Ảnh minh họa. Nguồn: The Collector. |
Dante Alighieri là một trường hợp thú vị. Sinh ra ở Florence năm 1265, ông là nhà văn châu Âu quan trọng bậc nhất trong thời đại của mình. Ông sống ở Ý vào thời điểm nghề làm giấy đang phổ biến nhanh chóng và vào buổi bình minh của thời đại mới trong nền học thuật Châu Âu. Ông viết bằng tiếng Ý, được coi là cha đẻ của nền văn học Ý, là một trong những người khởi xướng sự thay đổi ở Châu Âu dẫn đến việc chuyển đổi từ da sang giấy.
Trước Dante, sách vở được viết bằng tiếng Latin, thứ ngôn ngữ chỉ tồn tại đằng sau bức tường của các tu viện. Không ai trò chuyện bằng tiếng Latin, và chỉ một ít giáo dân đọc được hoặc muốn đọc nó. Sách được viết cho một nhóm người rất nhỏ, và hầu hết trong số đó đều bị giam giữ sau những bức tường theo đúng nghĩa đen.
Với lớp bìa nạm đá quý và các trang sơn màu, sách là biểu tượng của địa vị mà những người giàu có muốn sở hữu, bất chấp việc không biết đọc tiếng Latin. So với thế giới Ả Rập và Châu Á, ở Châu Âu không diễn ra nhiều hoạt động đọc, và do đó, da đáp ứng hoàn hảo nhu cầu này.
Nhưng Dante đã giúp thay đổi điều đó. Ông viết cho mọi người, bằng thứ ngôn ngữ mà tất cả bọn họ đều nói. Tuy nhiên, ông từ chối sử dụng phương tiện mới rõ ràng dành cho lối viết phổ biến mới này: giấy.
Theo logic, đáng lẽ ra ông có thể là nhà văn vĩ đại đầu tiên sử dụng giấy, nhưng thay vào đó, ông lại là người cuối cùng sử dụng da. Thật thú vị, từ carte, thường có nghĩa là "giấy", lại được nhắc đến không dưới chín lần trong Thần Khúc, trong khi từ vello thường dùng với nghĩa là "da" vào thời điểm đó lại hầu như không được nhắc đến.
Tuy nhiên, các dịch giả tiếng Anh, trong đó có nhà thơ vĩ đại người Mỹ Henry Wadsworth Longfellow, thường dịch carte là "trang" chứ không phải "giấy". Có những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn trong Khổ XXV phần Hỏa Ngục (vâng, Dante cũng sử dụng chữ số La Mã), Dante đã mô tả việc đốt giấy là "và những màu trắng chết đi", và trong Khổ XXII phần Thiên Đường (Paradiso), ông viết về thứ luật rimasa è per danno de le carte nghĩa là: chỉ tổ lãng phí giấy.
Cụm từ thường khiến các chuyên gia về Dante phải bối rối là: "Và sinh quán của ngài giữa hai vùng Feltro" - E sua nazion sarà tra feltro e feltro. Các học giả về Dante có vô số lời giải thích cho cách diễn đạt này. Feltro là từ tiếng Ý có nghĩa là "felt" (nỉ). Nhưng một số dịch giả, bao gồm Longfelow và nhà thơ Mỹ Robert Pinsky thay vì dịch hẳn ra, lại viết hoa từ đó lên như một cái tên riêng: "giữa hai vùng Feltro".
Theo cách hiểu này, Dante đang nói về một địa danh nằm giữa thị trấn Feltro ở Veneto và vùng Montefeltro ở Romagna. Các học giả khác lại nói rằng câu này ám chỉ đến các tu sĩ dòng Francisco, những người thường mặc đồ nỉ, hoặc ám chỉ đến nền dân chủ, vì nỉ được dùng để lót các thùng phiếu bầu. Thế nhưng, một số khác lại coi đây là một tài liệu tham khảo về chiêm tinh.
Tuy nhiên, những người Ý thuộc thế hệ của Dante, không giống các học giả Dante đương thời, đều đã quen thuộc với quy trình làm giấy thủ công. Tại Fabriano và hầu hết mọi nơi khác, sau khi một tấm giấy được hình thành, người ta sẽ bóc nó ra khỏi khuôn và xếp chồng lên nhau với các lớp nỉ chèn vào giữa để ép và làm khổ. Vì vậy, một số học giả đã giải thích rằng, đoạn thơ đang nói đến quốc gia được hình thành trên giấy, bằng một văn bản viết. Dante biết đôi điều về giấy, thế nhưng trong suốt cuộc đời, ông lại không hề viết một tác phẩm nào trên giấy.
Trên thực tế, mẫu chữ viết duy nhất của ông mà chúng ta có được là chữ ký trên một tài liệu viết trên da từ Florence.