Làng chài Shoyna miền Bắc nước Nga đang dần biến mất vì bị cát nhấn chìm. Việc khai thác tài nguyên biển quá mức khiến dân làng giờ phải vật lộn với cuộc sống ngày một khó khăn.
|
Shoyna, làng chài ven Biển Trắng phía tây bắc nước Nga đang phải gánh chịu hậu quả từ hoạt động khai thác tài nguyên biển quá mức từ thế kỷ trước. Những cồn cát cao ngập mái nhà là địa điểm vui chơi lý tưởng cho trẻ nhỏ, nhưng với người lớn, đây thực sự là thảm họa nhân tạo khiến cuộc sống của họ ngày càng khó khăn. |
|
Evdokiya Sakharova, 81 tuổi, nói rằng khi bà còn trẻ, khu vực giống như sa mạc bây giờ từng là đồng cỏ cho đàn gia súc, còn dân làng ai cũng có trang trại nhỏ bên cạnh nhà. “Tôi nhớ rằng Shoyna từng tràn ngập sự sống, chứ không phải toàn cát như bây giờ”, bà nói thêm. |
|
Giờ đây bà chỉ có thể sống trên tầng 2 ngôi nhà của mình vì cát đã biến tầng trệt thành “bãi biển”. “Chúng tôi phải thuê xe ủi để dồn cát ra ngoài, năm nào cũng vậy”, bà nói với New York Times. Một ngôi nhà gần đó cũng bị cát nhấn chìm đến mức người dân phải ra vào qua gác xép. Có khoảng hơn 20 ngôi nhà ở đây đã bị chôn vùi hoàn toàn dưới cát. Trên đường phố, vỉa hè biến thành lối đi lát ván. |
|
Sau Thế chiến 2, Shoyna từng là cảng cá nhộn nhịp với sản lượng khai thác rất lớn. Tuy nhiên, việc đánh bắt quá mức không chỉ làm cạn kiệt tài nguyên mà còn làm hủy hoại hệ sinh thái của khu vực. Những tàu đánh cá bằng lưới rà khiến đáy biển không còn rong và bùn để giữ lại lớp cát. Hậu quả là sóng biển bắt đầu đẩy cát vào bờ. |
|
Trong thời hoàng kim khi còn là cảng cá tấp nập, bến tàu của Shoyna luôn chật kín với hơn 70 tàu đánh cá ra vào mỗi ngày. Khi đó, dân số ở đây là hơn 800 người. Ngày nay con số này chỉ còn khoảng 285 người. |
|
Quá trình suy thoái này diễn ra từ từ theo thời gian. Đầu tiên, các nhà máy chế biến cá đóng cửa, sau đó đến hoạt động xây dựng. Các trang trại trụ được một thời gian ngắn. “Chúng tôi đã tiếp tục trồng rau, bón phân vào đất và quét đi lớp cát bị đẩy vào từ bờ biển, cho tới khi mọi nỗ lực trở nên vô dụng”, bà Sakharova nói. |
|
Vào mùa hè, phi cơ hạng nhẹ và trực thăng là phương tiện duy nhất có thể tiếp cận Shoyna. Tiện nghi của người dân Shoyna cũng vô cùng nghèo nàn. Ngôi làng không có hệ thống thoát nước. Nước sinh hoạt được lấy lên từ giếng. |
|
Không có hệ thống sưởi, người dân phải đốt củi hoặc than đá vào mùa đông. Vào mùa thu, dân làng đi săn ngỗng hoang và dự trữ thịt đến cuối mùa đông. Đôi khi họ cũng trao đổi hàng hóa với những người du mục chăn tuần lộc ghé qua làng. Chỉ có duy nhất một cửa hàng lương thực trong làng với giá cả cao gấp đôi so với thị trấn gần nhất. Do đó nhiều cư dân tìm cách tự nuôi trồng thức ăn ở những khu vực chưa bị cát xâm lấn bên ngoài ngôi làng. |
|
Trên các cánh đồng rêu hay lãnh nguyên, họ có thể trồng được cây mâm xôi. Tuy việc thu hoạch rất vất vả nhưng loại quả này rất ngon và sinh lời. Người dân địa phương bán quả mâm xôi cho người trung gian và cuối cùng chúng được bày bán trong các cửa hàng ở thành phố. |
|
Trong suốt cả năm, dân làng vẫn duy trì hoạt động đánh bắt cá quy mô nhỏ vào mùa hè để lấy thực phẩm và vào mùa đông để buôn bán. Tuy nhiên, khu chợ gần nhất cũng cách đó khá xa. Họ phải vận chuyển cá bằng xe trượt tuyết trên mặt sông đóng băng từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ mới đến được thị trấn gần nhất Mezen. |
|
Ngôi làng Shoyna có quy tắc sống riêng. Nếu cần bánh mì, người dân phải đến đặt hàng tại tiệm bánh chỉ mở cửa 4 ngày một tuần. Nhà tắm của làng mở cửa cho phụ nữ vào thứ ba và thứ tư, còn nam giới được sử dụng vào ngày thứ 5 và thứ 6. “Ở đây có rất ít hoạt động giải trí. Chúng tôi may mắn là vẫn có mạng Internet”, Karina Kotkina, thực tập sinh tại trạm khí tượng địa phương, nói với New York Times. Mỗi thứ bảy, một vài người trẻ trong làng và binh sĩ từ căn cứ quân sự gần đó thường tụ tập tại trung tâm sinh hoạt cộng đồng để khiêu vũ. |
|
Suốt hàng thập kỷ, dân làng Shoyna đã tranh luận về việc nên tiếp tục ở lại hay rời bỏ ngôi làng. Chương trình hỗ trợ liên bang có thể trợ cấp cho dân làng Shoyna tái định cư. Nhiều người trẻ quyết định ra đi để học tập, làm việc và du lịch. Nhưng sau một thời gian, vài người trong số đó đã quay trở lại vì không thể thích ứng với cuộc sống đô thị sau nhiều năm sống tại ngôi làng. |
|
“Shoyna như kéo tôi quay trở lại. Tôi đã dành 4 năm học tại thành phố và giờ lại về đây. Tôi yêu Shoyna và muốn sống ở ngôi làng này”. Vậy còn cát thì sao, chúng không gây bất tiện ư? “Tôi không làm được gì mà không có cát. Chân tôi cảm thấy đau khi bước đi trên đường nhựa”, Pavel Kotkin, 21 tuổi, nói với New York Times. |
|
Một số dấu hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện cho thấy hệ sinh thái của Shoyna đang hồi phục. Trong 5 năm qua, cỏ mọc trở lại và ngư dân tìm thấy rong biển quấn trong lưới đánh cá. Đây được coi là những hiện tượng hi hữu trước đó tại Shoyna. |
|
Tuy nhiên, cát vẫn tiếp tục xâm lấn. Mỗi sáng, bà Sakharova đều đào bới ngôi nhà của mình trong lớp cát. “Con cháu tôi muốn tôi chuyển tới thành phố, nhưng tôi không muốn rời khỏi đây. Shoyna là nhà, ở đây rất tuyệt và yên bình”, bà nói. |
Hương Ly
Ảnh: New York Times
ngôi làng ở Nga bị cát nhấn chìm
Nga
khai thác tài nguyên
biển
biến đổi khí hậu