Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bi kịch khó vượt qua của Pep trong vai trò huấn luyện viên

Không có gì khiến Pep đau đớn hơn việc một trong các cầu thủ của anh không nhìn hay không nói chuyện với anh khi họ chạm mặt nhau. Anh không thể nào chịu nổi chuyện đó.

Ngay từ những ngày đầu trong khu tập huấn ở St Andrews, Pep đã dồn hết tình cảm, thời gian và nỗ lực cho các cầu thủ của mình. Phần lớn trong đó mang tính bản năng và được Pep làm một cách đầy tự nhiên.

Đổi lại, anh đòi hỏi không chỉ rất nhiều nỗ lực từ các cầu thủ mà còn một thứ khác, một thứ lớn lao hơn mà tất cả chúng ta luôn tìm kiếm: anh muốn các cầu thủ đáp lại tình cảm của mình. Và nếu các cầu thủ không dành cho anh tình yêu mà anh muốn thấy, anh sẽ lập tức suy sụp.

Đó là vì bên trong Pep có một cậu nhóc không bao giờ chịu lớn. Cậu nhóc ấy, kể cả khi đã được nhận vào học viện, vẫn đòi hỏi phải được yêu quý, phải được các huấn luyện viên lựa chọn, phải được Cruyff chấp nhận.

Cái nhu cầu được yêu quý ấy từng có lúc chìm đi, đúng hơn là được che giấu sau tấm khiên mà bóng đá đỉnh cao bắt buộc các cầu thủ phải trang bị. Nhưng nó không bao giờ biến mất hẳn.

Đứa trẻ đó trong người đàn ông Pep cảm thấy rất khó khăn trong việc chấp nhận sự chối bỏ, phản đối từ những người thân cận với anh, từ các cầu thủ của anh. Thực tế, không có gì khiến Pep đau đớn hơn việc một trong các cầu thủ của anh không nhìn hay không nói chuyện với anh khi họ chạm mặt nhau. Anh không thể nào chịu nổi chuyện đó. Và nó đã xảy ra.

Dua tre trong Pep anh 1

Huấn luyện viên Pep Guardiola. Ảnh: Teamtalk.

“Đó là bi kịch khó vượt qua nhất. Tôi quản lý một nhóm cầu thủ trong đó mỗi thành viên trước hết là một con người. Yêu cầu của tôi là tất cả phải có chung suy nghĩ ở một mức độ nhất định, nếu không như thế, chúng tôi sẽ chẳng thể giành được cái gì cả".

"Suy nghĩ chung, cảm xúc chung ấy chính là thứ mà tất cả chúng ta cùng theo đuổi: Cảm giác được yêu. Chúng ta có một công việc mà chúng ta thích và được yêu mến vì công việc đó. Ví dụ, làm sao tôi có thể thuyết phục một cầu thủ mà tôi không yêu và không cho ra sân rằng tôi yêu quý anh ta? Đó chính là cội nguồn của mọi bi kịch. Trừ khi anh nghĩ rằng tất cả các cầu thủ đều yêu quý tôi. Anh có nghĩ như vậy không?” Hành xử thế nào cho hợp lý với các cầu thủ và phần con người phía sau anh ta, theo Pep là câu hỏi khó trả lời nhất.

Anh biết rằng cách anh ra quyết định bao giờ cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới cảm xúc của những người còn lại. Khi chiến thắng, mọi chuyện trở nên đơn giản hơn, nhưng không có ai chiến thắng được mãi.

Và khi thất bại, các cầu thủ có xu hướng tìm kiếm những vật tế thần. Trong bóng đá, cuối cùng thì người ngồi trên băng ghế huấn luyện sẽ luôn là kẻ phải nhận những chỉ trích.

Guillem Balague / THBoooks và NXB Hà Nội

SÁCH HAY