Peter Alexander, phóng viên Nhà Trắng của NBC News, đặt câu hỏi cho ông Trump: “Ông nói gì với người dân Mỹ đang dõi theo ông và đang cảm thấy lo sợ” - một câu hỏi được coi là dễ so với các buổi họp báo Nhà Trắng.
Nhưng ông Trump không trả lời câu hỏi, mà bất ngờ nổi giận: “Nói gì thì tôi sẽ nói anh là một phóng viên tồi. Tôi sẽ nói vậy. Tôi nghĩ đó là một câu hỏi xấu xa, và tôi nghĩ đó là tín hiệu xấu mà anh đang gửi đến người Mỹ”.
Lời hỏi đáp trên diễn ra ngày 20/3 tại cuộc họp báo tổ công tác chống dịch Covid-19 của Nhà Trắng.
Phóng viên Peter Alexander của NBC (ngồi dưới, đang giơ tay) đang đặt câu hỏi với ông Trump. Ảnh: AFP. |
Ông Trump hứa hẹn thuốc trị Covid-19 vì “cảm thấy được”
Câu hỏi của phóng viên Alexander bắt nguồn từ việc Tổng thống Trump đề cao một loại thuốc trị sốt rét, chloroquine, và nói đó có thể là thuốc trị Covid-19.
“Có thể trị được, mà cũng có thể không”, ông Trump nói. “Tôi cảm thấy được, chỉ là cảm giác thôi, tôi là một người thông minh... mà không có gì để mất, bạn biết câu người ta hay nói đấy, ‘có mất cái gì đâu’”.
Nhưng “cảm giác” trên của ông Trump nhanh chóng được cải chính bởi tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm và Dị ứng. Ông Fauci lập luận rằng bằng chứng về tác dụng của chloroquine chỉ mang tính “riêng lẻ”, chưa thể coi là thuốc chữa.
“Về cơ bản, tôi nghĩ có thể an toàn, nhưng tôi muốn có bằng chứng trước đã”, tiến sĩ Fauci nói.
Tới đây, Alexander, phóng viên NBC hỏi tổng thống: “Liệu việc ông thường xuyên xoay chiều để chọn ra góc nhìn tích cực có đang cho người Mỹ hy vọng sai lầm hay không?”.
Tổng thống trả lời một cách mơ hồ theo cách thường thấy: “Tôi không nghĩ vậy... có thể có tác dụng, có thể không. Tôi cảm thấy được, chỉ thế thôi, đó là cảm giác”.
Sau đó, nhà báo Alexander hỏi tổng thống muốn nói gì với người Mỹ đang lo sợ, và ông Trump mắng lại Alexander là “phóng viên tồi”.
Tổng thống Trump đang trả lời phóng viên Peter Alexander ngày 20/3. Ảnh: AP. |
Ông nói thêm: “Anh đang muốn gây sốc... đưa tin như vậy là kém. Phải quay về với việc đưa tin”.
Rồi ông khẳng định mình luôn đúng, còn người khác sai. “Tôi đã đúng rất nhiều lần... anh nên tự xấu hổ”.
Bốn phóng viên khác của CNN, ABC, PBS và AP - các phóng viên ngồi cách xa nhau, tuân thủ nguyên tắc “giữ khoảng cách” - sau đó tiếp tục hỏi tổng thống vì sao ông lại công kích phóng viên giữa một cuộc khủng hoảng quốc gia, và điều đó gửi thông điệp gì. Tổng thống tiếp tục phê phán nghiệp vụ của phóng viên Alexander.
Phản ứng giận dữ trước một câu hỏi “dễ xơi”
CNN bình luận phản ứng của tổng thống là “đáng lên án” trước một câu hỏi công bằng, hợp lý. Trả lời trên MSNBC, phóng viên Alexander nói câu hỏi của ông được coi là “dễ xơi” (softball), cho tổng thống cơ hội gửi thông điệp trấn an người Mỹ.
“Tôi nghĩ điều này hé lộ sự bất lực, có thể là hoang mang về sự nghiệp chính trị của ông ta, về tình hình đang vượt ngoài tầm kiểm soát theo vòng xoáy như ta đang chứng kiến”, ông Alexander nói.
Giám đốc của NBC News Andy Lack bảo vệ câu hỏi của nhân viên dưới quyền là “công bằng, đơn giản và cần thiết”.
Tổng thống Trump tại phòng Bầu dục ngày 18/3 khi gặp tổng thống Phần Lan. Ảnh: New York Times. |
Art Fleischer, thư ký báo chí Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush nói không có gì sai với câu hỏi của Alexander. “Nhưng nó làm tổng thống không thích vì ông đang nói về hy vọng, triển vọng của một loại thuốc mới”, New York Times dẫn lời ông Fleischer.
Suzanne Nossel, CEO của nhóm bảo vệ nhân quyền cho ký giả PEN America, nói việc ông Trump công kích báo chí đã “trở thành vở tuồng mỗi ngày tồi tệ và là nỗi xấu hổ quốc tế cho nước Mỹ”, theo New York Times.
ABC, CBS, NBC, Fox, CNN, MSNBC đều truyền trực tiếp họp báo ngày 20/3, cho thấy sự nghiêm trọng của dịch Covid-19 với nước Mỹ, và lượng khán giả mở lên xem cũng tăng vọt so với bình thường. Chẳng hạn, 8 triệu người xem buổi họp báo ngày 13/3 của ông Trump trên ba kênh, so với chỉ 1,75 triệu người xem vào đúng ngày Chủ nhật này của năm ngoái, theo New York Times.
Tại cuộc họp báo, chính quyền Mỹ thông tin về lệnh đóng cửa biên giới Mỹ - Mexico sau lệnh tượng tự giữa Mỹ - Canada. Mọi người nhập cư bất hợp pháp qua biên giới sẽ không được hưởng quy trình xin tị nạn như trước, mà sẽ bị trả về ngay lập tức vì tình thế khủng hoảng, theo Guardian.
Tổng thống cũng cho biết đã dựa vào luật sản xuất quốc phòng để yêu cầu sản xuất “hàng triệu” khẩu trang - tuyên bố mơ hồ gây ra một chút khó hiểu - và cho biết sẽ miễn các khoản tiền trả nợ vay học phí đại học.
Ngày 19-20/3, liên tiếp các bang của Mỹ, bao gồm California, Illinois, New York và Connecticut ra lệnh cho người dân ở nhà, ảnh hưởng tới hơn 60 triệu người, giữa lúc số ca nhiễm ở Mỹ tăng vọt lên hơn 19.000 sau khi đẩy mạnh xét nghiệm.