Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bi kịch của những người chết vì làm việc quá sức

Khoảng 600.000 người Trung Quốc chết vì làm việc quá sức mỗi năm. Cứ mỗi ngày trôi qua, chừng 1.600 người ở quốc gia đông dân nhất thế giới lìa đời vì công việc.

Li Jianhua, Vụ trưởng Vụ giám sát định chế phi tài chính thuộc Ủy ban Quản lý Ngân hàng Trung Quốc, là một trường hợp điển hình của tình trạng làm việc quá sức. Trong suốt 26 năm “luôn đặt lợi ích tập thể và người dân lên hàng đầu”, ông Li qua đời tháng 6/2014 ở tuổi 48, sau khi miệt mài làm báo cáo suốt đêm mà chưa kịp đón bình minh.

Chịu trách nhiệm giám sát các sản phẩm ủy thác tại Ủy ban Quản lý Ngân hàng Trung Quốc (CBRC), ông Li luôn đối mặt với sức ép và áp lực công việc. Trong nửa cuối năm 2013, ông phải tới 10 địa phương để làm việc với gần 70 công ty tín thác. Nhân viên tại Vụ của ông Li thường làm việc đến nửa đêm hoặc thậm chí trễ hơn. Cái chết của ông Li là một trong số các ca tử vong thu hút sự chú ý của truyền thông Trung Quốc.

Vụ trưởng Vụ giám sát định chế phi tài chính (thuộc ủy ban pháp chế của Ngân hàng trung ương Trung Quốc) Li Jianhua. Ảnh: Imaginechina
Ông Li Jianhua - Vụ trưởng Vụ giám sát định chế phi tài chính thuộc Ủy ban Quản lý Ngân hàng Trung Quốc. Ảnh: Imaginechina

Báo chí và mạng xã hội Trung Quốc gần đây cảnh báo về “bệnh dịch” làm việc quá tải tại các công sở ở Trung Quốc. Nhật báo Thanh niên Trung Quốc cho biết khoảng 600.000 người lao động chết vì làm việc quá sức mỗi năm. Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc khẳng định trung bình 1.600 người chết mỗi ngày vì kiệt sức trong công việc.

Những lời than vãn về cuộc sống nhiều áp lực, tin tức về những vụ tử vong mới nhất vì “làm việc tới chết” xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội Weibo. Nạn nhân có thể là một người 24 tuổi tại Ogilvy Public Relations Worldwide, một kiểm toán viên 25 tuổi tại PwC, một nhà thiết kế trưởng của mẫu chiến đấu cơ mới tại tập đoàn máy bay Shenyang AVIC.

“Tại sao tôi phải làm việc ngoài giờ để kiệt sức vì công việc”, một người dùng Weibo phàn nàn khi ông chủ của anh yêu cầu phải làm thêm giờ.

Tỷ lệ đột tử vì công việc đang tăng trong bối cảnh lực lượng lao động Trung Quốc đang chiếm ưu thế, quy mô nguồn nhân lực thu hẹp nên công nhân có thể đòi lương cao hơn. Đình công thường xảy ra tại các nhà máy Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới nhân viên văn phòng lại không hưởng ưu thế này. Khởi điểm với mức lương gấp đôi so với công nhân, họ thường phải làm nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày.

Dân công sở Trung Quốc thường xuyên phải làm việc quá giờ. Ảnh: AFP
Dân công sở Trung Quốc thường xuyên phải làm việc quá giờ. Ảnh: AFP

Ông Tim De Meyer, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Trung Quốc, nói: “Chúng tôi nhận thấy làm việc quá nhiều và liên tục đang trở thành vấn đề đáng lo ngại của Trung Quốc, khiến người lao động gặp rủi ro về thể chất và tinh thần”.

Còn theo Yang Heqing, hiệu trưởng trường Kinh tế lao động (thuộc Đại học Kinh tế và kinh doanh ở Bắc Kinh), chủ trương cân bằng công việc - cuộc sống không thể tồn tại lâu trong một xã hội vừa theo đuổi chủ nghĩa giàu có hiện đại, vừa duy trì tập tục truyền thống là đặt cộng đồng lên trước cá nhân.

Yang từng thực hiện một khảo sát và phát hiện 60% người lao động phải làm thêm ít nhất hai tiếng mỗi ngày. Thực trạng đó ảnh hưởng đến sức khỏe và gia đình người lao động.

“Trung Quốc đang là một nền kinh tế tăng trưởng và mọi người vẫn đánh giá cao đặc điểm cần cù", ông Jeff Kingston, giám đốc Viện nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple (Nhật Bản), nói.  

Nhật Bản là nơi khái niệm tai tiếng “karoshi”, nghĩa là chết vì làm việc quá sức, ra đời. Nó bao gồm những nguyên nhân tử vong như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não hoặc các nguyên nhân bất thường khác vì áp lực công việc. Ngày 20/6, Quốc hội Nhật Bản thông qua đạo luật hỗ trợ doanh nghiệp trong các chương trình ngăn chặn kiệt sức và đầu tư cho hoạt động nghiên cứu về karoshi. Năm 2012, chính phủ Nhật Bản phải bồi thường cho 813 gia đình sau khi họ chứng minh rằng người thân của họ kiệt sức, lâm bệnh hoặc tử vong vì làm việc quá tải (bao gồm 93 trường hợp tự tử). Con số thật sự có thể cao hơn, vì Cơ quan cảnh sát Nhật Bản xác nhận hơn 2.000 vụ tử vong trong năm ngoái vì áp lực công việc.

http://www.bloomberg.com/news/2014-06-29/is-work-killing-you-in-china-workers-die-at-their-desks.html

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm