Tác giả Walter Isaacson, trong cuốn sách tiểu sử về Leonardo Da Vinci (1452-1519) mang tên vị danh họa (Omega và NXB Thế giới vừa xuất bản, bản dịch của Nguyễn Thị Phương Lan) đã hé lộ những bí ẩn này cho độc giả.
Theo tác giả, bức Lễ rửa tội Chúa, do Leonardo vẽ cùng người thầy của mình - Verrocchio - vào năm 1470, ghi lại cảnh Thánh John Tẩy giả đang dội nước lên người Chúa Jesus bên dòng sông Jordan, cạnh hai thiên thần đang quỳ gối, trong đó Leonardo vẽ thiên thần phía ngoài.
Isaacson, qua việc trích cuốn sách tiểu sử Leonardo của tác giả người Italia sống sau thời nhà danh họa chỉ vài chục năm là Vasari, đã mô tả: "Verrocchio đã quá kinh ngạc khi ngắm thành quả đó đến nỗi ông quyết định sẽ không bao giờ đụng tới bút vẽ nữa".
Tác giả người Mỹ cho rằng, đúng là sau tác phẩm này, Verrochio không hoàn thành thêm một tác phẩm nào nữa thật. Ông đưa ra phân tích bằng hình chụp X-quang để khẳng định những nét vẽ sơn dầu mỏng tinh tế đôi khi được chấm và di nhẹ bằng đầu ngón tay của Leonardo, kỹ thuật mà danh họa rèn luyện được từ những năm 1470.
Ông cũng cho rằng, trong tác phẩm này Leonardo đã chứng tỏ mình là bậc thầy khắc họa chuyển động trong hội họa.
"So sánh giữa hai thiên thần, cho thấy Leonardo đã vượt qua thầy dạy của mình như thế nào", Isaacson khẳng định.
Còn qua tác phẩm Lễ truyền tin, mô tả khoảnh khắc Thiên thần Gabriel đang báo tin cho Thánh nữ Maria biết rằng nàng sẽ trở thành mẹ của Đức Chúa, một chủ đề khá phổ biến trong hội họa Phục hưng.
Isaacson cho biết Leonardo đã thử nghiệm một kỹ thuật là "phối cảnh biến dạng", tức là một số chi tiết hậu cảnh trong tác phẩm bị bóp méo khi nhìn thẳng nhưng lại hoàn toàn hợp lý khi nhìn từ một góc khác.
Tác phẩm Lễ truyền tin. |
Ông cho rằng thành công lớn nhất của bức tranh là Thiên thần Gabriel, ở đó ẩn giấu vẻ đẹp lưỡng tính, với chuyển động của Thiên thần được ghi lại thành công.
Dù nhiều nhà phân tích cho rằng ở tác phẩm này, Leonardo, ở tuổi ngoài đôi mươi, còn nhiều khiếm khuyết, thì Isaacson vẫn cho rằng danh họa đang thử nghiệm với ánh sáng, phối cảnh và bút pháp tường thuật nhờ thể hiện biểu cảm của nhân vật, đồng thời thể hiện màu sắc vô cùng tinh tế. "Ngay cả những sai sót, cũng chỉ là những chỉ báo tiên liệu một thiên tài xuất chúng", ông viết.
Leonardo cũng là tác giả của những bức tranh thờ nhỏ hình Đức Mẹ, mà người ta hay gọi là Madona, với lời giải thích rằng đây xuất phát từ một từ cổ Italia là "ma donna", có nghĩa là mẹ tôi, dùng để chỉ Đức Mẹ Maria.
Trong đó, Leonardo có ít nhất hai bức tranh như vậy, là Đức Mẹ với hoa cẩm chướng, còn được gọi là Đức Mẹ Munich, hiện được trưng bày tại thành phố Munich, Đức, và Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng với hoa, còn được gọi là Đức Mẹ Benois, theo tên nhà sưu tập từng sở hữu nó.
Isaacson phân tích nét đặc sắc nhất của cả hai bức tranh là hài nhi Jesus mũm mĩm đang cọ quậy, những ngấn thịt trên thân hình trẻ thơ bụ bẫm đã giúp Leonardo có cơ hội đi xa hơn những nghiên cứu về xếp nếp của họa sĩ trước đó.
Leonardo có một bức họa dở dang, bức Sự sùng kính của các hiền sĩ, được Tu viện San Donato tại thành Florence đặt hàng năm 1481, và người đứng ra đàm phán hợp đồng chính là cha của Leonardo, người làm chưởng khế cho các thầy tu. Bức tranh mô tả cảnh ba nhà thông thái vừa theo hướng ngôi sao dẫn đường tới thành Bethlehem để trình diện trước hài nhi Jesus trong vòng tay Đức Mẹ.
Theo Isaacson, bức họa dở chừng này lại trở thành tác phẩm dang dở có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nghệ thuật, và nó cũng tóm lược tài năng kiệt xuất nhưng bức bối của Leonardo. Đó là sự tài hoa lỗi lạc phát lộ mang tính mở đường đầy kinh ngạc bị bỏ dở khi mới đang được hình thành.
Tác phẩm Đức Mẹ đồng trinh trong hang đá (phiên bản Louvre). |
Leonardo cũng vẽ các bức tranh Đức Mẹ đồng trinh trong hang đá theo đơn đặt hàng của Hội Ái hữu Vô nhiễm. Ở phiên bản đầu tiên, hiện được lưu trữ tại bảo tàng Louvre, Pháp. Isaacson cho rằng Leonardo đã đưa nghệ thuật lên một kỷ nguyên mới trong đó các mảng sáng và tối hòa quyện vào nhau để tạo ra một dòng chảy đầy sức mạnh.
Ông cũng cho rằng họa sĩ thiên tài đã tận dụng triệt để tri thức khoa học để phục vụ nghệ thuật khi vẽ các chi tiết của hang đá với độ chính xác đến mức kinh ngạc về mặt địa chất.
Tất nhiên, phải kể đến một kiệt tác về đề tài Công giáo của Leonardo, bức Bữa tối cuối cùng. Do đây là một bức tranh tường, Leonardo đã xử lý tài tình phối cảnh của bức tranh để nó hòa quyện vào quang cảnh của gian phòng.
Theo tác giả cuốn sách, bức kiệt tác đã truyền tải được "moti dell' anima", tức là những vận động trong tâm hồn các nhân vật. Do đó, Bữa tối cuối cùng là ví dụ xuất sắc và sinh động nhất của tuyên ngôn mà Leonardo từng viết về việc phải vẽ sao cho người xem dễ dàng nhận ra các nhân vật từ cử chỉ, ý định tâm trí của họ.
Ví dụ, nhóm tông đồ bên trái bức tranh, gồm Bartholomew, James Nhỏ và Andrew đang ngỡ ngàng trước tuyên bố của Chúa là "Một trong số các con sẽ phản bội ta". Bartholomew là người chuẩn bị đứng dậy, đầu vươn ra phía trước.
Trong khi đó, Judas đang quay người lại, làm đổ lọ muối, tay trái với tới chỗ miếng bánh mì tội lỗi mà hắn và Jesus cùng chia sẻ. Peter thì nóng nảy vươn tay ra phía trước đầy phẫn nộ, trong khi John thì rầu rĩ, lặng thinh.
"Khoảnh khắc bị đông cứng nhưng Leonardo đã dùng cái nhạy bén của con mắt để bắt được hình ảnh chuyển động của đôi cánh chuồn chuồn đang bay, để in vào khung tranh một khoảnh khắc đặc biệt", Isaacson ví von. Do đó, Kenneth Clark đã gọi bức Bữa tối cuối cùng là "rường cột của nghệ thuật châu Âu".
Kiệt tác Bữa tối cuối cùng. |
Theo nhà viết tiểu sử, sau khi hoàn thành bức họa vào năm 1498, Leonardo đã được Công tước Milan Ludovico Sforza ban thưởng cho một vườn nho. Ông cũng cho biết đến năm 1652, các tu sĩ đã đục một lối đi thông qua bức tường phía dưới, đúng vào phần chân của Chúa Jesus khiến chúng ta ngày nay không còn biết nguyên bản bức tranh như thế nào.
Walter Isaacson sinh năm 1952, là nhà văn, nhà báo nổi tiếng, đồng thời cũng là giáo sư môn Lịch sử tại Đại học Tulane. Ông nổi tiếng với các cuốn sách tiểu sử các nhân vật nổi tiếng như Benjamin Franklin, Steve Jobs, Albert Einstein, Henry Kissinger.
Ông đã dành ba năm khảo cứu tỉ mỉ trên 7.200 trang ghi chép các ý tưởng và phác thảo của Leonardo, đồng thời tham khảo hàng loạt phân tích của các nhà nghiên cứu khác để viết nên cuốn tiểu sử đồ sộ về cuộc đời và sự nghiệp của nhà danh họa.