Biểu tình quy mô lớn bùng phát tại Beirut ngày 8/8, theo sau đó là bạo lực nghiêm trọng với nhiều vụ đụng độ giữa người dân và lực lượng an ninh. Tổ chức Chữ thập Đỏ Lebanon cho biết đã có hàng trăm người bị thương. Ít nhất một nhân viên an ninh tử vong vì đụng độ với người biểu tình. Ảnh: AP. |
Làn sóng phẫn nộ bùng phát sau vụ nổ kho cảng Beirut ngày 4/8. Khoảng 2.750 tấn ammonium nitrate cất giữ ở nhà kho số 12 bốc cháy, gây nên vụ nổ với sức công phá kinh hoàng khiến ít nhất 158 người chết và hơn 6.000 người bị thương. Hàng chục người còn mất tích, theo CGTN. Ảnh: AP. |
Thảm họa tuần qua đẩy tình hình chính trị Lebanon đến điểm bùng nổ. Bức xúc của người dân với giới lãnh đạo quốc gia sau cuộc biểu tình toàn quốc tháng 10/2019 vẫn chưa nguôi, trong khi nền kinh tế Lebanon ngày một lún sâu trong khủng hoảng của hệ thống ngân hàng. Ảnh: Reuters. |
Cuộc biểu tình ngày 8/8 được một số người gọi là "Ngày Phán xét". Người biểu tình còn xông vào trụ sở Hiệp hội Ngân hàng Lebanon và phóng hỏa. Bạo lực leo thang khiến tình hình Beirut thêm hỗn loạn sau thảm họa. Theo thống kê ban đầu, vụ nổ ngày 4/8 đã làm 6.200 căn nhà hư hại và hàng trăm nghìn người mất chỗ ở. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Hassan Diab đã hứa buộc những cá nhân để xảy ra thảm họa ngày 4/8 phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ít nhất 16 người đã bị bắt giữ trong 5 ngày qua, bao gồm một số quan chức cấp cao như tổng cục trưởng hải quan và giám đốc cảng Beirut. Tuy nhiên, người dân vẫn không hài lòng và yêu cầu thay đổi mang tính hệ thống. Ảnh: Reuters. |
Hàng chục nghìn người biểu tình đổ về Quảng trường Liệt sĩ ngày 8/8, kêu gọi giới lãnh đạo "từ chức hay là bị treo cổ". Họ còn dựng mô hình giá treo cổ, treo hình nộm của cựu thủ tướng Saad Hariri và Tổng thư ký Hezbollah Hassan Nasrallah. Đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh liên tục diễn ra từ sáng đến đêm. Ảnh: AP. |
Chiều 8/8, khoảng 200 người biểu tình cùng các cựu sĩ quan quân đội tiến vào chiếm giữ tòa nhà Bộ Ngoại giao Lebanon trong ôn hòa. Tony Kayrouz, một trong các cựu sĩ quan dẫn đầu đoàn, cho biết cảnh sát bảo vệ đã tự mở cổng cho người biểu tình. Nhóm còn gọi tòa nhà là "bộ chỉ huy cách mạng" và Beirut là "thủ đô cách mạng". Họ treo cờ và các băng rôn yêu cầu giải giáp Hezbollah. Ảnh: AP. |
Tổ chức Chữ thập Đỏ Lebanon cho biết hơn 728 người bị thương trong các cuộc biểu tình, trong đó 153 trường hợp đã nhập viện, theo Al Jazeera. Một số nhà báo địa phương chia sẻ trên Twitter nghi vấn đã có cảnh sát bắn đạn thật vào dân thường. Ảnh: AP. |
Khoảng 3 tiếng sau khi người biểu tình kiểm soát Bộ Ngoại giao, quân đội tiến vào giải tán đám đông và chiếm lại tòa nhà. Đáng chú ý là nhóm người biểu tình chiếm Bộ Ngoại giao Lebanon được dẫn đầu bởi tướng Samer Rammah, cựu chỉ huy quân đội quốc gia vào thập niên 1980 và từng dưới quyền Tổng thống Michel Aoun. Ảnh: AP. |
"Tổng thống Michel Aoun không tôn trọng lời thề của mình. Tôi từng đặt niềm tin vào Aoun, nhưng nền cộng hòa này đang vận hành như nông trại vậy", tướng Rammah nhận định. Cựu chỉ huy quân đội Lebanon và nhiều sĩ quan quân đội về hưu đã góp mặt trong làn sóng biểu tình toàn quốc từ tháng 10/2019. Ảnh: AP. |
Ngoài Bộ Ngoại giao Lebanon, người biểu tình còn xông vào trụ sở của Bộ Kinh tế và Bộ Năng lượng ở Beirut. Tòa nhà Bộ Môi trường Lebanon cũng bị người biểu tình xông vào, lấy tài liệu với mong muốn vạch trần tham nhũng. Ảnh: AP. |
Làn sóng căng thẳng đã buộc Thủ tướng Diab tuyên bố kế hoạch bầu cử sớm. Ông kêu gọi mọi đảng phái chính trị gác lại bất đồng và chuẩn bị cho cải tổ. Ảnh: Reuters. |