Trên những bờ biển phía tây Nhật Bản, thi thể và thuyền bè trôi dạt từ lâu đã không còn là cảnh tượng hiếm thấy. Trên những con tàu đánh cá, đôi khi người ta tìm thấy người sống sót, nhưng trong phần lớn trường hợp, chỉ có những thi thể đang bắt đầu phân hủy.
Những con thuyền dạt từ ngoài khơi đôi khi là bè gỗ sơ sài, có trường hợp lại là tàu đánh cá cỡ lớn. Nhưng dù là loại tàu gì, chúng đều giong buồm xuất phát từ một địa điểm: Triều Tiên.
Vài năm qua, cư dân các làng chài đánh cá phía Tây Nhật Bản đã không ít lần chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng với hàng chục xác chết nằm rải rác trên những bờ biển, bên cạnh xác những con thuyền mà nay được đặt biệt danh là "tàu ma".
"Tôi tưởng tượng thủy thủ đoàn đã chết với sự sợ hãi không thể hình dung được. Họ chỉ có thể nhìn từng người một ra đi trong sợ hãi và tuyệt vọng. Tôi thấy rất đáng tiếc cho họ", nhà sư tên Ryosen Kojima nói. Năm 2017, thi thể 8 ngư dân Triều Tiên bí ẩn trôi dạt vào đảo Oga nơi có ngôi đền nhà sư Kojima đang tu hành.
Truyền thông Nhật Bản bắt đầu đưa tin về những con tàu ma Triều Tiên từ năm 2013. Thời gian gần đây, số lượng tàu và thi thể trôi dạt vào bờ biển Nhật Bản lại đang có xu hướng tăng lên và ngày càng thường xuyên.
Ngư dân hay điệp viên?
Ông Kazuhiro Araki, người đứng đầu nhóm nghiên cứu các nạn nhân Nhật Bản bị bắt cóc, cho rằng những con tàu trôi dạt được Triều Tiên sử dụng cho hoạt động do thám.
"Nếu người Nhật Bản nhìn thấy một con tàu đắm, chúng ta nên nghĩ rằng nó được sử dụng bởi các điệp viên", ông Araki nói.
Trong thập niên 1970 và 1980, nhiều công dân Nhật Bản đã bị tình báo Triều Tiên bắt cóc. Một số thành viên trong tổ chức của Araki cho rằng Bình Nhưỡng đứng sau âm mưu nhằm tái lập chương trình bắt cóc như từng diễn ra trong quá khứ.
Một tàu cá cỡ nhỏ bị đắm trôi dạt vào bờ biển Oga, Nhật Bản. Ảnh: AFP. |
Số tàu ma trôi dạt vào bờ biển Nhật Bản đạt 104 chiếc vào năm 2017, và ngay sau đó đã tăng gấp đôi trong năm 2018. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của những con tàu ma là nguồn cơn cho những giả thuyết có phần hoang tưởng, đúng thời điểm Triều Tiên đe dọa sẽ hủy diệt Nhật Bản bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
"Số tàu ma đã tăng lên đáng kể từ tháng 11/2017, khi Triều Tiên bắt đầu dừng phóng tên lửa. Do đó, ta có thể cho rằng Triều Tiên đã chuyển sang sử dụng gián điệp", ông Araki cảnh báo.
Shizuo Sato, chủ một tiệm mì ở phía Bắc thủ đô Tokyo, nhớ lại kỷ niệm kinh hoàng khi ông này tìm thấy một thi thể thối rữa trong chuyến đi biển chơi tháng 12/2018. Thi thể này khi đó nằm trên cát, mắc kẹt giữa những hòn đá.
"Khi đó tôi nghĩ đó là một hình nộm. Trông không giống thi thể của con người, tôi thậm chí không nhìn thấy đầu của anh ta. Chúng tôi đã nghe về việc có nhiều tàu ma được tìm thấy ở khu vực này. Nếu tìm thấy một xác chết, chúng tôi đều nghĩ đó là người Triều Tiên", ông Sato nói.
Tuy nhiên, nhà báo Jiro Ishimaru, người có 26 năm kinh nghiệm nghiên cứu về Triều Tiên, cho rằng những lo lắng về nguy cơ gián điệp đã khơi dậy sự lo lắng không cần thiết. Nhà báo này cho rằng có nhiều "sự thật vững chắc" để loại bỏ nghi vấn về gián điệp Triều Tiên.
Ishimaru cho biết một công ty đánh cá của Triều Tiên xác nhận thành phố Chongjin, thành phố lớn nhất tại đông bắc Triều Tiên, được đặt cho biệt danh "thành phố cửa sổ". Tại đây, nhiều ngư dân đã mất tích và chưa được tìm thấy trong vài năm qua.
"Nguyên nhân là bởi họ cần kiếm tiền bất chấp điều kiện không cho phép. Họ ngày càng đi xa bờ hơn trong những năm qua. Trong vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản, họ tìm thấy lượng mức lớn hơn, vì vậy họ đã đánh liều đến và khai thác", ông Ishimaru cho biết.
Hạn ngạch và trừng phạt
Giáo sư Andrei Lankov, chuyên gia về Triều Tiên từ Đại học Kookmin, Hàn Quốc, cho rằng có mối liên hệ giữa các lệnh trừng phạt quốc tế và số lượng ngày càng tăng của các con tàu ma Triều Tiên dạt vào bờ biển Nhật Bản.
Trong bối cảnh nguồn cung nhiên liệu, vốn được nhập khẩu với giá rẻ từ Trung Quốc và Nga, nay không còn, các công ty đánh cá quốc doanh của Triều Tiên đã phải cắt giảm hoạt động.
"Ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong Un thích những chiếc tàu đánh cá cỡ lớn. Ông ấy đã chi nhiều tiền để đóng chúng. Những chiếc tàu này đòi hỏi tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, ngành công nghiệp đánh cá của Triều Tiên đã sụp đổ", ông Lankov nhận xét.
Một tàu đánh cá Triều Tiên được phát hiện trên vùng biển của Nhật Bản. Ảnh: Kyodo News. |
Những người thất nghiệp tại Triều Tiên được cho phép mua giấy đăng ký để vận hành những tàu đánh cá tư nhân. Khi có nhiều cá nhân được cấp phép đánh cá, hiện tượng khai thác quá mức đã xảy ra và trở thành vấn nạn.
Một người Triều Tiên đào tẩu họ Lee cho biết các ngư dân phải nộp lại một phần nhất định hải sản đánh bắt được cho chính phủ.
"Nếu một người không nộp đủ hạn ngạch, người này sẽ không được phép đi đánh cá nữa. Người điều hành tàu cá có thể sẽ bị trừng phạt", ông Lee cho biết.
Hệ quả là các tàu cá phải đẩy mạnh khai thác, áp lực sản lượng buộc họ phải đi ngày càng xa hơn ra ngoài khơi, tiến sâu vào vùng biển giàu hải sản của Nhật Bản.
Một số con tàu, vốn đã già nua và ít được bảo dưỡng, đã gặp trục trặc, kết cục là trôi dạt vào bờ biển Nhật Bản. Thủy thủ đoàn của những con tàu này thường chết vì đói hoặc chết vì lạnh sau nhiều ngày trôi dạt.
Ngư dân câu mực tên Ken Honma cho biết đã quan sát thấy ngày càng nhiều hơn tàu đánh cá Triều Tiên tại Yamato, vùng biển giàu hải sản của Nhật Bản, trong vài năm qua so với khoảng 10 năm trước.
"Họ đi thành một nhóm lớn. Nếu quan sát trên radar, trông họ như một hòn đảo, khoảng 1.800 tàu. Bọn họ đang đánh bắt trái phép", Honma nói.
Năm 2017, Liên Hợp Quốc thông qua một loạt các nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân, trong đó nhắm vào ngành xuất khẩu thủy hải sản của nước này.
Các đối tác nước ngoài của Triều Tiên vẫn tiếp tục mua thủy sản của nước này, tuy nhiên với giá thấp hơn trước bởi nay đó là hàng phi pháp. "Vì vậy ngư dân phải chịu áp lực lớn, họ phải mạo hiểm", giáo sư Lankov cho biết.
Trong năm 2017, phần lớn tàu ma dạt vào bờ biển xuất hiện vào cuối năm, sau khi các lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực.
Thiếu kinh nghiệm đi biển
Một người đào tẩu cho biết các tàu đánh cá Triều Tiên đã được cải tiến trong thời gian qua, chúng có thể thực hiện những chuyến đi biển xa hơn và dài ngày hơn trước. Tuy nhiên, điều này khiến những ngư dân thiếu kinh nghiệm gặp vấn đề.
"Chỉ những người có khoảng 20 năm kinh nghiệm mới có thể chịu được những cơn sóng cao đến 50 tầng. Những người yếu tim có thể sợ đến bất tỉnh. Cũng có nguy cơ chấn động vì sóng biển làm người ta đập đầu vào thành tàu mà chết", người từng là ngư dân họ Joon nay đã đào tẩu khỏi Triều Tiên nói.
Ông Joon cho biết nhiều người đã nhảy xuống biển và chọn chết đuối thay vì chết từ từ trên những con tàu bị đại dương giằng xé nghiêng ngả trong vô định.
Trong năm 2017, những con tàu ma đang đưa vào bờ biển Nhật Bản 35 xác chết. Nhiều khả năng, đây không phải là tất cả số ngư dân Triều Tiên đã bỏ mạng vì những chuyến khai thác cá dài ngày trên biển Nhật Bản.
Nhà chức trách Nhật Bản khám xét một tàu cá trôi dạt. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, không phải tất cả các ngư dân trôi dạt đều tử vong. Từ năm 2013 tới nay, 49 ngư dân đã được cứu sống.
Ông Joon cho rằng chính quyền Bình Nhưỡng nắm rõ thực trạng về những con tàu đánh cá, tuy nhiên họ không thể làm gì để thay đổi tình hình. "Chính quyền Triều Tiên chấp nhận hiện trạng này. Họ có thể lấy làm tiếc vì người dân của mình thiệt mạng", ông Joon nói.
Những con tàu và hiện tình của ngư dân Triều Tiên đang ngày càng trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông quốc tế, đồng thời là nguyên nhân khiến Bình Nhưỡng bị chỉ trích.
Tàu ma Triều Tiên cũng đang trở thành cơn ác mộng về ngoại giao, hậu cần và tài chính cho Nhật Bản khu Tokyo phải tốn hàng triệu USD để điều tra, dọn dẹp bờ biển, cứu chữa cho những ngư dân còn sống, cũng như hồi hương những người đã chết.
Các chuyên gia cho rằng ngay cả khi tình hình trên bán đảo Triều Tiên biến chuyển khởi sắc, ngành đánh cá của nước này cũng chưa thể lập tức thay đổi được tình trạng hiện nay, và thảm họa tàu ma vẫn sẽ tiếp diễn. Thậm chí, có khả năng nhiều giấy phép đánh cá hơn sẽ được cấp cho ngư dân.
"Nhiều người đi đánh cá sẽ làm tăng thêm rủi ro. Họ vẫn sẽ không có tiền để mua những động cơ đủ mạnh và đáng tin cậy. Tôi không cho rằng vấn đề này sẽ biến mất, nó có lẽ sẽ còn tồi tệ hơn nữa trong tương lai", giáo sư Lankov nhận định.