Ông Eric Van der Sypt, người phát ngôn của Cơ quan công tố Bỉ, nói với các phóng viên rằng việc bắt 6 nghi phạm là kết quả của hàng loạt vụ bố ráp của cảnh sát sau khi khủng bố đánh bom sân bay Zaventem và các nhà ga hôm 22/3.
"3 trong số các nghi phạm bị giam gần trụ sở Cơ quan công tố liên bang ở trung tâm thành phố Brussels", AFP dẫn lời ông.
Quan chức này cũng cho biết, cảnh sát xác định danh tính của ít nhất hai nghi phạm từ camera an ninh ở sân bay Zaventem và các nhà ga mà nhóm khủng bố tấn công.
Cảnh sát khám xét tại quận Schaerbeek thuộc thành phố Brussels - nơi 3 nghi phạm đánh bom xuất phát với vali chứa thuốc nổ. Tuy nhiên, họ không bắt bất kỳ người nào ở đây.
Cảnh sát Bỉ tăng cường an ninh tại thủ đô Brussels sau những vụ đánh bom hôm 22/3. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ, ông Jan Jambon, và Bộ trưởng Tư pháp Koen Geens đệ đơn từ chức lên Thủ tướng Charles Michel để nhận trách nhiệm về những vụ khủng bố. Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ Bỉ không chấp nhận đơn từ chức của họ.
Những lỗ hổng an ninh tại quốc gia có trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) khiến cộng đồng quốc tế sửng sốt. Họ phê phán việc giới chức Bỉ tỏ ra không quyết liệt trong việc xử lý các phần tử Hồi giáo cực đoan. Loạt vụ khủng bố ở Brussels cũng khiến giới quan sát đặt câu hỏi về cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan tình báo phương Tây.
Ông Tyyip Ergogan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, thông báo Ankara trục xuất Bakraoui hồi tháng 7 năm ngoái sau khi bắt hắn ở một nơi gần biên giới Syria. Hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định đây là lần thứ hai nghi phạm khủng bố 29 tuổi bị trục xuất. Ankara thông báo với chính phủ Bỉ và Hà Lan rằng rất có thể Bakraoui là chiến binh nước ngoài tìm cách tới Syria.
Vào thời gian đó, giới chức Bỉ trả lời rằng Bakraoui, kẻ từng nhận án tù 9 năm vì dùng vũ khí để cướp của, là tội phạm chứ không phải chiến binh. Hắn ra tù khi mới chấp hành gần một nửa thời gian của bản án nhờ cam kết không tái phạm.
“Bạn có quyền đặt câu hỏi về lý do khiến một tội phạm ra tù quá sớm và tại sao chúng tôi bỏ lỡ cơ hội bắt hắn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong những tình huống đó, nhận trách nhiệm chính trị là việc đúng đắn và tôi đã nộp đơn từ chức lên thủ tướng”, Jambon nói.
Bộ trưởng Geens thừa nhận chính phủ nên xem xét lại hệ thống tư pháp. Nhưng ông nói thêm rằng nhiều quốc gia khác cũng hứng chịu những vụ tấn công khủng bố, đặc biệt là Mỹ - nơi khoảng 3.000 người chết vì những vụ tấn công hôm 11/9/2001.
“Chúng tôi phải tự kiểm điểm một cách nghiêm túc. Song chúng tôi cũng muốn lưu ý rằng những sự kiện như vậy từng xảy ra ở nhiều nước có cơ chế an ninh nghiêm ngặt, với những cơ quan tình báo xuất sắc nhất thế giới”, ông bình luận.
Các nhà điều tra tin rằng nhóm khủng bố từng thảm sát 130 người ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái gây nên những vụ đánh bom ở Brussels.
Đài truyền hình VRT dẫn lời một số nhà điều tra cho rằng Salah Abdeslam, nghi phạm mà cảnh sát bắt hôm 18/3, có thể vạch kế hoạch tấn công bằng súng và bom ở Brussels.
Pháp phá âm mưu khủng bố mới
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho hay, cảnh sát nước này ngày 24/3 đã bắt một đối tượng ở Argenteuil, khu vực ngoại ô phía Tây Bắc thủ đô Paris do "dính líu tới một mạng lưới khủng bố" đang âm mưu tấn công trên lãnh thổ nước Pháp.
Theo ông Bernard Cazeneuve, chiến dịch bố ráp này đã cho phép lực lượng an ninh Pháp đập tan âm mưu tấn công khủng bố vốn đang trong giai đoạn "chín muồi".