Theo BBC, gần 100 vết chân, mỗi vết dài từ 18-24 cm đã được phát hiện từ lớp trầm tích của bùn xung quanh một hồ nước. Các dấu chân có niên đại cách đây 110-120 triệu năm, thuộc giai đoạn đầu của Kỷ Phấn trắng.
Nhóm nghiên cứu quốc tế đứng sau phát hiện này cho biết nó có thể làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của chúng ta về loài cá sấu.
"Mọi người có xu hướng nghĩ cá sấu là loài động vật lười nhác, chúng chỉ lảng vảng suốt ngày trên bờ sông Nile hoặc bên cạnh các dòng sông ở Costa Rica. Chẳng ai nghĩ rằng chúng sẽ như thế nào nếu di chuyển bằng 2 chân sau và chạy như đà điều hoặc khủng long bạo chúa", ông Martin Lockley, giáo sư danh dự tại Đại học Colorado, nhận định.
Nghiên cứu này chắc chắn sẽ tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi, vì không phải tất cả các nhà khoa học đều đồng ý với kết luận của nhóm chỉ dựa trên những vết chân.
Hình vẽ mô tả hình dáng của loài cá sấu cổ đại đi bằng 2 chân. Ảnh: Đại học Queensland. |
Giáo sư Lockley và các đồng nghiệp đặt tên cho loài vật tạo ra những vết chân này là Batrachopus grandis, mặc dù không có dấu tích vật lý nào khác của nó được phát hiện tính đến thời điểm này. Sự thừa nhận về chúng chỉ dựa trên vết chân hóa thạch.
Những vết chân này có hình dạng tương tự, mặc dù lớn hơn rất nhiều so với vết chân của những con cá sấu Batrachopus sống trước đó hàng chục triệu năm trong Kỷ Jura. Batrachopus di chuyển bằng 4 chân.
Những vết chân được tìm thấy ở Hàn Quốc, theo giáo sư Lockley, chỉ có thể được giải thích là do con vật tạo ra chúng đi bằng 2 chân.
"Chúng tôi có thế nhìn thấy tất cả ngón chân, tất cả đường vân trên da - giống như bạn đang nhìn vào bàn tay của mình vậy. Chúng đặt 1 chân trước chân còn lại, so le nhau, và chúng có thể vượt qua 1 bài kiểm tra sự tỉnh táo bằng việc đi trên đường thẳng, và không hề có dấu vết của chi trước", ông Lockley nhận xét.
Cảnh sát nhiều nước phương Tây thường yêu cầu tài xế đi trên 1 đường thẳng để xem họ có tỉnh táo hay không.
Giáo sư Kyung Soo Kim từ Đại học Chinju của Hàn Quốc cũng cho rằng chiều sâu gót chân cho thấy loài vật này đã đứng thẳng.
"Đường đi của những vết chân là rất hẹp - giống như là con cá sấu đang giữ thăng bằng trên một sợi dây thừng", ông nhận xét.
"Khi kết hợp với việc không có bất cứ dấu vết nào của đuôi, rõ ràng là những sinh vật này đã di chuyển bằng 2 chân", ông Kim nói thêm.
"Chúng di chuyển giống với cách của khủng long, nhưng dấu chân không phải do khủng long tạo ra. Khủng long và hậu duệ của chúng đi trên những ngón chân. Cá sấu đi trên mặt phẳng của bàn chân, để lại vết gót rõ ràng, giống như con người vậy", ông Kim cho biết.