Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bi kịch của đứa trẻ có người cha bạo hành

Sống cùng người cha có khuynh hướng bạo lực, sẽ rất bất lợi cho con cái. Chúng sẽ trở thành những con người thích dùng vũ lực để giải quyết vấn đề, hoặc né tránh khi gặp áp lực.

Ke bao hanh anh 1

Sống chung với người cha hay dùng vũ lực sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con cái. Ảnh: H.M.

Vào một chiều thứ bảy, gia đình nhà Turner đang rất háo hức. Randy, năm nay 11 tuổi, và chị gái, Alex, 13 tuổi, đang chuẩn bị cùng bố mẹ đến dự bữa tiệc sinh nhật hoành tráng của hai người em họ sinh đôi.

Mẹ chúng, cô Helen, đang giúp chúng gói quà và chọn đồ đẹp để dự tiệc, thỉnh thoảng lại phải can thiệp để giải quyết những cuộc cãi vã vài phút lại nổ ra giữa chúng. Tom, cha của chúng, đang ở trong gara sửa chiếc xe đạp bụi bẩn của Randy và người dính đầy dầu mỡ.

Helen nơm nớp lo vì sắp trễ giờ, còn Tom thì chẳng có vẻ gì là chuẩn bị sửa soạn để đi và cứ nhắc đi nhắc lại, “Đừng có làm phiền anh nữa, anh đã bảo với em là anh sẽ đến đúng giờ. Anh không thể bỏ dở công việc này.” Căng thẳng giữa Randy và Alex cũng đang leo thang, và Randy cuối cùng lao tới đấm vào mặt Alex. Helen nghe thấy tiếng la thất thanh của Alex, chạy tới kéo Randy ra, trong lúc xô xát lãnh trọn hai cú đấm từ Alex.

Randy gào lên với mẹ, “Mẹ lúc nào cũng về phe của Alex, chết tiệt,” rồi bỏ về phòng, đóng sầm cửa lại. Alex khóc thảm thiết và nói với mẹ, “Mẹ phải làm gì với nó đi chứ; Con không thể chịu đựng thêm được nữa. Con thề, nếu nó còn đánh con thêm một lần nữa thì con sẽ giết nó. Nó điên mất rồi!”

Helen ở bên Alex vài phút rồi xếp đồ đạc lên xe. Thời gian khởi hành đã trôi qua. Tom cuối cùng cũng ra khỏi gara và thong thả rửa tay. Sau đó anh ta bắt đầu đọc báo và Helen cáu kỉnh nói, “Anh đang làm cái gì thế? Chúng ta phải đi thôi.”

Tom lườm cô một cái để ngắt lời cô khiến tim cô như muốn ngừng đập và bảo, “Tôi chỉ đang xem trận đấu tối này diễn ra lúc mấy giờ. Nhưng do cô nói thế, nên có lẽ tôi nên xem thêm còn thứ nào khác thú vị hay không?”.

Sau đó anh ta nở ra một nụ cười khinh bỉ rồi cầm tờ báo tới chỗ đi văng, ngồi gác chân lên và bắt đầu lật các trang báo ra xem với vẻ nghiêm túc. Helen ở trên lầu giận sôi máu. Mười phút trôi qua mà Tom vẫn còn ngồi trên đi văng. Helen gọi anh ta, “Chúng ta đã trễ gần nửa tiếng rồi, bọn trẻ rất sợ bỏ lỡ các trò chơi ở đó”.

Tom nở nụ cười lạnh lẽo đáp, “Tôi tưởng cô phải nghĩ về điều đó trước khi tỏ thái độ khó ngửi đó với tôi chứ”.

Helen thét lên, “Ôi, anh là gã khốn!”

Đúng lúc này Randy ra khỏi phòng và đi xuống cầu thang. “Con thấy mẹ quá kích động, như mọi khi”, cậu ta ăn nói xấc xược với mẹ khi đi xuống. Khi cậu ta xuống tầng dưới, nhìn thấy cha mình không có vẻ gì là chuẩn bị đi, và cậu lại nhìn đồng hồ.

Cậu tính nói gì đó nhưng đổi ý vì nhận thấy cha có dấu hiệu tức giận, ngay cả khi chúng không thể hiện rõ ra ngoài, và cậu không muốn biến mình thành mục tiêu để cha trút giận. Rồi cậu quay lên gác, kể cho Alex nghe tình hình, và hai đứa đi tìm Helen, người mẹ đang ngồi khóc trên giường.

Ke bao hanh anh 2

Cuốn sách Tại sao anh ta làm thế? Ảnh: H.H.

Alex nói gấp gáp, “Nhanh lên Mẹ, mình cứ đi đi không cần có Cha. Bữa tiệc đã bắt đầu rồi, chúng ta sẽ trễ mất.” Helen lắc đầu. Alex nài nỉ, “Sao lại không hả mẹ? Tại sao chúng ta không thể đi?”

Helen chỉ trả lời đơn giản là, “Chúng ta không thể đi mà không có ông ta,” mà không muốn giải thích cho bọn trẻ hiểu là cha chúng sẽ khiến cô phải trả giá đắt nếu họ làm thế.

Randy liền nói, “Mẹ hãy đến xin lỗi cha đi. Mẹ biết đó là tất cả những gì ông ta muốn, cha sẽ đứng dậy và chúng ta có thể đi chơi.”

Helen đã ngừng khóc, và giọng cô trở nên khó khăn. “Mẹ chẳng làm gì ông ấy cả, Randy. Tại sao con không đi nói ông ấy đến xin lỗi mẹ? Mẹ đã làm gì sai nào?”

Randy chuyển sang giọng trịch thượng, như thể mẹ là đồ ngốc. “Phải rồi, Mẹ. Có khi nào Cha xin lỗi về bất kỳ thứ gì chưa? Đừng có ngớ ngẩn nữa. Con đoán là chúng ta nên quên bữa tiệc này thôi - đó cơ bản là những gì mẹ sẽ nói”.

Sau đó cha chúng gọi từ dưới lầu, “Nhanh nào, chúng ta đi thôi.” Anh ta đã âm thầm cất tờ báo và tắm rửa sạch sẽ. Randy và Alex tươi tỉnh hẳn và chạy đi vơ lấy đồ của chúng. Helen gần như không thể nhấc mình đứng dậy, cảm giác như đang bị tấn công tâm lý từ mọi phía. Cô trông tái mét suốt một giờ sau đó.

Khi họ gần ra khỏi cửa, Tom lần đầu nhìn thấy bộ đồ của Alex, mà anh ta cho là quá gợi cảm, và quát cô bé, “Con đi ngay lên lầu, thưa tiểu thư, và thay một bộ đồ lịch sự cho cha. Con không thể mặc thứ đồ trông như con điếm thế này mà đi dự tiệc.”

Alex sắp khóc tới nơi, vì cô bé đã rất hào hứng về bộ trang phục mà mình sẽ mặc đi dự tiệc. “Nhưng Mẹ và con đã cùng nhau lựa bộ đồ này,” cô bé cự lại, với giọng rên rỉ bất lực. “Mẹ nói trông con rất đẹp.”

Tom trừng mắt nhìn Helen, và nói thẳng thừng: “Nếu con không thay đồ trong hai phút thì mọi người sẽ đi, còn con thì ở nhà!” Nghe thế Alex chạy vội lên lầu để thay bộ đồ khác.

Ngồi trong xe hơi đi đến bữa tiệc, Tom đã thôi gắt gỏng và bắt đầu đùa giỡn với lũ trẻ. Cách pha trò của anh ta bao gồm việc ám chỉ những lần bùng nổ cảm xúc và lo lắng thái quá của Helen, điều mà bọn trẻ cảm thấy hài hước trong khi đang bực dọc. Bọn trẻ không thể nhịn cười, dù Alex thấy giận cha và có cảm giác tội lỗi với mẹ mình vì cô đang cười khúc khích. Helen vẫn không hé môi.

Tại bữa tiệc, Tom cư xử như thể mình chẳng có lỗi gì. Còn Helen thì lấy cớ bị ốm, nhưng ai cũng thấy rõ cô đang rất khỏe mạnh. Tom đang vui đùa với cả người lớn và trẻ em tại bữa tiệc, đến mức xoay vòng vòng từng đứa trẻ một trong sân chơi. Helen có thể thấy ấn tượng mà Tom tạo ra trong mắt mọi người và cảm thấy thật vô ích khi cố gắng miêu tả cho bất kỳ ai biết chuyện gì đã diễn ra trước bữa tiệc.

Có vài người lạ tại bữa tiệc, gặp ai Tom cũng giới thiệu Alex là “bạn gái” của anh ta, và xem đây là một trò đùa hấp dẫn.

Có lúc, anh ta bình phẩm với một vài người thân về ngoại hình của Alex, “Con bé sắp trở thành một cô gái quyến rũ, phải không mọi người?” Alex đang đứng gần đó và cảm thấy xấu hổ.

Tom nhận ra vẻ không thoải mái ở cô bé và nói, “Sao vậy, con không thể xem đó là một lời khen à?” và xung quanh rộ lên một tràng cười. Sau đó anh ta ôm Alex, hôn lên đầu cô bé, và nói với những khán giả đầy thích thú, “Con bé là một đứa trẻ rất ngoan.” Alex cố nặn ra một nụ cười.

Khi họ trở về nhà từ bữa tiệc và bọn trẻ đã lên lầu, Helen đề cập với Tom chuyện Randy đánh Alex vào buổi chiều hôm đó và lần này thằng bé đã làm chị bị tổn thương. Tom chỉ đáp, “Helen, làm ơn mở lòng với thế giới đi. Chị em gây gổ đánh nhau, có sao đâu? Hay là em chưa từng nghe nói đến chuyện này, hay là nó không có trong chương trình của Oprah.

Alex lớn hơn Randy hai tuổi, và con bé lớn hơn. Con bé thực sự thích chơi cái trò làm người khác bị tổn thương, vì con bé biết Mẹ sẽ chạy đến và thấy tội nghiệp cho nó, còn Randy to con xấu tính sẽ là người bị đổ lỗi, trong khi Alex hoàn toàn vô tội. Em quá ngây thơ.”

Helen cảm thấy khổ sở trước một tràng châm chọc nhưng vẫn buộc mình điềm tĩnh trả lời, “Em nghĩ chúng ta nên trao đổi với nhà tâm lý ở trường học về việc này và xin ý kiến.”

[...]

Chung sống với một kẻ bạo hành trong nhà có thể rất căng thẳng và hỗn loạn đối với trẻ con cũng như cho mẹ của chúng. Chúng thấy tận mắt những trận tranh cãi; chúng cảm thấy căng thẳng. Khi nghe thấy tiếng la hét và chửi rủa, chúng lo lắng cho cảm xúc của cha mẹ chúng.

Chúng nhìn thấy gia đình đang ly tán; nếu kẻ bạo hành là cha chúng hoặc một hình tượng người cha tốt, thì viễn cảnh chia ly thật là đáng sợ. Nếu kẻ bạo hành tỏ ra đáng sợ, thỉnh thoảng tung nắm đấm vào tường, xô đổ ghế, hoặc đánh mẹ chúng, thì cảm giác sợ hãi sẽ bao trùm con trẻ và có thể ám ảnh chúng ngay cả trong khoảng thời gian bình lặng trong nhà.

Theo sau những trận bạo hành là cảm giác tội lỗi đeo bám chúng, cảm giác rằng chúng đã khiến cho mẹ mình bị bạo hành hoặc lẽ ra nên tìm cách nào đó để ngăn chặn chuyện này.

Tuy nhiên, chứng kiến chuyện bạo hành chỉ là sự khởi đầu cho những gì mà đứa trẻ phải chịu đựng. Tình trạng bạo hành gây ra những cơn sốc chạm vào mọi khía cạnh của hoạt động gia đình. Sự thù địch len lỏi vào những mối quan hệ của người mẹ với đứa con của cô, và các anh chị em thấy bản thân chúng đang đối địch với nhau.

Các phe cánh trong gia đình hình thành và thay đổi. Cảm xúc của trẻ về cha mẹ có thể dao động đến mức cực đoan, từ những lúc căm ghét kẻ bạo hành cho đến những khoảng thời gian tôn thờ người cha và đổ lỗi cho mẹ về những trận ẩu đả.

Người mẹ phải vật lộn để giữ cho mối quan hệ giữa họ với con cái được bền chặt trong khi đối mặt với sự chia rẽ do người cha bạo hành gây ra, và các anh chị em thì phải nghĩ cách để hỗ trợ và che chở lẫn nhau. Những khuynh hướng điên rồ này làm cho cuộc sống gia đình trở nên hỗn loạn.

Ludy Bancroft/ Huy Hoàng Books

SÁCH HAY