Theo CNN, loài bò sát kỳ lạ có vẻ như là phiên bản ngoài đời thực của quái vật Loch Ness, hoặc là một loài lai giữa cá sấu thời tiền sử và hươu cao cổ. Hóa thạch của nó được phát hiện vào năm 1852 và lần đầu tiên được tái tạo vào năm 1973.
Các nhà cổ sinh vật học từ lâu đã xác định loài này từng sinh sống ở khu vực núi Monte San Giorgo của Thụy Sĩ trong khoảng giữa của Kỷ Tam Điệp (Trias) cách đây 242 triệu năm. Họ cũng biết loài vật kỳ lạ này có cái cổ dài tới hơn 3 mét, tức bằng một nửa chiều dài cơ thể 6 mét của chúng.
Nhưng những chi tiết khác xung quanh Tanystropheus vẫn còn gây tranh cãi. Với cái cổ siêu dài như vậy, chúng sống trên cạn hay dưới nước? Con non khi mới sinh nhìn như thế nào? Và chúng tương tác như thế nào với các loài vật khác? Không ai biết những câu hỏi này, cho đến bây giờ.
Hình ảnh dựng lại dựa trên hóa thạch của loài cho thấy Tanystropheus có cái cổ siêu dài. Ảnh: Bảo tàng Field. |
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Current Biology, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ chụp cắt lớp vi tính để tái tạo hình ảnh kỹ thuật số của hộp sọ loài vật này.
"Đối với những người quan tâm đến loài bò sát ở Kỷ Tam Điệp, hóa thạch của Tanystropheus không chỉ mang tính biểu tượng mà còn là đề tài tranh luận", ông Olivier Rieppel, nhà cổ sinh học tại Bảo tàng Field ở Chicago, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Hình ảnh giải phẫu kỹ thuật số từ hóa thạch của Tanystropheus cho thấy hộp sọ và hốc mũi của chúng có đặc điểm của loài sống dưới nước như cá sấu. Các nhà khoa học cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy Tanystropheus là loài "phục kích săn mồi dưới nước", có khả năng sử dụng chiếc cổ dài và mảnh của chúng để tiếp cận những con mồi không cảnh giác.
"Chiếc cổ dài đó tưởng chừng không linh hoạt lắm, nó chỉ có 13 đốt sống và có xương sườn làm hạn chế khả năng hoạt động. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy kết cấu kỳ lạ này linh hoạt hơn nhiều so với những gì chúng tôi nghĩ trước đây", ông Rieppel giải thích.