác đầy mụn vá, mái tranh vừa mới mưa đã dột… những hình ảnh ấy thoáng chốc lại hiện lên trong ký ức.

Giờ đây, trong một đời sống đủ đầy, nhớ lại chuyện ngày xửa, ngày xưa nhiều người không khỏi xót xa, cay cay nơi sống mũi. Buồn và thương nhiều lắm!

Khi cái đói, cái nghèo đã trôi xa, ngồi ngẫm nghĩ ta mới ngộ ra rằng chúng đã dạy ta quá nhiều. Lớn lên trong nghèo đói người ta dễ dàng hy sinh và sống bình thản hơn. Những bài học đáng quý mà tác giả Phan Thúy Hà nhận được suốt thời niên thiếu được kể lại bằng một giọng dung dị và đầy cảm động trong tập tản văn Qua khỏi dốc là nhà. Tuổi thơ dường như còn đó với bao nỗi nhớ niềm thương. 

Thương nhất vẫn là kiếp đàn bà

Ngôi nhà tranh xơ xác nằm cuối con dốc dài dựng ngược. Ngày mưa, đường trơn, người đi không quen chắc thấy mệt hơn leo núi. Vậy mà ngày nào mẹ cũng phải băng qua con dốc ấy, gánh nước đổ đầy chum, vại cho cả nhà dùng. Sắp đến ngày sinh, bụng đã nhâm nhẩm đau, việc đầu tiên mẹ nhớ tới vẫn là… đi gánh nước.

Không chỉ là gánh nước, những người phụ nữ ở Xóm Trùa, Xóm Trại, Động Am còn phải gồng gánh cả giang san nhà chồng. Bao hoạn nạn, khó khăn đều phải lùi bước trước đôi vai nhỏ bé. Những người đàn ông ở vùng núi nghèo ấy lúc nông nhàn chẳng biết làm lại rủ nhau vào rừng lấy mật ong. Mật chưa vắt được mà người thì đã bị thổ phỉ bắt.

Qua khoi doc la nha anh 1
Tập tản văn Qua khỏi dốc là nhà của Phan Thúy Hà. 

Sau những hoảng loạn đến cùng cơn mưa nước mắt, người vợ lại phải chạy vạy khắp nơi lo tiền chuộc chồng về. Mấy chuyến đi rừng, tiền bán mật ong không đủ để chuộc người. Hết lên mạn ngược lấy mật, lại về xuôi buôn chè. Chè chưa bán được mà người thì đã nằm liệt giường vì ngã từ trên dốc xuống. Dẫu người trong làng có ra khỏi dốc thì cái nghèo vẫn quanh quẩn đâu đây.

Sinh ra là đàn bà đã khổ, sống trong cảnh nghèo khó, cái khổ sở còn nhân lên gấp bội. Mãi mới để dành được chút mỡ lợn, định bụng chiều nấu canh cà với rau khoai cho các con. Lóng ngóng thế nào mẹ làm đổ mất nồi canh. Có thế thôi mà làm người đàn bà tần tảo thẫn thờ như mất đi thứ gì quý giá. Cũng phải thôi, với mẹ còn gì quý hơn bữa ăn tươm tất hơn ngày thường với nụ cười của đàn con thơ.

Cơn hoạn nạn và những bài học nghĩa tình

Mùa hè là khoảng thời gian khắc nghiệt nhất ở miền Trung. Gió Lào khô khốc, hừng hực như thổi lửa cũng đủ khiến đôi gò má đỏ au như phải bỏng. Thế nên, mùa hè một cơn gió mang theo tàn lửa hay ai đó đoảng vị, nấu cơm xong không dội gáo nước vào bếp cho tàn lửa lụi hết cũng đủ… gây cháy nhà. Mái tranh, vách đất chẳng có gì đáng giá, nhưng đó là tất tài sản của những gia đình nghèo.

Sau mỗi cơn thịnh nộ của “bà hỏa” cả xóm lại cùng nhau dựng lại ngôi nhà mới. Nhà cháy thì chẻ nứa để đan phên dựng lại, mất nhà chưa phải là dấu chấm hết. Người ta chỉ mất tất cả khi không còn hy vọng. Và tình làng nghĩa xóm chính là ngọn lửa ấm áp thắp lên điều đáng quý trong cơn hoạn nạn.

Qua khoi doc la nha anh 2
Tuổi thơ nơi quê nghèo vẫn đầy ắp những niềm vui bình dị. Ảnh: Phunuphapluat.vn

Người mẹ nghèo, sau mỗi giờ lên lớp vẫn thức khuya dậy sớm chăm đàn lợn để nuôi con. Thế mà con lợn nái sắp đẻ lại bị xe cán chết. Bao nhiêu mong mỏi, ngóng chờ của mẹ cũng thế mà đi. Hàng xóm thương tình cho chú lợn con, mẹ lại tần tảo băm từng chút bèo, nấu từng nồi cám, chẳng mấy chốc là có đàn lợn mới.

Đọc Qua khỏi dốc là nhà, độc giả sẽ có cảm giác vừa xót xa, vừa đau đáu chạnh lòng, nhưng cũng đầy ấm áp và thật cảm động. Những mái nhà tranh sau con dốc dài hiện lên bình dị và đầy nhớ thương trong những trang viết của nhà văn Phan Thúy Hà. Hơn 200 trang sách, chị không hề nhắc tới nỗi buồn, nhưng chẳng hiểu sao, khi miên man trong những hồi ức của tác giả ta thấy buồn đến lạ.

Phan Thúy Hà là người kể chuyện có duyên và có tình. Việc của chị là kể, chỉ có kể mà thôi. Không nhận định hay phán xét, nhà văn để dành phần việc ấy cho người đọc. Nếu ai đã từng bùi ngùi và thấy rưng rưng khi đọc Đừng kể tên tôi của Phan Thúy Hà, chắc chắn các bạn sẽ không thất vọng khi cầm trên tay cuốn sách nhỏ này. Chỉ cần mở lòng, chúng ta sẽ xoa dịu được nỗi đau của người khác.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm