Chiều 10/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM); Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - Sagri) và 17 đồng phạm, liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - Sagri.
Hơn 16h, trả lời xét hỏi của luật sư Phan Trung Hoài, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến trình bày theo phân công ban đầu của Chủ tịch UBND TP.HCM, Phó chủ tịch Lê Văn Khoa phụ trách lĩnh vực xây dựng, đô thị. Đến tháng 7/2017, ông Khoa nghỉ phép và sau đó xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe nên ông Tuyến được phân công phụ trách theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực của ông Khoa.
Ông Tuyến khẳng định thời điểm này ông không biết Sagri cũng như không biết việc Sagri xin chuyển nhượng dự án. Đến khi văn phòng ủy ban trình hồ sơ và ngày 9/11/2017 ông nhận hồ sơ mới biết việc chuyển nhượng dự án này.
Trả lời câu hỏi của luật sư Hoài về việc ông có đề nghị xem xét lại tội danh hay không, ông Tuyến cho rằng với tư cách là nguyên lãnh đạo thành phố, với tâm thế là một người lãnh đạo, bản thân ông không bao giờ có suy nghĩ đổ trách nhiệm cho anh em cấp dưới.
Ông Tuyến cho rằng ông làm và chấp nhận công việc này có rất nhiều rủi ro, lĩnh vực đô thị rất nhạy cảm, phức tạp, công việc áp lực nhưng đã rất cố gắng để làm, xử lý rất nhiều việc.
"Tôi đã lường trước được những nguy hiểm sẽ tới mà mình không thể biết được. Tôi cũng tự nhủ mình chấp hành, tuân thủ quy chế, quy trình làm việc; đồng thời tin tưởng các cơ quan tham mưu. Tôi chưa bao giờ vụ lợi trong công việc, nên rất an tâm những gì mình làm, nhưng không ngờ đây lại là tai nạn nghề nghiệp của tôi. Tôi không đùn đẩy cho ai hết, hậu quả xảy ra là do bản thân chưa làm hết trách nhiệm", ông Tuyến nói và mong HĐXX xem xét, đánh giá đúng bản chất sự việc để có bản án phù hợp đối với cá nhân ông.
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến tại tòa. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trước đó, tại tòa, đại diện Tổng công ty Phong Phú xác nhận đến nay giữa Sagri và công ty đã hủy hợp đồng chuyển nhượng dự án, hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nhưng trước câu hỏi của luật sư về nghĩa vụ các bên đã được giải quyết xong chưa thì vị này nói mong HĐXX xem xét đánh giá.
Về phía doanh nghiệp, sau khi thanh tra kết luận có sai phạm, Tổng công ty Phong Phú đã chủ động ký biên bản thanh lý hợp đồng, hai bên không gây thất thoát lãng phí phát sinh gì cho Nhà nước. Tuy nhiên, khi luật sư hỏi quan điểm của công ty về nội dung cáo trạng nêu số tiền thiệt hại của việc chuyển nhượng này là 672 tỷ đồng, đại diện công ty đề nghị HĐXX xem xét đúng pháp luật.
Với vai trò là Phó chủ tịch UBND TP.HCM, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, do Sagri làm chủ đầu tư cho Tổng công ty Phong Phú.
Cáo trạng cho rằng bản chất việc chuyển nhượng này là dự án kinh doanh bất động sản kèm theo quyền sử dụng đất. Ngoài ra, đây là hình thức chuyển nhượng phần vốn góp ra bên ngoài của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Do đó, việc ký chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng công ty Phong Phú là chưa công khai, minh bạch.
Đây là cơ sở để ông Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - Sagri) và đồng phạm làm thủ tục chuyển nhượng dự án trái quy định, gây thiệt hại 672 tỷ đồng của Nhà nước.