Quá trình điều tra nguyên nhân vụ nổ ở cảng Beirut hôm 4/8 đang tập trung vào 2.750 tấn hóa chất nguy hiểm được trữ trong kho gần cảng này trong nhiều năm. Trước đó đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ xảy ra cháy nổ tại khu vực.
Guardian hôm 7/8 dẫn lời Yusuf Shehadi, cựu công nhân cảng Beirut, cho biết ông đã được quân đội Lebanon hướng dẫn cất giữ các loại hóa chất này tại kho số 12 tại cảng, dù các cơ quan chính phủ khác đã nhiều lần phản đối. Ngoài ra còn có một lượng pháo hoa được trữ tại đây.
Ông Shehadi cho biết: “Chúng tôi đã phàn nàn rất nhiều về điều này trong nhiều năm qua. Tuần nào hải quan cũng đến phàn nàn và nhân viên an ninh nhà nước cũng vậy. Quân đội liên tục nói với họ rằng họ không có nơi nào khác để trữ những hàng hóa này. Mọi người đều muốn trở thành sếp, và không ai muốn đưa ra quyết định thực sự ”.
Cảng Beirut nhìn từ trên không sau vụ nổ kinh hoàng tối 4/8. Ảnh: AFP. |
Có pháo hoa trong nhà kho ở cảng?
Theo AP, giới chức hải quan, quân đội, an ninh và tư pháp Lebanon cảnh báo ít nhất 10 lần trong 6 năm qua về nguy cơ từ hóa chất dễ cháy nổ được lưu giữ mà gần như không có sự bảo vệ tại cảng Beirut, tài liệu mới tiết lộ cho thấy.
Cảnh báo đầu tiên được đưa ra ngày 21/2/2014, khoảng 3 tháng sau khi con tàu Rhosus chở 2.750 tấn ammonium nitrate cập bến Beirut.
Theo ông Shehadi, ngoài lượng hóa chất nói trên, nhà kho còn chứa pháo hoa mà hải quan đã tịch thu trong khoảng từ năm 2009-2010. Cựu công nhân tại cảng Beirut cho biết ông đã tận mắt nhìn thấy pháo hoa được chuyển đến.
“Có khoảng 30 đến 40 túi nylon đựng pháo hoa bên trong kho 12. Từ cửa đi vào, chúng ở bên tay trái. Tôi từng phàn nàn về chuyện này. Chúng không an toàn. Ở đó cũng ẩm thấp. Đó là thảm họa chực chờ. Công nhân ở cảng không đưa lượng hóa chất đó vào kho từ đầu. Sự phẫn nộ này là dành cho chính phủ", ông cho biết.
Nguồn thứ hai xác nhận với Guardian rằng có pháo hoa ở trong kho chứa. Truyền thông Lebanon cũng nhắc đến chi tiết này hôm 7/8.
Theo Guardian, thông tin này dường như đã được xác thực qua cảnh quay bằng điện thoại của một công nhân đứng từ nóc hầm chứa ngũ cốc, nơi có thể nhìn thấy vụ nổ lớn nhất hôm 4/8.
Trong đoạn phim ngắn được đăng trên mạng xã hội, có thể nhìn thấy một nhà kho dài - chạy song song với hầm chứa ngũ cốc và được ngăn cách bởi một con đường - với khói bốc ra từ các cửa sổ ở phía tây và từ mái nhà.
Nguy cơ hóa chất nguy hiểm phát nổ ở cảng Beirut đã được cảnh báo ít nhất 10 lần trước vụ nổ hôm 4/8. Ảnh: AP. |
Qua so sánh, trang web điều tra Bellingcat và tờ Guardian nhận định rõ ràng nhà kho này nằm ở chính trung tâm của vụ nổ kinh hoàng, nơi xảy ra vụ nổ ban đầu và lan ra thành vụ nổ tiếp theo trong cùng một khu vực kho.
Video cũng cho thấy sau đó, khói dày lên và có thể nhìn thấy hàng chục tia chớp trắng liên tiếp nháy lên bên trong, làm bùng phát ngọn lửa đỏ cháy to hơn và nhanh chóng lan xuống khu phía nam. Tiếp đến, chỉ vài giây sau là vụ nổ lớn trong tòa nhà khiến người quay phim phải cúi xuống tìm chỗ ẩn nấp.
Vụ nổ bắt nguồn từ đám cháy nhỏ?
Ông Shehadi cho biết ông đã trao đổi với các đồng nghiệp cũ ở cảng. Những người này nói rằng trước vụ nổ, các công nhân đang cố gắng sửa cánh cổng bên ngoài nhà kho 12 bằng một công cụ chạy điện.
"Lúc đó là khoảng 17h, và sau 30 phút họ đã thấy khói. Lính cứu hỏa đến, và an ninh tiểu bang cũng vậy. Mọi người đều đã chết ”, ông cho biết thêm.
Đoạn video được đăng tải lên mạng xã hội cho thấy các nhân viên cứu hỏa đang cố dập một đám cháy nhỏ trong nhà kho, trông giống như một tòa nhà ở cảng. “Tôi tin rằng việc sửa chữa cái cổng đó đã dẫn đến thảm họa này,” ông Shehadi nói.
Máy bay trực thăng được điều động để dập lửa sau vụ nổ ở Beirut tối 4/8. Ảnh: AFP. |
Kết quả cuộc điều tra vụ nổ ở Beirut dự kiến được báo cáo lên nội các Lenbanon hôm 9/8. Tổng cộng 16 người có liên quan đến cảng này, bao gồm cả tổng giám đốc cảng, đã bị quản thúc tại gia. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhiều người khác đã kêu gọi điều tra quốc tế độc lập.
Tổng thống Lebanon Michel Aoun cho biết nguyên nhân của vụ nổ vẫn chưa được làm rõ và không loại trừ khả năng đây là âm mưu thù địch. "Nguyên nhân vụ nổ vẫn chưa được xác định. Có khả năng vụ việc bị can thiệp từ bên ngoài bằng tên lửa, bom hoặc hình thức khác", ông Aoun nói.
Tính tới ngày 8/8, Lebanon xác nhận có ít nhất 154 người thiệt mạng và hơn 5.000 người bị thương. Hội Chữ thập đỏ Lebanon ước tính hàng chục người vẫn có thể bị chôn vùi dưới đống đổ nát, chủ yếu là nhân viên của cảng Beirut làm việc trong và xung quanh kho chứa.