Giới chức Nam Phi hôm 5/4 cho biết họ đã tìm thấy thi thể một thợ săn tê giác không còn nguyên vẹn sau khi bị voi giày chết rồi bị một đàn sư tử ăn thịt. Có những ý kiến cho rằng đây là "nghiệp" dành cho người săn trộm, và đối với nghề săn trộm trái phép ở châu Phi, bị sư tử ăn đôi khi cũng là một cái kết khó tránh khỏi.
Nhưng bức tranh toàn cảnh cho thấy một câu chuyện phức tạp hơn là quy luật nhân quả thông thường. Điều gì khiến những người thợ săn châu Phi sẵn sàng mạo hiểm tính mạng để săn trộm sừng tê giác, khi mà họ có thể mất mạng theo cách đau đớn nhất?
Tê giác bị cưa sừng tại Nam Phi để tránh trở thành nạn nhân của những người săn trộm, 80% lượng tê giác còn lại trên thế giới sinh sống ở Công viên Quốc gia Kruger của nước này. Ảnh: AP. |
Ở chiều ngược lại, sư tử tuy là loài động vật hung dữ, nhưng điều gì đã khiến chúng quyết định ăn thịt người? Theo ông Craig Packer, giám đốc trung tâm nghiên cứu sư tử tại Đại học Minesota, loài sư tử châu Phi đã mất phần lớn nguồn thức ăn do môi trường sống tự nhiên bị thu hẹp.
Những cái chết không được thương cảm
Tại Tanzania, vì thiếu thức ăn, sư tử bắt đầu chuyển sang săn lợn rừng, loài vật bản địa ở Đông Phi và cũng là mối đe dọa hàng đầu với những khu vực trồng cây lương thực ở đây. Nhằm chống lại lợn rừng phá hoại mùa màng, người dân ở khu vực thường ngủ lại ruộng để trông nom.
Sư tử theo chân những con lợn rừng đến ruộng lúa, và khi gặp con người, các vụ sư tử ăn thịt người bắt đầu gia tăng từ đó. Từ những năm 1990 tới nay, 900 người tại Tanzania đã bị sư tử tấn công, 2/3 trong số đó thiệt mạng.
Nhưng một xu hướng khác cũng diễn ra tại Nam Phi, khi người dân nước láng giềng nghèo khó Mozambique cố gắng vượt biên vào Nam Phi để tìm kiếm việc làm. Để tránh bị phát hiện, họ đi vào Nam Phi qua công viên quốc gia Kruger, và nhiều người trở thành nạn nhân của sư tử.
Công viên quốc gia Kruger cũng là ngôi nhà của hơn 20.000 con tê giác, chiếm 80% số lượng loài này trên thế giới. Với nhu cầu trái phép ngày càng tăng đối với sừng tê giác đến từ thị trường Trung Quốc, tê giác ở Nam Phi đang bị săn bắt nhiều hơn.
Từ năm 2008 - 2018, 7.000 con tê giác đã bị săn bắt trái phép ở Nam Phi, theo thống kê của bộ môi trường nước này. Tính riêng năm 2017, 1.028 con tê giác bị giết hại để lấy sừng ở Nam Phi.
Một con sư tử tại công viên quốc gia Kruger. Ảnh: AP. |
Bên cạnh 20.000 con tê giác, công viên quốc gia Kruger cũng là nơi sinh sống của 1.600 con sư tử, và đó là lý do nhiều người săn trộm đã bị sư tử tấn công và ăn thịt.
Vụ việc hôm 5/4 không phải là lần đầu tiên. Vào tháng 2/2018, cơ thể không còn nguyên vẹn của người được cho là người săn trộm tê giác cũng được tìm thấy ở một khu bảo tồn gần công viên Kruger.
Với giá 60.000 USD cho một kg sừng tê giác trên thị trường chợ đen, công viên quốc gia Kruger trở thành đích đến hàng đầu của những người săn trộm khắp châu Phi. Lý do rất đơn giản, ở đây chỉ cần đi bộ tối đa 2 km là có thể bắt gặp một con tê giác.
Nguyên nhân sâu xa của vấn đề
Đối với những người dân ở Mozambique, nơi thu nhập trung bình hàng năm là khoảng 30.000 USD, một chiếc sừng tê có thể mang lại số tiền bằng 2 năm tiền lương của họ. Và cũng giống như những nông dân Tanzania phải chọn giữa mạng sống và ruộng lúa của mình, những người săn trộm cũng phải chấp nhận rủi ro để kiếm sống.
Tình hình có thể sẽ càng tồi tệ hơn trong thời gian tới, vì siêu bão Idai vừa tràn qua Mozambique, khiến hàng nghìn người mất nhà cửa và cuộc sống của họ trở nên khó khăn.
Không chỉ ở công viên quốc gia Kruger, nạn săn trộm tê giác cũng đã lan tới những khu vực khác của Nam Phi, sau khi quân đội quyết định can thiệp để tuần tra và tiêu diệt những người săn trộm trong công viên quốc gia lớn nhất đất nước.
Bà Annette Hubschle, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Tội phạm học, Đại học Cape Town, cho biết: "Bây giờ bạn có các băng đảng săn trộm rất cơ động, sừng tê giác có giá trị rất lớn, vì vậy những người săn trộm, dù là ở cấp thấp cũng có thể kiếm được nhiều tiền".
Xác một con tê giác bị săn trộm để lấy sừng tại công viên quốc gia Kruger. Ảnh: Getty. |
"Đằng sau hiện trạng săn trộm sừng tê giác là câu chuyện lớn hơn về bất bình đẳng thu nhập", bà Hubschle cho biết.
"Nhưng đáng buồn là mỗi khi có thông tin về cái chết của một người săn trộm, nhiều người dường như rất vui mừng trước điều đó".
Trong thế giới hiện đại, chúng ta nhìn voi và sư tử với ánh mắt ngưỡng mộ, và đều thể hiện tình cảm với chúng. Nhưng những người săn trộm không phải là nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Nam Phi, khi mà đất đai ngày càng bị thu hẹp, và bất bình đẳng thu nhập ngày càng gia tăng.
Ba người săn trộm đã từng bị sư tử ăn thịt tại một khu bảo tồn tư nhân ở tỉnh Eastern Cape vào hồi tháng 6/2018. Nhận xét về vụ việc, ông Julian Rademeyer, điều hành dự án của tổ chức Traffic, chuyên theo dõi hoạt động buôn bán trái phép sản phẩm động vật hoang dã, và cũng là tác giả của cuốn sách nổi tiếng Killing for Profit về nạn săn trộm sừng tê giác ở Nam Phi, cho rằng: "Có lẽ những cái chết này sẽ không khiến những người săn trộm khác sợ hãi. Những người trung gian chỉ cần tăng giá, sẽ có hàng trăm thanh niên xếp hàng để làm việc, dù họ có thể chết".