Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Bi kịch của Lebanon sau vụ nổ thảm khốc ở Beirut

Beirut, từng là “Paris của Trung Đông”, bỗng hóa một nơi hoang tàn, tràn ngập mảnh vỡ và sự phẫn nộ của người dân.

Beirut, từng là “Paris của Trung Đông”, bỗng hóa một nơi hoang tàn, tràn ngập mảnh vỡ và sự phẫn nộ của người dân.

Người biểu tình ở Beirut giơ cao mô hình giá treo cổ tự chế được gắn vào cái chổi. Một người khác giơ poster có hình các chính khách hàng đầu ghi kèm chữ “xử tử đi”.

Đó là cảnh tượng điển hình cho sự phẫn nộ ở Beirut cuối tuần qua, khi người dân biểu tình đổ lỗi cho giới chức trách về vụ nổ kinh hoàng ngày 4/8. Họ đem theo chân dung các nạn nhân và banner ghi tên những người thiệt mạng, theo AFP.

vu no o Beirut anh 1

Biểu tình quy mô lớn bùng phát tại Beirut ngày 8/8. Ảnh: Reuters.

Đám đông còn chiếm giữ trụ sở bộ Ngoại giao và bộ Năng lượng trong vài giờ vào ngày 8/8. Sami Rammah, một cảnh sát về hưu, cho biết biểu tình “không nhắm vào một người cụ thể, mà chống lại cả hệ thống đang phá hủy đất nước này".

Vụ nổ trên - san phẳng khu cảng Beirut, gây thiệt hại khắp trung tâm thành phố, và gây sốc toàn thế giới - đang được coi là hệ quả trực tiếp và đau thương nhất sau nhiều thập kỷ bế tắc của giới cầm quyền Lebanon.

Không chỉ là thảm họa khiến 158 người chết, làm bị thương gần 6.000 người, vụ nổ ở Beirut đang như “đám cháy” bùng lên đe dọa giới chức Lebanon, sau thông tin chính quyền đã biết về lô hóa chất dễ nổ nhưng vẫn để chúng nằm ở cảng Beirut suốt 6 năm.

Ngày 9/8, hai bộ trưởng Thông tin và Môi trường từ chức, vì đã “hết hy vọng", còn người biểu tình tiếp tục ném đá, bắn pháo sáng, đối mặt với hơi cay của cảnh sát.

Sự phẫn nộ của người dân Beirut đối với chính phủ của mình được thể hiện rõ nét ở sự chào đón, kêu cứu mà họ dành cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi ông tới thăm đường phố hoang tàn của Beirut ngày 6/8.

Ông đích thân đến những con phố đầy gạch vỡ tại khu vực bị tàn phá nặng nề nhất của Beirut - điều mà lãnh đạo cấp cao của chính Lebanon chưa làm sau vụ nổ - và còn để đám đông vây quanh mình, đứng sát các cận vệ.

“Giúp chúng tôi, ông là hy vọng duy nhất”, một cư dân hét lên khi tổng thống Pháp dừng lại tiếp xúc với đám đông.

vu no o Beirut anh 2

Ông Macron ôm một phụ nữ trên đường phố Beirut hôm 6/8. Ảnh: Reuters.

Hiểu được sự căm giận của người dân Beirut, ông Macron hứa sẽ cứng rắn thúc đẩy cải cách. “Tôi hiểu sự tức giận của các bạn... Tôi đảm bảo hàng cứu trợ sẽ không rơi vào những bàn tay tham nhũng”, ông nói.

Ông nói cần một cuộc điều tra quốc tế về nguyên nhân vụ nổ, sau lời kêu gọi tương tự của nhiều người thân của các nạn nhân. Lãnh đạo Lebanon sau đó từ chối, nhưng đủ thấy sự hoài nghi dành cho giới cầm quyền: dù hội đồng điều tra cam kết sẽ có thêm thông tin sau vài ngày, đa số thành viên hội đồng là các quan chức cấp cao trong chính quyền, vốn không được người dân tin tưởng.

Trái lại, hai bộ trưởng Lebanon sau đó cố tới thăm đường phố Beirut thì bị các tình nguyện viên đang dọn dẹp đuổi đi một cách giận dữ. Bộ trưởng Giáo dục Tarek Majzoub mang chổi đến tham gia dọn dẹp, nhưng nhận những tiếng chỉ trích: "Từ chức đi", theo AFP.

Thiệt hại kinh hoàng, như tận thế từ vụ nổ là do lô hàng khổng lồ 2.750 tấn chất ammonium nitrate dễ nổ đang nằm ở cảng - sức công phá ngang 1.200 tấn TNT, để lại hố sâu 43 m. Nhưng câu hỏi gây căm phẫn là vì sao số hóa chất nguy hiểm không khác “quả bom nổ chậm” này lại ở đó suốt gần 6 năm, ở cạnh khu đông dân cư của thành phố 2 triệu người.

vu no o Beirut anh 3

Ảnh chụp từ trên không hôm 7/8 cho thấy chiếc hố khổng lồ mà vụ nổ hôm 4/8 gây ra ở Beirut. Ảnh: AFP.

“Ai cất giữ gần 3.000 tấn ammonium nitrate ở một khu cảng cạnh pháo hoa?”, Maha Yahya, Giám đốc của Trung tâm Trung Đông Carnegie, viện chính sách trụ sở ở Beirut, nói với Financial Times. “Bất cứ ai từng lên lãnh đạo trong vòng 4-5 năm nay đều biết về nó, mà không một ai hành động. Câu hỏi là vì sao không ai làm gì?”.

Sự phẫn nộ được thổi bùng lên sau khi có tin giới chức hải quan, quân đội, an ninh và tư pháp Lebanon đã biết và cảnh báo ít nhất 10 lần trong 6 năm qua về nguy cơ từ lô ammonium nitrate này. Cảnh báo được đưa ra khi lô hóa chất còn ở trên tàu, khi con tàu chuẩn bị chìm, và sau khi được chuyển tới nhà kho số 12 tồi tàn tại cảng.

Badri Daher, Giám đốc hải quan, nói với AP rằng hải quan đã gửi 6 công văn đến thẩm phán cảnh báo về lô hàng và xin quyết định về biện pháp loại bỏ hoặc bán đi. Ông cho biết không nhận được hồi âm.

vu no o Beirut anh 4

Cảng Beirut hoang tàn sau hai vụ nổ hôm 4/8. Ảnh: Reuters.

Một nguồn tin từ phía tư pháp lại cho biết các công tố viên chỉ có nhiệm vụ quyết định xem con tàu chở hóa chất có nên được thả hay không, chứ không quyết định xem lô hàng nên được bảo quản như thế nào.

Mùi lạ từ nhà kho khiến an ninh Lebanon điều tra cuối năm 2019, kết luận rằng các hóa chất “nguy hiểm” phải được đưa đi khỏi đó và tường nhà kho cần phải sửa. Việc sửa nhà kho tình cờ đã bắt đầu vào tuần trước, ngay trước vụ nổ.

Riad Kobaissi, phóng viên điều tra về tham nhũng ở cảng, cáo buộc ông Daher đang đùn đẩy trách nhiệm. Ông nói với AFP sự tắc trách và thiếu trách nhiệm như trên thể hiện “phạm vi tham nhũng trong hải quan Lebanon, chính là cơ quan chính có trách nhiệm đối với vụ nổ”.

vu no o Beirut anh 5

Thất bại của chính quyền còn được thể hiện ở việc vắng bóng trong nỗ lực dọn dẹp đường phố sau vụ nổ.

“Nhà nước nào?... Nếu chúng tôi có nhà nước thực sự, họ đã ra phố từ tối qua để dọn dẹp, làm việc. Họ đâu rồi?”, Melissa Fadlallah, tình nguyện viên đang dọn dẹp ở khu Mar Mikhail của Beirut, nói với AFP ngày 5/8, một ngày sau vụ nổ.

Xung quanh, chỉ có một số ít nhân viên đội tự vệ đang kiểm tra kết cấu nhà, còn đa phần người dọn dẹp là các tình nguyện viên.

Chia thành nhóm nhỏ, những tình nguyện viên quét mảnh kính dưới chân các tòa nhà, cho vào túi. Những người khác leo lên các cầu thang đầy gạch vụn để hỏi xem cư dân trong đó có cần nhà ở tạm hay không.

“Họ đang ngồi điều hòa trong khi người dân thì mờ mắt trên phố”, Mohammad Suyur, 30 tuổi, nói ngày 5/8. “Chúng tôi không thể chịu được nữa. Đủ rồi”.

vu no o Beirut anh 6

Vụ nổ ở Beirut một đòn giáng lên một cơ thể đang kiệt sức là Lebanon. Với nhiều người, đây như “giọt nước tràn ly”, minh chứng bi kịch về sự lúng túng trước cơn khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ nội chiến 1975-1990, AFP bình luận.

Từ trước vụ nổ, Lebanon đã lún sâu vào khủng hoảng kinh tế, vì một ngành ngân hàng tha hóa và đồng tiền đang sụp đổ. Đồng bảng Lebanon đã mất 80% giá trị so với đồng USD trên thị trường đen. Vì Lebanon nhập khẩu quá nhiều, lạm phát tăng phi mã.

Chính phủ đã vỡ nợ vài tháng trước. Dịch Covid-19 khiến kinh tế trì trệ nay còn ảm đạm hơn, và đang có thêm làn sóng lây nhiễm mới. Doanh nghiệp đã đóng cửa hàng loạt. Tỷ lệ đói nghèo dự báo tăng từ 45% năm 2019 lên hơn 75% vào cuối năm nay.

vu no o Beirut anh 7

Người dân Beirut tự tổ chức dọn dẹp do chính quyền như "vắng bóng" sau vụ nổ. Ảnh: Reuters.

Tất cả khiến cuộc sống tầng lớp trung lưu của Lebanon - giáo viên, công chức, y tá - bị đảo lộn. Gaby Chalhoub, một cựu công chức, từng làm tiệc thịt nướng hai lần mỗi tháng cho cả gia đình, gần đây phải đi xin gạo và mì pasta từ nhóm từ thiện. Số người Lebanon phải tới khám các trung tâm y tế từ thiện tăng vọt, mà trước nay thường chỉ dành cho người tị nạn từ Syria và Palestine.

Giờ đây, sau vụ nổ, giới chức ước tính thêm 300.000 người Beirut sẽ thành vô gia cư tạm thời. Thiệt hại ước tính từ 3-5 tỷ USD, và Lebanon đã phải kêu gọi quốc tế giúp đỡ.

Maya Terro, người sáng lập một tổ chức từ chiến hỗ trợ thực phẩm, cho biết cảng Beirut đã bị san phẳng trong vụ nổ là đầu mối nhập khẩu chính. “Lebanon nhập khẩu 80% thực phẩm”, Terro nói. “Ngay lập tức tôi nghĩ tới cảnh siêu thị hết hàng, tăng giá do khan hiếm”.

Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo “sẽ sớm có vấn đề cung ứng bột mì tại Lebanon” do kho bột mì lớn ở cảng bị phá hủy.

Ngay cả những người trong chính phủ cũng phải bỏ cuộc. Ngày 3/8, ngoại trưởng Lebanon từ chức, và nói Lebanon có nguy cơ trở thành “nhà nước thất bại”. “Tôi vào chính phủ nghĩ rằng mình chỉ phục vụ một cấp trên mang tên Lebanon, hóa ra tôi lại có quá nhiều cấp trên tranh giành lợi ích lẫn nhau”, cựu ngoại trưởng Lebanon Nassif Hitti viết trong đơn từ chức.

“Chính phủ nào lại để một núi thuốc nổ nằm trong nhà kho một cách nguy hiểm trong gần một thập kỷ? Cũng chính là chính phủ đã không thể đồng thuận về ngân sách trong 11 năm và để ngân hàng trung ương lừa đảo kiểu Ponzi nhằm bảo vệ chính sách giữ giá đồng tiền phi thực tế”, tạp chí Economist bình luận.

“Cũng chính là chính phủ đã ảo tưởng quá nhiều, dựa dẫm vào viện trợ, vay và kiều hối, chi tiêu vượt xa tiền thuế thu được. Cũng chính là chính phủ do tầng lớp lãnh đạo xa rời dân, tiếp tục bịa đặt số liệu, biển thủ trong khi nền kinh tế kiệt quệ”, cũng theo tạp chí này.

vu no o Beirut anh 8

CNN nói thảm họa ngày 4/8 là ví dụ mới nhất về sự thất bại, hỗn loạn ở Lebanon khi hết chính phủ này đến chính phủ khác không làm được điều căn bản nhất là cung cấp dịch vụ thiết yếu cho người dân.

Trước vụ nổ, việc cắt điện diễn ra phổ biến. Những người giàu có máy phát, nhưng người nghèo chiếm đa số phải chịu mất điện tới 20 tiếng mỗi ngày.

Năm 2016, chính phủ bế tắc với những tranh cãi nội bộ đến mức việc thu gom rác ở Beirut dừng hẳn. Một “con sông rác” chạy quanh sườn đồi gần thành phố, tạo ra mùi hôi thối lơ lửng trong không khí vài tháng, tại nơi từng được coi là “Paris của Trung Đông”.

Đến năm 2019, cháy rừng hoành hành, nhưng ba trực thăng chữa cháy của Lebanon lại vô dụng, vì hóa ra chính phủ không chi tiền bảo trì.

vu no o Beirut anh 9

Một con phố bị thiệt hại trong vụ nổ. Ảnh: Reuters.

Do tham nhũng tràn lan, dân Beirut còn nói cảng Beirut là “hang của Ali Baba và 40 tên cướp”, vì các cáo buộc biển thủ, hối lộ, đánh cắp ở cảng quốc doanh này.

Một nguồn tin nói với Financial Times rằng cảng Beirut như một mê cung, chỉ làm việc được nhờ hối lộ và có mối quen dẫn đi.

Trong nhiều thập kỷ, Lebanon phân chia quyền lực chính trị cho các nhánh tôn giáo như một cách để giữ hòa bình. Dù được thiết kế để đảm bảo mọi nhóm ở Lebanon có tiếng nói trong chính phủ, hệ thống này bị giới chóp bu lũng đoạn.

Chức vị trong chính phủ được trao dựa vào nhóm tôn giáo, và khi chức vị được bảo đảm như vậy, chính quyền vận hành một cách thiếu trách nhiệm, dẫn đến lãng phí mà World Bank ước tính lên tới 9% GDP mỗi năm.

Hầu hết người Lebanon muốn bỏ hệ thống chia sẻ quyền lực này. Không phải ai cũng cảm thấy bản thân mình được định nghĩa bởi tôn giáo, và ngày càng nhiều người không coi mình là sùng đạo.

Sau khi chính phủ trước phải từ chức vì biểu tình tháng 10/2019, chính phủ mới của Thủ tướng Hassan Diab lên hứa hẹn thay đổi, nhưng vẫn chưa làm được nhiều. Chính phủ này vỡ nợ đầu năm nay, và sau nhiều tuần vẫn chưa đạt được thỏa thuận gói cứu trợ 20 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giờ đứng trước sức ép ngày càng lớn, tương lai càng bấp bênh.

Bên cạnh các bộ trưởng, một số nghị sĩ cũng đã từ chức, còn truyền thông Lebanon đưa tin Thủ tướng Diab ngày 8/8 nói sẽ đề xuất bầu cử sớm để phá vỡ bế tắc. Chủ tịch Quốc hội Nabih Berri thì đang triệu tập cuộc họp tuần này để chất vấn chính phủ.

Người biểu tình yêu cầu lãnh đạo Lebanon 'từ chức hoặc bị treo cổ'

Người biểu tình Lebanon, dẫn đầu bởi các cựu sĩ quan quân đội, đã tiến vào kiểm soát tòa nhà Bộ Ngoại giao ở Beirut chiều 8/8 trong ôn hòa, sau đó bị lực lượng an ninh giải tán.

Vụ nổ bóp nghẹt trái tim của thành phố Beirut

"Có thật là bom hạt nhân Hiroshima còn tệ hơn thế này không?", người đàn ông Lebanon đau khổ thốt lên sau vụ nổ làm rung chuyển thủ đô Beirut của Lebanon hôm 4/8.

Trọng Thuấn

(Đồ họa: Nhân Lê; Ảnh: AP, Reuters, AFP)

Bạn có thể quan tâm