Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bị cho ra rìa vụ AUKUS, Pháp kết thân với Ấn Độ và Indonesia

Pháp đang tăng cường kết thân với Ấn Độ và Indonesia để xây dựng quan hệ mật thiết hơn nhằm gia tăng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome hôm 30/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

"Hai bên chia sẻ thiện chí hợp tác hơn nữa trong việc xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", một quan chức Pháp cho biết sau cuộc gặp giữa ông Macron với Thủ tướng Modi. Cuộc gặp tiếp theo giữa hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra trong tuần tới.

Văn phòng Tổng thống Macron cho biết hai bên thống nhất về các nguyên tắc chỉ đạo trong hành động ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm tin cậy lẫn nhau, độc lập và thống nhất.

Trước cuộc gặp với Thủ tướng Modi, Tổng thống Macron có cuộc hội đàm 30 phút với Tổng thống Widodo. Hai nhà lãnh đạo nhất trí hợp tác xây dựng "quan hệ đối tác chiến lược thực chất ở khu vực", Điện Elysee cho hay.

Trọng tâm của hợp tác giữa Pháp và Indonesia bao gồm "chuyển đổi sinh học, hỗ trợ việc làm và tăng trưởng, cũng như hồi phục kinh tế hậu Covid-19".

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về sự phối hợp trong quan hệ giữa Pháp với ASEAN.

phap loi keo an do anh 1

Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Narendra Modi. Ảnh: AFP.

Từ khi mất hợp đồng tàu ngầm với Australia, Pháp đang tìm cách chuyển hướng sang các quốc gia khác ở châu Á nhằm mở rộng ảnh hưởng của Paris cũng như Liên minh châu Âu (EU) ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo South China Morning Post.

Pháp tự coi nước này là một cường quốc ở khu vực Thái Bình Dương bởi sở hữu các lãnh thổ hải ngoại là New Caledonia và Polynesia. Paris đang theo đuổi tham vọng xây dựng ảnh hưởng lớn hơn ở khu vực, đặc biệt thông qua hợp tác với các nước Đông Nam Á.

Pháp sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2022.

Lãnh đạo các nền kinh tế giàu nhất thế giới đạt thỏa thuận lịch sử

Lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới nhất trí thiết lập mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia, tại phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome.

Khí hậu và kinh tế toàn cầu đứng đầu chương trình nghị sự của G20

Biến đổi khí hậu và sự tái khởi động của nền kinh tế toàn cầu sẽ đứng đầu chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome, Italy.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm